Bản tin sáng 09/06: TP Hồ Chí Minh xây dựng 200 nhà vệ sinh công cộng chuẩn quốc tế

(PLVN) - Điều tiết cắt giảm điện phải bảo đảm công bằng, công khai; Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu phục hồi;... và những tin tức khác.

Bản tin sáng9/6 Xin kính chào quý vị thính giả, quý vị đang nghe bản tin tổng hợp trên Pháp luật radio, báo PLVN. Sau đây là những tin chính.

TP Hồ Chí Minh xây dựng 200 nhà vệ sinh công cộng chuẩn quốc tế

Điều tiết cắt giảm điện phải bảo đảm công bằng, công khai

Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu phục hồi

Livestream, quảng cáo đánh bạc tràn lan trên mạng

Tính trung bình, 50.000 người dân tại TP Hồ Chí Minh mới có một nhà vệ sinh công cộng để sử dụng. Vấn đề tế nhị nhưng cấp bách này đang được thành phố nỗ lực khắc phục.

Hai nhà vệ sinh công cộng thông minh, đạt chuẩn quốc tế, được xây dựng từ nguồn xã hội hóa với nhiều tính năng nổi bật và hoàn toàn miễn phí vừa được thành phố đưa vào khai thác, phục vụ người dân và du khách. Từ đây, hệ thống 200 nhà vệ sinh công cộng tương tự sẽ được nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố trong năm nay.

Cửa tự động đóng/mở, có camera để giám sát bên ngoài, có nhạc thư giãn, cùng các thông tin hướng dẫn sử dụng bằng giọng nói song ngữ Anh - Việt.

Nhà vệ sinh thông minh, nên tất cả đều cảm ứng, không cần chạm tay, giúp tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn.

Khác biệt lớn nhất so với trước đây đó là sự sạch sẽ và không có mùi khó chịu, do nó được lập trình vệ sinh sàn nhà tự động theo chu trình.

Nhà vệ sinh này không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Người dân và du khách sử dụng miễn phí hoàn toàn. Nó được thiết kế gồm một buồng vệ sinh dùng chung và ki-ốt quản lý ở phía trước để các doanh nghiệp quảng cáo, trưng bày sản phẩm. Nguồn tiền thu được dùng để bảo trì, đảm bảo công tác vận hành.

Trong năm 2023, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam sẽ cùng các đơn vị xây dựng 200 công trình tương tự và đến năm 2025 sẽ xây dựng xong khoảng 500 nhà vệ sinh.

Tình hình nắng nóng gay gắt diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước thời gian qua đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thủy điện rất thấp, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo về việc bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn phát sinh trong thời gian qua

EVN và các cơ quan liên quan đã cố gắng, nỗ lực thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện thời gian qua. Tuy nhiên, theo báo cáo của EVN và Bộ Công Thương, tình hình cung ứng điện hiện nay đang rất khó khăn, nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc là hiện hữu khi mực nước tại nhiều hồ thủy điện đã về sát mực nước chết, cá biệt có một số hồ mực nước đã thấp hơn mực nước chết, đồng thời một số nhà máy nhiệt điện than lại đang bị sự cố chưa thể khắc phục đưa vào vận hành

Đây là những vấn đề mới phát sinh, cần có các giải pháp khắc phục, đồng thời cần xây dựng các kịch bản điều hành mang tính chủ động, nhằm giảm thiểu những tác động đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

Đối với khó khăn về bảo đảm cung ứng điện hiện nay, nhất là đối với miền Bắc cần được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là EVN, Bộ Công Thương phối hợp thực hiện các giải pháp kịp thời, hiệu quả, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp.

Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than đang bị sự cố cần tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục ngay để đưa vào vận hành sớm nhất có thể.

Đối với kịch bản thiếu nguồn điện và phải điều tiết cắt giảm điện, cần có các biện pháp bảo đảm cung ứng điện đối với các sự kiện chính trị - xã hội trọng đại, quan trọng và các khách hàng sử dụng điện quan trọng không thể thiếu điện, đồng thời hướng dẫn về điều tiết cắt giảm điện đảm bảo công bằng, công khai, đúng quy định.

Tập trung nghiên cứu, hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền trong tháng 6/2023 về các cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai điện mặt trời áp mái phục vụ mục đích tự sản tự tiêu , bảo đảm hiệu quả, góp phần giảm khó khăn về cung ứng điện trong thời gian tới.

Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đến tháng 5/2023 ghi nhận sự khởi sắc nhờ các chính sách được tháo gỡ và động thái hạ lãi suất của NHNN giúp sức cầu chung hồi phục.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể các doanh nghiệp bất động sản thành phố vẫn đang phải đối mặt với tình thế khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm bất động sản trên thị trường do dòng tiền nhàn rỗi vẫn chưa đảo chiều quay lại thị trường, sức mua thực tế nhìn chung còn yếu.

Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới thị trường sẽ dần hồi phục từng bước nhưng tốc độ phục hồi chậm, khó có sự đột phá cho đến cuối năm 2023.

nhiều dự án bất động sản trên địa bàn của các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh, CapitaLand, Gamuda Land, … trong thời gian qua được gỡ vướng pháp lý và hỗ trợ cho phép huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng đang có kế hoạch thực hiện các giải pháp gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho 81.085 căn nhà trên địa bàn thành phố thuộc các dự án của chủ đầu tư lớn như: Vinhomes, Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Khang Điền, Đất Xanh… Việc được tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục và tiến hành huy động vốn đã giúp các doanh nghiệp tái khởi động nhiều dự án sau thời gian dài đình trệ vì thủ tục;

Tuy nhiên, dù đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, nhưng tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh chưa mạnh, số lượng giao dịch thực tế trên thị trường nhìn chung còn thấp do đa số khách hàng vẫn đang rất thận trọng trong vấn đề tài chính sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; dòng tiền nhàn rỗi chủ yếu vẫn được gửi tiết kiệm ở ngân hàng, chưa quay lại thị trường bất động sản do nhiều người lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Đối tượng mua bất động sản ở giai đoạn này chủ yếu là người mua để ở thực và đầu tư dài hạn chứ không còn là nhà đầu tư ngắn hạn dưới sự hỗ trợ của đòn bẩy tài chính như trước đây.

.

Ngày càng xuất hiện nhiều video, đường link hướng người xem đến một số nhóm kín nhằm lôi kéo họ tham gia đánh bạc hoặc cá độ. Nhiều người dùng mạng xã hội đã sập bẫy.

Tài xỉu, cá độ, xóc đĩa, bắn cá được quảng cáo công khai. Có nhiều hình thức để phát tán những quảng cáo này như gắn link vào những trang chiếu phim lậu, livestream những trận bóng đá trái phép. Trong quá trình bình luận, thường xuyên nhắc nhở người xem tải các app cờ bạc. Livestream một ván cờ bạc, kêu gọi người xem like và bình luận, để lại số tài khoản, ai thực hiện nhiều sẽ được tặng tiền thẳng vào tài khoản.

Nhiều người sáng tạo nội dung còn làm các clip hài có lồng ghép nội dung quảng cáo cho các game cờ bạc trái phép. Hay 1 bộ phim webdrama mới đây bị báo chí phát hiện quảng cáo cho một app cờ bạc. Tất cả, nhẳm lôi kéo những người ham mê cờ bạc.

Sự tràn lan của những hình thức quảng cáo cờ bạc trên mạng xã hội gây ra nhiều hệ lụy khi số lượng người tham gia cũng như quy mô các đường dây cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Bộ Công An cũng dự báo thời gian tới, tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc sẽ sử dụng không gian mạng làm môi trường hoạt động tương đối phổ biến với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn.

Thông tin vừa rồi đã kết thúc bản tin tổng hợp của Pháp luật radio, báo pháp luật Việt Nam, xin cám ơn quý vị thính giả đã lắng nghe, bản tin được thực hiện bởi Việt Tùng

Đọc thêm