Bản tin sáng 18-11 Xin kính chào quý vị thính giả, đây là bản tin tổng hợp trên pháp luật radio, báo Pháp luật Việt Nam, sau đây là những tin đáng chú ý.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chúc mừng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân ngày 20/11 Nữ sinh lớp 9 bị mảnh vỡ cửa kính cứa vào cổ tử vong
Truy tố diễn viên hài Hữu Tín về tội tổ chức sử dụng ma túy
Tại sao nhiều trẻ liên tục ốm sốt sau đại dịch?
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022), ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cùng lãnh đạo, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã tới thăm và chúc mừng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã gửi tới tập thể, lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo lẵng hoa tươi thắm cùng lời chúc mừng tốt đẹp nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ và những thành tích xuất sắc mà Bộ, ngành Giáo dục đã đạt được trong thời gian vừa qua.Thứ trưởng cảm ơn Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối kết hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung giữa hai đơn vị như xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, rà soát hệ thống hóa…
Thứ trưởng mong muốn sự phối kết hợp này sẽ ngày càng chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là trong công tác xây dựng thể chế, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng kỳ vọng của người dân và toàn xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cảm ơn sự quan tâm và những lời chúc tốt đẹp của Bộ Tư pháp. Theo ông Sơn, Bộ Tư pháp đã hỗ trợ rất nhiều cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không ngừng nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay.
Ngày 17/11, Cơ quan điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân tử vong của một nữ sinh
Thông tin ban đầu, trưa cùng ngày, nữ sinh N.H, học sinh lớp 9 Trường THCS Hùng Vương (thị xã Phú Mỹ) cùng các bạn chơi đùa. Các bạn vô tình đẩy N.H vào cửa chính của lớp học khiến cánh cửa bị vỡ, kính từ cửa rơi xuống.
Em H. bị mảnh kính rơi trúng vào cổ khiến máu chảy nhiều. Nữ sinh này được nhà trường đưa đi cấp cứu nhưng do vết cứa vào động mạnh chủ, máu chảy nhiều nên tử vong sau đó.
Ngày 17/11, VKSND quận 8 (TP Hồ Chí Minh) đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Hữu Tín (diễn viên hài Hữu Tín; sinh năm 1987) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Bị can Nguyễn Hoàng Phi (sinh năm 1990) bị đề nghị truy tố về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo cáo trạng, Hữu Tín và bạn gái là T.T.A. (sinh năm 1991) thuê căn hộ chung cư ở quận 8 sinh sống và cho Phi thuê lại một phòng trong nhà.
Giữa tháng 5, Phi cùng nhóm bạn đi hát karaoke ở quận 5, có sử dụng ma túy. Cuối cuộc chơi thấy còn dư "hàng" nên anh này mang về cất trong phòng ngủ.
Rạng sáng 11/6, Hữu Tín cùng 2 người bạn sau khi nhậu đã về căn hộ chơi. Lúc vào phòng Phi, Tín thấy "đồ chơi" và "thuốc lắc" nên lấy ra cùng các bạn sử dụng.
Lúc sau, Phi đi làm về lấy thêm viên ma túy đưa cho một người trong nhóm chơi, chỉnh nhạc lớn nhằm tạo cảm giác hưng phấn.
Sáng cùng ngày, Công an phường 5, quận 8, ập vào bắt quả tang. Tại hiện trường, nhà chức trách thu giữ nhiều tang vật liên quan. Kết quả xét nghiệm cho thấy Hữu Tín cùng 2 người khác dương tính với ma túy.
Công an thu giữ 1 đĩa sành có chứa tinh thể màu trắng, 1 gói ni lông chứa 1 viên nén màu hồng và 1 gói ni lông chứa 10 viên nén màu xanh cùng một số tang vật khác.
Ngày 17/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 8 đã hoàn tất các thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Hữu Tín và Nguyễn Hoàng Phi.
Cơ quan chức năng nhận định A. ngủ trong phòng khác nên không biết việc Hữu Tín cùng nhóm trên sử dụng ma túy. Chủ căn hộ mà Hữu Tín thuê cũng không biết vụ việc này nên không bị xem xét xử lý.
Chuyên gia cho rằng tình trạng "nợ miễn dịch" trong thời gian giãn cách khiến hệ đề kháng của trẻ không được tập luyện, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn khi xã hội mở cửa trở lại.
Ngày 17/11, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội, cho biết "nợ miễn dịch" là hiện tượng xảy ra do con người không tiếp xúc với vi khuẩn và virus thường xuyên.
Cụ thể, ở trẻ em, miễn dịch tự nhiên hình thành sau khi tiếp xúc với virus, vi khuẩn, song khả năng này đã bị hạn chế, thậm chí dừng lại khi đại dịch bùng phát. Điều này khiến trẻ gặp phải tình trạng nợ miễn dịch hoặc thiếu kích thích miễn dịch do tiếp xúc giảm sút.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia phân tích trẻ em nhiễm bệnh nhiều nhất vào năm hai tuổi. Đây là thời điểm hệ miễn dịch được huấn luyện, tiếp xúc với nhiều virus để trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, sau hai năm giãn cách xã hội, có rất nhiều trẻ chưa từng nhiễm bệnh.
Mặt khác, các biện pháp hạn chế thời kỳ COVID-19 cũng vô tình làm giảm đáng kể sự lây lan của các bệnh đường hô hấp, khiến hệ miễn dịch yếu hơn. Ngoài ra, trẻ mắc COVID-19 (có triệu chứng hoặc không) thì đáp ứng miễn dịch của các em cũng bị ảnh hưởng, khiến tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn khi mắc bệnh.
Ngoài yếu tố khiếm khuyết miễn dịch, thời tiết thay đổi, không khí ẩm, nóng lạnh thất thường tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn lây lan, khiến nhiều trẻ liên tục ốm.
Ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, nhiều dịch bệnh đang bùng phát đồng thời, khiến các cơ sở y tế tuyến cuối quá tải. Như Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 3.000 ca mắc Adenovirus từ đầu năm đến nay, trong đó 9 trẻ tử vong, gồm cả trường hợp không tiền sử bệnh nền. Số ca mắc và tử vong đều tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ 2021.
Tương tự, hồi tháng 10, các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn phải túc trực 24/24h, có đêm cấp cứu tới 20 trẻ. Bệnh viện đa khoa Đức Giang tiếp nhận hơn 1.500 trẻ đến khám và điều trị, trước đây chỉ khoảng 1.000 em một ngày.
Còn miền Nam ghi nhận bệnh hô hấp gia tăng do đang ở cuối mùa mưa. Ví dụ, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 1.500 đến 2.000 trẻ mắc các bệnh hô hấp đến thăm khám mỗi ngày, từ đầu tháng 9 đến nay.
Dù số ca tăng nhanh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, nói mọi người không nên quá lo lắng do hầu hết bệnh hô hấp sẽ tự khỏi. Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM khuyến nghị người bệnh chỉ cần hạ sốt, giảm đau bằng thuốc, uống đủ nước (nước lọc, nước trái cây, nước có chất điện giải) và không cần truyền dịch.
"Bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng ở nhóm người già, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền, trẻ nhỏ... nên tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang", phó giáo sư nói.
Một chuyên gia y tế cho rằng nếu có nhiều người nhiễm bệnh hơn trong những tháng tới, mùa cúm bùng phát lớn, các khoản "nợ miễn dịch" sẽ được trả hết.
Để tăng miễn dịch, chuyên gia khuyến cáo phụ huynh tăng cường bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là sắt và kẽm vào khẩu phần ăn của trẻ. Tăng cường thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng; ngũ cốc nguyên hạt; sản phẩm từ sữa ít béo; rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C. Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 lần trong ngày giúp dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Thường xuyên vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, có thể sử dụng thuốc hạ sốt như paracetamol, liều lượng tính theo cân nặng. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, truyền dịch... tại nhà.
Trẻ không ăn uống được hoặc không bú sữa, khó thở, thở gấp, thở rút lõm lồng ngực, sốt cao từ hai đến 5 ngày, uống thuốc hạ sốt không đỡ, cần đưa ngay đến viện.
Thông tin trên cũng đã kết thúc bản tin của pháp luật radio, báo pháp luật Việt Nam. Xin cám ơn thính giả đã lắng nghe, bản tin được thực hiện bởi Việt Tùng