Bản tin sáng 12/8
Bộ Công an công bố đường dây nóng giải quyết vướng mắc về VNeID
Đề xuất cấp căn cước cho người gốc Việt không quốc tịch trong nước
Giá xăng dầu tăng, có loại tăng hơn 1.800 đồng/lít
Nghệ An thu hồi phù hiệu của 266 xe ô tô vi phạm tốc độ nhiều lần
Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin sáng nay.
Sau đây là nội dung chi tiết:
Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030", hay còn gọi là Đề án 06 vẫn đang đi theo lộ trình, đã mang lại những kết quả to lớn để hướng tới chính phủ số, tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho nhân dân.
Ngoài những lợi ích mang lại, hiện nhiều người dân vẫn gặp vướng mắc, khó khăn trong việc tích hợp giấy tờ, dùng ứng dụng VNeID để thay thế các giấy tờ khác.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 11.8, trao đổi với Thanh Niên, thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng C06, thừa nhận trong thực tế, quá trình người dân dùng ứng dụng VNeID vẫn phát sinh các vướng mắc, khó khăn và mong người dân chia sẻ, cũng như kịp thời phản ánh để lực lượng công an hướng dẫn và khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Thiếu tướng Hùng cho hay, khi người dân gặp các vướng mắc, lỗi phát sinh thì có thể lên cổng thông tin điện tử của C06, trên nền tảng này, C06 đã chuẩn bị hàng trăm câu trả lời liên quan đến căn cước công dân và định danh điện tử VNeID. Ngoài ra, người dân cũng có thể báo cho công an địa phương hoặc đường dây nóng của C06 theo số 19000368, trang Facebook của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc C06).
"Đường dây nóng, bộ phận tiếp nhận thông tin phản ánh của C06 đều hoạt động 24/24 giờ để phục vụ người dân. Từ phản ánh này, chúng tôi sẽ chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, khắc phục. Quan điểm của chúng tôi là phục vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho người dân", Cục trưởng C06 cho hay.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân cho rằng, cấp căn cước cho người gốc Việt không quốc tịch đang sinh sống trong nước giúp họ đảm bảo quyền cơ bản về y tế, giáo dục, việc làm.
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đề xuất người gốc Việt, không có quốc tịch đang sinh sống trong nước được cấp số định danh và được cấp giấy chứng nhận căn cước. Phát biểu tại phiên họp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sáng 10/8, thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đồng tình với cơ quan soạn thảo.
Theo bà, nhóm dân cư chưa có quốc tịch hình thành do tính lịch sử, chiến tranh, di cư và chưa có văn bản nào giải quyết cơ bản, đầy đủ vấn đề này. Bản thân họ và chính quyền địa phương đều không có cơ sở dữ liệu chứng minh về nhân thân và lai lịch nên cơ quan nhà nước chưa xác định được quốc tịch. Vì vậy, họ cũng chưa đủ điều kiện để được nhập Quốc tịch Việt Nam hoặc cấp thẻ thường trú, tạm trú.
Theo bà Xuân, thực tiễn đó gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự, đồng thời là rào cản đối với họ trong thực hiện quyền cơ bản của con người như khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội.
Theo Điều 7 dự thảo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra; được sử dụng số định danh của người gốc Việt Nam trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Giá mới được áp dụng từ 15h hôm nay.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 30 đồng/lít, lên 22.820 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 30 đồng/lít, lên 23.990 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 1.810 đồng/lít lên 22.420 đồng/lít.
Các nhiên liệu khác cũng tăng giá mạnh. Cụ thể, dầu hỏa tăng 1.620 đồng/lít, lên 21.890 đồng/lít. Dầu mazut tăng 1.130 đồng/kg lên 17.670 đồng/kg.
Mới đây, Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Theo quyết định, có 4 doanh nghiệp bị kiểm tra việc chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối.
Bên cạnh đó, các thương nhân đầu mối sẽ bị kiểm tra việc duy trì các điều kiện về kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Nghị định 08 về điều kiện đầu tư kinh doanh, Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83).
Ngày 11.8, thông tin từ Sở GTVT Nghệ An cho biết cơ quan này vừa ra quyết định thu hồi phù hiệu 266 xe ô tô kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ. Trong số 266 phương tiện vận tải bị thu hồi phù hiệu, có 24 xe buýt, số còn lại là xe khách và xe tải.
Các phương tiện vận tải bị thu hồi phù hiệu do vượt quá tốc độ 5 lần/1.000 km xe chạy trong vòng 1 tháng, theo quy định tại điểm b, khoản 10, điều 22 Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Ngoài vi phạm quá tốc độ 5 lần/1.000km xe chạy trong 1 tháng, 24 xe buýt bị thu hồi phù hiệu này còn vi phạm dừng, đón trả khách quá thời gian quy định.
Sở GTVT Nghệ An yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện bị thu hồi phù hiệu phải nộp lại phù hiệu về sở trong vòng 7 ngày từ ngày có quyết định và không được sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải trong thời gian bị thu hồi.