Bản tin sáng 11/12
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi nhà đầu tư đến Cần Thơ
Trời Hà Nội mù mịt trong ngày ô nhiễm không khí ở tốp đầu thế giới
Đà Nẵng đề xuất hỗ trợ 2 triệu đồng cho gái mại dâm hoàn lương học nghề
Triệt phá đường dây đánh bạc trên 20 tỷ đồng có nhiều “con bạc” nước ngoài tham gia ở Hà Nội
Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ phát huy tối đa nội lực; đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư đến Cần Thơ đầu tư nghiêm túc, lâu dài, gắn với quy hoạch, trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng phát triển.
Phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư diễn ra sáng 10.12, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ khẳng định, quy hoạch là cơ sở, là tiền đề vững chắc để TP.Cần Thơ tiếp tục mở rộng tầm nhìn, tăng tốc bứt phá toàn diện. Quy hoạch này cũng thể hiện khát khao mong muốn đưa Cần Thơ phát triển vươn tầm cao mới, khẳng định vai trò là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, phát triển thích ứng trong tình hình mới, xứng tầm với vị thế tiềm năng của vùng đất Tây Đô.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo TP.Cần Thơ đã trao 43 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, bền vững khu vực ĐBSCL, nhất là triển khai 3 đột phá về hạ tầng, thể chế, nhân lực. Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về vùng ĐBSCL. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL; đồng thời triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, gồm 6 tuyến cao tốc trục ngang và trục dọc.
Để triển khai hiệu quả quy hoạch Cần Thơ, Thủ tướng yêu cầu thành phố phải bám sát các Nghị quyết của Đảng; Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu Cần Thơ cần phát huy nội lực của mình.
Ngày 10/12, dù Hà Nội hửng nắng nhưng bầu trời vẫn mù mịt do bị bao phủ bởi lớp sương mù và bụi mịn dày đặc. Thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí xếp thứ 5 thế giới, vào thời điểm giữa trưa.
Gần một tháng qua, TP Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng vẩn đục không khí, bầu trời mù mịt từ sáng sớm tới gần trưa.
Theo thông tin từ ứng dụng Air Visual (theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới), chất lượng không khí (IQA) của TP Hà Nội ở ngưỡng 213, xếp thứ 5 trên toàn thế giới. Đây là mức rất không tốt, có hại cho sức khỏe.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, lý giải ô nhiễm không khí ở Hà Nội một phần là do khí thải từ phương tiện giao thông.
Theo thống kê, Hà Nội có 7,8 triệu phương tiện, trong đó ôtô hơn 1 triệu, xe máy hơn 6,6 triệu. Chưa kể khoảng 1,2 triệu xe từ các tỉnh, thành tham gia giao thông tại Thủ đô.
UBND TP Đà Nẵng vừa có tờ trình liên quan đến chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn, trình HĐND thành phố xem xét thông qua trong kỳ họp sắp tới.
Theo nội dung tờ trình, thành phố sẽ hỗ trợ cho đối tượng lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học, lao động là người hoạt động mại dâm hoàn lương.
Việc đào tạo nghề sẽ theo danh mục nghề đào tạo với mức hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học.
Đối với lao động trong các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất... sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học.
Dự kiến kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng do nguồn ngân sách đảm bảo, với mức bình quân 190 triệu đồng/năm.
Theo UBND TP Đà Nẵng, từ 2016 đến 2022, thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ học nghề cho đối tượng nêu trên. Kết quả, địa phương đã tổ chức hỗ trợ học nghề cho 147 lao động, với kinh phí là 306 triệu đồng do ngân sách thành phố hỗ trợ.
Với việc thực hiện có hiệu quả chính sách nêu trên, Đà Nẵng đã giúp cho các đối tượng kịp thời được hỗ trợ học nghề, góp phần giải quyết việc làm, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.
Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố 27 bị can về hành vi “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” bằng hình thức Poker
Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 10/2019, Công ty TNHH Dịch vụ TPT Hà Nội được thành lập, sau đó công ty này đã tiến hành các thủ tục xin thành lập Câu lạc bộ Lucas Palace. Đến tháng 3/2022, Công ty TNHH Dịch vụ TPT Hà Nội bổ nhiệm ông Trần Văn Đồng làm giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Ông Đồng đứng tên hợp đồng thuê 2 căn nhà, địa chỉ tại số 51 Mạc Thái Tổ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội với giá 140 triệu đồng/1 tháng để làm địa điểm tổ chức Câu lạc bộ Lucas Palace.
CQĐT cũng thu giữ vật chứng gồm 2 bàn Poker, 5 CPU, 2 ổ cứng, hơn 100 bộ bài tây, 3 camera; 1 máy tính xách tay; 1 thùng chíp, hơn 283 triệu đồng, 400 USD, 34 điện thoại di động; 284.330 điểm chíp tương đương hơn 284 triệu đồng.... Tổng số tiền sử dụng tham gia đánh bạc bằng hình thức Poker khoảng trên 20 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để làm rõ hành vi các đối tượng có liên quan.