Bản tin sáng 08/10: 4 cao tốc của VEC dự kiến tăng giá vé vào năm 2024

(PLVN) - Bộ Chính trị trình quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2026 - 2031; Đề xuất không trợ cấp người già có thu nhập ổn định; ... và một số thông tin khác.
Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: CTCP Giao thông số Việt Nam VDTC.

Bản tin sáng 0810

  1. Bộ Chính trị trình quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2026 - 2031

  2. Đề xuất không trợ cấp người già có thu nhập ổn định

  3. 4 cao tốc của VEC dự kiến tăng giá vé vào năm 2024

  4. Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị lập 'làn sóng xanh' từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái

Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin sáng nay.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Ngày 7/10, Hội nghị Trung ương 8 tiếp tục ngày làm việc thứ sáu, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 9 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phiên thảo luận do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Bộ Chính trị điều hành.

Phát biểu khai mạc hội nghị trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa 14.

Theo Tổng Bí thư, trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.

Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đó của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tổng Bí thư cho biết, ngày 7/7 vừa qua, căn cứ vào quy chế làm việc và Quy định số 50/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 17 về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá 14, nhiệm kỳ 2026 – 2031.

Trong kế hoạch này xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc; mục đích yêu cầu; tiêu chuẩn; số lượng và cơ cấu; đối tượng và độ tuổi; quy trình giới thiệu, phê duyệt quy hoạch và hồ sơ nhân sự; số lượng phát hiện, giới thiệu đưa vào quy hoạch...

Thời gian qua, trên cơ sở phát hiện, giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá 14, nhiệm kỳ 2026 - 2031 đã khẩn trương, nghiêm túc phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương rà soát, thẩm định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho định hướng hoàn thiện thêm một bước dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 14 để trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại hội nghị lần này.

Hưu trí xã hội nên tập trung giúp người khó khăn, hạ độ tuổi xuống từ 60 nếu thuộc hộ nghèo, không có người chăm sóc, bỏ nhóm có thu nhập ổn định, theo chuyên gia.

Kiến nghị được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm sửa đổi do Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, ngày 7/10.

Chế độ hưu trí xã hội lần đầu được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 28 về xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Theo đó, người thụ hưởng phải đủ từ 75 tuổi trở lên, giảm 5 tuổi so với hiện hành, không có lương hưu hoặc trợ cấp khác từ bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng tăng từ 360.000 đồng mỗi tháng lên 500.000 đồng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, trợ cấp mai táng 10 triệu đồng khi qua đời. Nguồn chi lấy từ ngân sách nhà nước.

Nếu đề xuất được thông qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ước tính thêm 700.000 người cao tuổi vào lưới an sinh. Kinh phí phát sinh mỗi năm khoảng 7.100 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Thúy Hương, giảng viên Đại học Luật TP HCM, cho rằng quy định hướng đến trợ giúp cho người cao và rất cao tuổi đang không hưởng bất kỳ chế độ nào của bảo hiểm xã hội, tức đến tuổi là được nhận. Bà Hương cho rằng dự thảo luật cần bổ sung một số thủ tục kiểm tra thu nhập của người cao tuổi trước khi phê duyệt trường hợp được hưởng.

Tại Việt Nam, trợ cấp cho người già như một chế độ hưu trí xã hội hàng tháng, bắt đầu từ năm 2007 với mức hỗ trợ khởi điểm 120.000 đồng, dành cho người từ 85 tuổi trở lên. Hiện, độ tuổi đã giảm xuống 80 và mức hỗ trợ tăng lên 360.000 đồng.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, giảng viên trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng muốn nâng tiền trợ cấp cho người hưởng hưu trí xã hội, điều cần thiết phải tăng người hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh hạn chế nhận trợ cấp một lần, bà đề nghị cần mở rộng nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và khuyến khích lao động tự do tham gia với hình thức tự nguyện.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.

Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đang xây dựng lộ trình tăng giá vé cho 4 tuyến cao tốc mà đơn vị quản lý.

VEC cho biết đang xây dựng kế hoạch tăng giá sử dụng dịch vụ đường bộ đối với 4 tuyến đường cao tốc vào năm 2024 để đảm bảo phương án tài chính cũng như khả năng trả nợ.

4 tuyến cao tốc này gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

VEC cho biết việc xem xét tăng phí căn cứ theo lộ trình tăng phí định kỳ 3 năm một lần trong Quyết định số 2323 của Bộ trưởng Giao thông vận tải. Trong 9 tháng đầu năm 2023, các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác đã phục vụ hơn 45,3 triệu lượt phương tiện, tăng 12,41 % so với cùng kỳ 2022.

Thời gian qua, tình trạng người dân xé rào đi vào cao tốc đón xe khách vẫn xảy ra trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình; tình trạng vật nuôi xâm nhập, mất cắp hàng rào trên tuyến TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Để khắc phục tình trạng này, các đơn vị vận hành khai thác trên tuyến đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền; tổ chức đóng, gia cố hàng rào; kiến nghị cấp có thẩm quyền chế tài xử phạt…

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đưa ra đề xuất trên nhằm giúp giao thông thông suốt hơn trên tuyến đường vào cảng container lớn nhất cả nước (cảng Cát Lái).

Mới đây, tổ công tác liên ngành do Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm làm tổ trưởng, cùng đại diện Công an TP.HCM và các sở, ban, ngành đã có buổi làm việc với những đơn vị liên quan về công tác đảm bảo an toàn, trật tự giao thông ở khu vực cảng Cát Lái.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, tổ công tác cho rằng khu vực cảng Cát Lái trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng ùn tắc giao thông. Nguyên nhân chủ yếu là về sự cố hạ tầng, tình trạng vá vỏ trên các tuyến đường xung quanh…

Do đó, tổ công tác đề nghị các đơn vị liên quan phải cử người tham gia tổ công tác liên ngành, đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cảng Cát Lái (gọi tắt là tổ công tác Cát Lái), nhóm phản ứng nhanh, giải quyết sự cố tại khu vực cảng Cát Lái (gọi tắt là nhóm phản ứng nhanh Cát Lái) và gửi về Sở Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo UBND TP.HCM.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị được giao nhiệm vụ quan trọng, chủ trì phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án thiết lập "làn sóng xanh" đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cổng A cảng Tân Cảng Cát Lái).

Đồng thời, phối hợp với Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM kiểm tra, thống nhất vị trí lắp camera tại giao lộ Nguyễn Thị Định - đường A và đề xuất phương án thiết lập vị trí camera giám sát tầm cao, quan sát diện rộng xung quanh các tuyến đường ra vào cảng.

Đọc thêm