Bản tin sáng 10/11: Tăng cường hợp tác phòng cháy, chữa cháy giữa Việt Nam-Liên bang Nga

(PLVN) - Giải cứu 166 công dân Việt Nam khỏi các sòng bạc lừa đảo ở Myanmar; 53 website cơ quan nhà nước bị chèn nội dung quảng cáo không phù hợp; và một số thông tin đáng chú ý khác. 

1. Tăng cường hợp tác phòng cháy, chữa cháy giữa Việt Nam-Liên bang Nga

Ngày 9/11, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, chủ trì Lễ đón Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga do Thượng tướng Kurenkov Aleksandr Vyacheslavovich, Bộ trưởng làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Tại hội đàm, Bộ trưởng Tô Lâm và Bộ trưởng Kurenkov Aleksandr Vyacheslavovich đã nhất trí, trong thời gian tới, hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, đồng thời, để chia sẻ nhiều hơn kinh nghiệm về cảnh báo, phòng ngừa tình huống khẩn cấp.

Bên cạnh đó cung cấp tài liệu, trao đổi kinh nghiệm về cấu hình kỹ thuật, công nghệ, phương tiện xây dựng Trung tâm cảnh báo cháy sớm và thảm họa thiên nhiên; giới thiệu các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chia sẻ, chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Hai bên tổ chức lập Nhóm nghiên cứu chung để phối hợp, chia sẻ thông tin hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tiếp tục hỗ trợ Bộ Công an Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện cán bộ

2. Giải cứu 166 công dân Việt Nam khỏi các sòng bạc lừa đảo ở Myanmar

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 9/11 thông tin về việc các lực lượng chức năng Myanmar đã giải cứu hàng trăm công dân nước ngoài, trong đó có công dân Việt Nam, từ các tụ điểm sòng bạc lừa đảo ở khu vực biên giới phía Bắc Myanmar. Cho đến nay đã xác định được 166 công dân Việt Nam trong số các công dân nước ngoài được giải cứu. Những người này đã được đưa về khu vực an toàn tại khu vực biên giới phía Bắc Myanmar giáp với Trung Quốc.

Trong những ngày vừa qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao đã có cuộc họp với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar cũng như các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc và làm việc với các cơ quan chức năng trong nước về vấn đề bảo hộ công dân tại khu vực này.

Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc để có phương án bảo hộ công dân, đẩy nhanh công tác điều tra, xác minh, hoàn tất các thủ tục hỗ trợ đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất, đồng thời đề nghị phía Myanmar có phương án bảo đảm an ninh an toàn và điều kiện ăn ở sinh hoạt cho công dân.

3. 53 website cơ quan nhà nước bị chèn nội dung quảng cáo không phù hợp

Trong tháng 10/2023, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát và ghi nhận 53 trang thông tin điện tử (website) của cơ quan nhà nước thuộc 36 bộ, ngành, địa phương bị lợi dụng chèn quảng cáo có nội dung không phù hợp. Trong số đó, có 22 website thuộc 12 bộ, ngành và 31 website thuộc 24 tỉnh, thành phố.

Đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng website cơ quan nhà nước bị lợi dụng chèn nội dung quảng cáo không phù hợp là do tin tặc (hacker) lợi dụng các điểm yếu, lỗ hổng trên máy chủ web để xâm nhập và chỉnh sửa nội dung, chèn quảng cáo.

Các đối tượng lợi dụng tính năng cho phép đăng thông tin của trang web như đăng hỏi đáp, diễn đàn, tải tập tin... để chèn thông tin. Để khắc phục, các đơn vị phải loại bỏ những tệp tin và bài đăng chứa nội dung độc hại, tiến hành điều tra nguyên nhân, tìm kiếm lỗ hổng an toàn thông tin dẫn tới tình trạng trên để xử lý triệt để. Ngoài ra, các đơn vị cần rà soát mã nguồn và máy chủ để loại bỏ mã độc, virus đã bị cài cắm.

Cục An toàn thông tin cũng sẽ chủ động, thường xuyên giám sát để phát hiện sớm website cơ quan nhà nước bị lợi dụng chèn nội dung quảng cáo không phù hợp; đưa ra cảnh báo sớm tới các đơn vị, đồng thời phối hợp với đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin để khắc phục, xử lý.

4. Cứu nữ sinh nhảy cầu Cần Thơ tự tử vì buồn chuyện gia đình

Chiều 9/11, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết Tổ Công tác Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an thành phố Cần Thơ vừa kịp thời cứu giúp một nữ sinh tự tử trên Sông Hậu.

Trước đó, vào khoảng 2h30 cùng ngày, Tổ Công tác thuộc Trạm Cảnh sát Đường thủy Hưng Phú-Phòng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố Cần Thơ đang thực hiện nhiệm vụ trên tuyến Sông Hậu, thuộc khu vực 2, phường Hưng Phú, quận Cái Răng thì phát hiện một nữ sinh trôi trên sông có dấu hiệu bị đuối nước và kêu cứu.

Lực lượng Cảnh sát Đường thủy kịp thời cứu vớt và đưa nữ sinh lên phương tiện sơ cứu ban đầu. Sau khi ổn định sức khỏe và qua làm việc ban đầu, được biết người bị nạn tên Trần Xuân T (sinh năm 2006, thường trú tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ). Do buồn chuyện gia đình nên T ra cầu Cần Thơ nhảy cầu tự tử.

Lực lượng Cảnh sát Đường thủy đã tiến hành bàn giao cho Công an phường Hưng Phú, liên hệ với gia đình đến làm việc và bàn giao em T cho gia đình quản lý, đưa cháu về nhà trong tình trạng sức khỏe tốt.

5. Triệt phá đường dây buôn lậu có giá trị hàng hóa hơn 10 tỷ đồng

Ngày 9/11, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Lực lượng này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Cường (sinh năm 1985 ở phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa) về tội “Buôn lậu” theo Điều 188 Bộ Luật Hình sự.

Quyết định bắt giữ đã được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Cường cũng là đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu có giá trị hàng hóa trên 10 tỷ đồng.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện, Hoàng Văn Cường là chủ 6 cửa hàng bán linh, phụ kiện điện thoại di động trên địa bàn hai thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn, có dấu hiệu buôn lậu nên đã lập án đấu tranh.

Trong quá trình kinh doanh, Cường đã sang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc làm quen và đặt mua các linh, phụ kiện điện thoại với các chủ hàng. Khi có nhu cầu, Cường gọi điện thoại, nhắn tin qua Zalo, Wechat để đặt hàng, sau đó vận chuyển về Việt Nam nhưng không nộp thuế.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt khám xét 6 cửa hàng mang tên “Bích Ngọc” và 2 tổng kho của Hoàng Văn Cường. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hàng nghìn linh, phụ kiện điện thoại di động với trị giá khoảng trên 10 tỷ đồng. Vụ việc đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Đọc thêm