Bản tin sáng 3/7
- Việt Nam tham dự Phiên họp lần thứ 43 Hội nghị cấp Bộ trưởng của FAO
- Quốc hội yêu cầu sớm có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
- TP.HCM, Bình Dương có số lao động mất việc cao nhất nước
- Sắp khởi công nhà ga mới tại sân bay Đồng Hới
- Quảng Bình: Tạm giữ hình sự nữ giám đốc bán 'đất ảo'
Từ ngày 1 - 7/7, tại trụ sở của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) diễn ra Phiên họp lần thứ 43 của Hội nghị cấp Bộ trưởng của FAO, với chương trình bầu Tổng Giám đốc FAO nhiệm kỳ 2023 - 2027 và các hội nghị bàn tròn cấp cao xoay quanh chủ đề quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Phiên họp có sự tham dự của 2 Phó Thủ tướng và khoảng 120 Bộ trưởng, Thứ trưởng của các nước thành viên. Đoàn Việt Nam do Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng, Đại diện thường trực của Việt Nam tại FAO, đứng đầu cùng đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch đầu tư và Tài chính
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.
Nghị quyết của Quốc hội nêu cần sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo Tổng cục Thống kê, quý 2/2023, cả nước có hơn 217.000 người lao động bị mất việc. Trong đó, Bình Dương chiếm khoảng 83.200 người và TP.HCM chiếm khoảng 30.400 người.
Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình lao động, việc làm cả nước trong quý 2/2023.
Theo đó, thị trường lao động Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như dịch Covid-19, tổng cầu thế giới suy giảm... Theo đó, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tình trạng người lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc vẫn tiếp diễn.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ thu xếp vốn để đầu tư nhà ga mới tại sân bay Đồng Hới.
Theo Bộ GTVT, trong quy hoạch tổng thể phát triển hàng không, sân bay vừa được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, sân bay Đồng Hới có công suất 3 triệu hành khách mỗi năm; tầm nhìn đến năm 2050 công suất 5 triệu hành khách mỗi năm. Như vậy, việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 là phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển sân bay Đồng Hới.
Bộ GTVT đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Bình phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng phạm vi 10,6 ha sang đất hàng không dân dụng.
Ngày 2.7, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa tạm giữ hình sự đối với Trần Thị Huyền (34 tuổi, P.Bắc Lý, TP.Đồng Hới), Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Land QB, về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Trần Thị Huyền lừa đảo, bán những thửa đất không có thật chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Huyền thừa nhận các hành vi của mình và cho rằng thời điểm năm 2022 vì cần tiền trả nợ nên đã nảy sinh hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn trên.