Bản tin sáng 18/7: Triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 1

(PLVN) -  Xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ với cán bộ, công chức bị kỷ luật; Thị trường trong nước tiếp tục là “bệ đỡ” cho nền kinh tế; Triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 1;  ...và một số thông tin khác.
Bão số 1 di chuyển nhanh, tiến sát Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: TTXVN

Bản tin sáng 18/7

  1. Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao

  2. Xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ với cán bộ, công chức bị kỷ luật

  3. Thị trường trong nước tiếp tục là “bệ đỡ” cho nền kinh tế

  4. Triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 1

  5. Công an TP.HCM cảnh báo nạn giả mạo trạm phát sóng di động, phát tán tin nhắn lừa đảo

Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin sáng nay.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Chiều 14.7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho ông Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán Cao cấp, Phó chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chúc mừng ông Nguyễn Hồng Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước tin tưởng trao trọng trách Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bộ máy Nhà nước ta, TAND có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Chủ tịch nước yêu cầu Thẩm phán TAND tối cao Nguyễn Hồng Nam tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đặc biệt, cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xét xử; giữ gìn, bảo vệ pháp luật, hết mực công tâm, khách quan, không vì lợi ích riêng.

Ngày 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị định 48 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 90 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ công chức, viên chức.

Theo quy định vừa được sửa đổi, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá sẽ bị xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo nghị định mới, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số nhân sự cùng cơ quan, đơn vị không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

Theo yêu cầu của Thủ tướng, quy chế đánh giá cán bộ phải xác định rõ sản phẩm cụ thể gắn với vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần (nếu có).

Quy định mới khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 15/9. Các quy định trong nghị định không xem xét lại đối với những trường hợp đã có kết quả xếp loại chất lượng trước ngày nghị định này có hiệu lực.

Trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tiếp tục áp dụng quy định tại thời điểm đó để thực hiện.

Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố và là “điểm tựa” vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm nhưng Thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn tiếp tục tăng trưởng đến 9,3% (chiếm đến gần 80% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng); đặc biệt, các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng đến 13,5%, hàng may mặc tăng 9,5%.

Theo bà Nga, sứ mệnh của Thị trường trong nước đang ngày càng được hoàn thiện và phát triển, xứng đáng với vai trò “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Trong đó, có thể khẳng định, doanh thu các mặt hàng thiết yếu hiện đang “gánh” tốc độ tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng.

Dự báo, thị trường cuối năm sẽ khởi sắc hơn vì có nhiều công cụ thực hiện kích cầu hơn như các chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, online Friday, bình ổn thị trường... Bên cạnh đó còn nhiều chương trình của các bộ, ngành khác như nới thời hạn visa, thuế VAT giảm…

Ngày 17/7, Bộ Y tế có Công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ về việc triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 1.

Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia dự báo, trong 24 giờ tới bão số 1 di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h; cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Từ gần sáng 18/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ.

Các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống.

Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Các tỉnh ven biển, khu vực miền núi đề phòng nguy cơ úng lụt, sạt lở đất do mưa bão gây ra.

Rà soát kế hoạch phòng chống lụt bão, các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngày 17.7, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP.HCM vừa cảnh báo hình thức giả mạo trạm phát sóng di động để gửi tin nhắn có nội dung lừa đảo đến người dân.

Theo Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hành vi tán phát tin nhắn hàng loạt thông qua thiết bị giả trạm phát sóng di động là xâm phạm trái phép vào mạng viễn thông, sẽ bị xử lý về "tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác". Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 12 năm.

Mục đích chính của các tổ chức thực hiện hành vi này là tán phát tin nhắn có nội dung quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bị cấm, đặc biệt là lôi kéo, dẫn dụ người nhận tin nhắn truy cập vào web do tổ chức này tạo ra (theo đường link chỉ định) để cài mã độc đánh cắp thông tin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình như: giả mạo tin nhắn thương hiệu của các tổ chức ngân hàng, nhà mạng; quảng cáo dịch vụ đồi trụy, mại dâm; quảng cáo đánh bạc trực tuyến.

Theo Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong tháng 3 vừa qua, trên cả nước ghi nhận 8 vụ sử dụng thiết bị giả trạm phát sóng di động tán phát tin nhắn hàng loạt với mục đích lừa đảo. Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không truy cập đường link lạ; so sánh đường link do tin nhắn cung cấp và đường link trang web chính thống của tổ chức, doanh nghiệp. Khi nhận được các tin nhắn có nội dung như trên hoặc thông tin liên quan tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để xử lý.

Đọc thêm