Bản tin sáng 16/10: TP.HCM sẽ thanh tra các khoản thu trong trường học

(PLVN) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón, hội đàm với Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội LB Nga; Học sinh Đà Nẵng tiếp tục nghỉ học do dự báo mưa lớn; ... và một số thông tin đáng chú ý khác.
Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ thanh tra việc vận động tài trợ trong nhà trường từ ngày mai

Bản tin sáng 1610

  1. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón, hội đàm với Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội LB Nga

  2. TP.HCM sẽ thanh tra các khoản thu trong trường học

  3. Học sinh Đà Nẵng tiếp tục nghỉ học do dự báo mưa lớn

  4. Hai giáo viên ở Kon Tum bị lừa đảo qua mạng hơn 1,3 tỉ đồng

Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin sáng nay.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Chiều 15/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón trọng thể Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15/10 đến ngày 16/10

Ngay sau Lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Victorovich Volodin (via chi slap victotovich volodin) đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm.

Tại hội đàm, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Vyacheslav Victorovich Volodin và các thành viên cấp cao của Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga thăm chính thức Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội Việt Nam mong chờ và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm, là sự kiện quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị - hợp tác giữa 2 Quốc hội nói riêng và giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga nói chung. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm và trong ngày 16/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính đều sẽ có các cuộc gặp với Chủ tịch Vyacheslav Victorovich Volodin.

Chủ tịch Vyacheslav Victorovich Volodin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời thăm chính thức Việt Nam; cho biết hết sức mong đợi chuyến thăm này và mong muốn các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Quốc hội hai nước được duy trì thường xuyên.

Trao đổi về hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước, hai Chủ tịch đánh giá hai bên đã và đang tích cực phối hợp triển khai các thỏa thuận, kết quả đạt được tại Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Nga - Việt về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học, kỹ thuật; tăng cường trao đổi giữa các cơ quan, bộ, ban, ngành và các địa phương để sớm thống nhất các kế hoạch hành động để có tiến độ triển khai cụ thể.

Từ 16.10 đến 16.11, Sở GD-ĐT TP.HCM tiến hành thanh tra, kiểm tra các khoản thu trong trường học, giám sát công tác quản lý thu, chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục.

Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ kiểm tra phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận huyện, các trường THPT công lập và các cơ sở giáo dục trực thuộc việc tổ chức triển khai thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo Nghị quyết số 04 của HĐND; Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, việc triển khai thực hiện kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đồng thời Sở GD-ĐT TP.HCM cũng kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh, khử mùi, khử khuẩn, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa nhà vệ sinh, đảm bảo yêu cầu an toàn trong các cơ sở giáo dục, chấn chỉnh tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp, ô nhiễm, bốc mùi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết các phòng ban chuyên môn đều cử thành viên đoàn kiểm tra công tác vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tình hình cơ sở vật chất, nhà vệ sinh, đảm bảo an toàn trường học. Từ đó sẽ kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định. Trường hợp nếu có dấu hiệu sai phạm, chuyển Thanh tra Sở GD-ĐT xử lý theo thẩm quyền.

Thanh tra Sở phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình công tác quản lý thu, chi đầu năm học; công tác vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh; tình hình cơ sở vật chất, nhà vệ sinh đầu năm học tại các cơ sở giáo dục; tham mưu hình thức xử lý nghiêm đối với thủ trưởng đơn vị thực hiện không đúng quy định về các khoản thu trong trường học.

Đến chiều tối 15-10, các trường ở TP Đà Nẵng đã hoàn tất việc dọn dẹp, tuy nhiên Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo cho học sinh nghỉ học do dự báo mưa lớn vẫn tiếp tục.

Ông Nguyễn Thanh Lịch, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu (địa bàn có nhiều điểm ngập nặng), cho biết nhờ chủ động ứng phó nên trận mưa lụt này không có thiệt hại về tài sản ở các trường học.

Tại hai trường ngập nặng, đẩy bùn đất vào sân, đến chiều 15-10, thầy cô đã hoàn tất việc dọn vệ sinh khi nước rút.

"Hiện phòng đã triển khai giáo viên chủ nhiệm thống kê các em có nhà bị ngập, hư hại sách vở, dụng cụ học tập để kịp thời hỗ trợ khi các em đến lớp" - ông Lịch cho hay.

Ông Lê Văn Hoàng, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang, cho biết toàn huyện có Trường tiểu học Lâm Quang Thự, THCS Trần Quốc Tuấn và Mầm non Hòa Phong bị nước tràn vào phòng học.

Hiện tại Trường THCS Trần Quốc Tuấn nước vẫn chưa rút hết. Tuy nhiên các trường không bị thiệt hại nặng do mưa lũ.

Chiều 15-10, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng có công văn cho học sinh các cấp trên toàn thành phố tiếp tục nghỉ học do mưa lớn.

Lãnh đạo sở cho biết theo thông tin Đài Khí tượng thủy văn cảnh báo, trong ngày 16-10, trên địa bàn thành phố tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập úng nhiều nơi.

Thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên trên toàn thành phố nghỉ học ngày 16-10. Các trường đại học tư thục căn cứ tình hình thực tế quyết định việc đi học của sinh viên.

Ngày 15-10, lãnh đạo UBND huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cho biết đã chỉ đạo công an huyện vào cuộc điều tra vụ việc hai giáo viên bị lừa đảo qua mạng.

Theo thông tin từ UBND huyện Đăk Hà, hai nạn nhân là thầy L.V.L. và cô H.T.T.S., giáo viên ở hai trường học trên địa bàn huyện.

Trong đơn trình báo, thầy L. cho biết vào ngày 5-10, có một người lạ gọi điện tự xưng là trung úy ở Công an tỉnh Kon Tum, báo tin số căn cước công dân của thầy bị đánh cắp và dùng để mở tài khoản buôn bán ma túy.

Người này yêu cầu thầy L. phải nộp ít nhất một tỉ đồng để minh oan hoặc sẽ bị Bộ Công an bắt giam để điều tra.

Do sợ hãi, thầy L. đã vay mượn 1,1 tỉ đồng nộp vào tài khoản của mình theo hướng dẫn của người tự xưng là công an. Khi "trung úy" tiếp tục đòi thêm tiền, thầy L. mới nhận ra mình đã bị lừa đảo qua mạng

Còn cô H.T.T.S. tham gia một chương trình bình chọn ca sĩ trên mạng. Ban đầu, cô chỉ phải đóng 300.000 đồng để bình chọn, nhưng sau đó số tiền tăng lên 100 triệu đồng với nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Một nhân viên liên hệ với cô S. và hứa sẽ hoàn trả 100 triệu đồng nếu cô S. nộp thêm 220 triệu đồng.

Tin lời, cô S. đã vay mượn và nộp vào 170 triệu đồng. Nhưng người này lại nói rằng đã nộp nhầm tài khoản và yêu cầu cô S. nộp thêm 275 triệu đồng để nhận lại 800 triệu đồng.

Khi không có tiền để nộp nữa, cô S. mới biết mình đã bị lừa.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Hà đã có văn bản khuyến cáo cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh trên địa bàn thận trọng, tránh bị lừa đảo qua mạng.

Đọc thêm