Bản sắc ngoại giao Việt Nam

(PLVN) - Theo thời gian và cùng với những bước đường phát triển của đất nước, ngoại giao Việt Nam gây dựng nên truyền thống và bản sắc riêng, làm giàu cho truyền thống và bản sắc chung của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà trong chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam, tháng 12/2023. (Ảnh: TTXVN).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà trong chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam, tháng 12/2023. (Ảnh: TTXVN).

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Ở giai đoạn lịch sử nào của đất nước cũng vậy, ngoại giao luôn đóng vai trò rất quan trọng và luôn được sử dụng làm phương cách và vũ khí phục vụ đắc lực và thiết thực cho công cuộc dựng nước và giữ nước… Giống như truyền thống ngoại giao, bản sắc ngoại giao được gìn giữ và truyền lại từ thời này sang thời khác, được không ngừng làm giàu thêm về nội hàm và bản chất. Cho tới ngày nay, ngoại giao luôn đóng góp xứng đáng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của cả dân tộc. Ngoại giao luôn hoàn thành sứ mệnh lịch sử ấy nhờ có được cội rễ của sức mạnh của nó là bản sắc của nó.

Bản sắc của ngoại giao Việt Nam trước hết là hòa hiếu, nhân nghĩa và chính nghĩa. Ngoại giao của quốc gia trong nghĩa đen của ngôn từ là hành xử của quốc gia với bên ngoài. Nhìn vào cách hành xử của quốc gia, bên ngoài có thể nhận biết về truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa, lợi ích và chủ đích của quốc gia liên quan. Nhân tố quyết định để bên ngoài xác định hình thức và cấp độ quan hệ ngoại giao với quốc gia liên quan là có tìm thấy được không và có thể cùng gây dựng được không lợi ích chung và triển vọng phát triển chung trong tương lai. Thiện chí đi từ đồng cảm và công nhận, tôn trọng và khâm phục. Thiện chí khởi nguồn cho hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Nhờ có bản chất và bản sắc là hòa hiếu, nhân nghĩa và chính nghĩa mà ngoại giao Việt Nam giúp đất nước và dân tộc chinh phục được thế giới để thế giới đồng hành cùng đất nước và dân tộc trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước phồn vinh.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Nhật Bắc).

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Nhật Bắc).

Bản chất và bản sắc này của ngoại giao Việt Nam hàm ý ngoại giao Việt Nam hoạt động vì đất nước và dân tộc Việt Nam nhưng đồng thời cũng còn vì lý tưởng và mục tiêu phấn đấu chung của nhân loại trên trái đất, thế giới đồng hành với Việt Nam vừa vì Việt Nam nhưng cũng vừa vì chính hiện tại và tương lai của thế giới. Ngoại giao Việt Nam kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại chính là như thế.

Hài hòa, thống nhất với lợi ích chung của nhân loại

Bản chất và bản sắc của ngoại giao Việt Nam là ngoại giao Việt Nam luôn phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết nhưng trong sự hài hòa và thống nhất với lợi ích chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới ở mọi giai đoạn lịch sử. Ngoại giao Việt Nam vì thế luôn nhất quán và thủy chung. Ngoại giao Việt Nam bởi thế luôn vì lợi ích của Việt Nam mà không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng và hợp pháp của đối tác mà trong khả năng có thể được thậm chí còn có lợi cho đối tác.

Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: VGP).

Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: VGP).

Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, bài toán đối ngoại luôn đặt ra cho tất cả các quốc gia là lựa chọn đối tác để hợp tác và để ưu tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác. Quốc gia nào cũng phải liên kết và tập hợp lực lượng quốc tế để thực hiện và bảo toàn tốt nhất lợi ích của mình. Các quốc gia lựa chọn khác nhau. Sự lựa chọn của Việt Nam luôn được chi phối và dẫn dắt bởi lợi ích của Việt Nam và bởi bản chất, bản sắc và truyền thống của ngoại giao Việt Nam là chọn đối tác và kiến tạo mối quan hệ đối tác với bên ngoài mà không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của bất cứ bên thứ ba nào, mà luôn dựa trên nền tảng chung là hòa bình và hữu nghị, hòa hiếu và chính nghĩa, nhân nghĩa và thủy chung, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng và hậu thuẫn lẫn nhau, cùng phát triển và cùng có lợi.

Vấn đề đặt ra cho ngoại giao Việt Nam xưa nay là dùng chính bản chất và bản sắc để gây dựng mạng lưới các mối quan hệ đối ngoại với tất cả các đối tác bên ngoài có đủ khả năng để củng cố và không ngừng mở rộng môi trường thuận lợi về chính trị đối ngoại và an ninh, kinh tế đối ngoại và quan hệ quốc tế cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế và phát triển phồn vinh.

Thế giới hiện đại biến động càng mạnh mẽ và khó lường, thách thức về an ninh và phát triển đối với đất nước càng lớn và phức tạp thì nhiệm vụ của ngoại giao Việt Nam càng đa dạng và khó khăn. Đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và bản sắc của ngoại giao Việt Nam là những bảo đảm chắc chắn nhất cho thành công của hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong bối cảnh tình hình mới. Đại hội Đảng chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Đại hội Đảng xác định vai trò và sứ mệnh tiên phong cho đối ngoại. Bản sắc ngoại giao Việt Nam là thành tố cốt lõi của nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Sức mạnh cội nguồn từ bản sắc của ngoại giao Việt Nam giúp đối ngoại Việt Nam đảm trách thành công vai trò và sứ mệnh tiên phong trong bối cảnh tình hình mới ở Việt Nam và trên thế giới.

Sức mạnh cội nguồn từ bản sắc của ngoại giao Việt Nam giúp đối ngoại Việt Nam đảm trách thành công vai trò và sứ mệnh tiên phong trong bối cảnh tình hình mới ở Việt Nam và trên thế giới.

Đọc thêm