Bản tin sáng 21/10: Dành ưu tiên cao với quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Pháp

(PLVN) - Các địa phương khẩn trương góp ý dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; Thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam; và một số nội dung đáng chú ý khác. 

1. Dành ưu tiên cao với quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Pháp

Chiều 20/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi với Tổng thống Pháp về những thành tựu to lớn, toàn diện và nổi bật của Việt Nam sau hơn 35 năm Đổi mới cũng như kết quả phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19; về mục tiêu phát triển của Việt Nam đến giữa thế kỷ XXI và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam.

Tổng Bí thư trao đổi với Tổng thống Pháp một số phương hướng, biện pháp lớn nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước.

Tổng thống Pháp bày tỏ vui mừng trước việc lãnh đạo hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng về các nội dung hợp tác song phương; nhất trí hai nước cần tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị và giao lưu nhân dân; thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ về hợp tác trên các lĩnh vực như quốc phòng-an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, hàng không, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ, văn hóa, kỹ thuật…

Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực triển khai thực hiện những nội dung mà hai bên đã thống nhất.

2.Các địa phương khẩn trương góp ý dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

Chiều 20/10, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp về dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những quy hoạch quan trọng, có tác động lớn đến việc quản lý và sử dụng rừng nói riêng cũng như phát triển kinh tế-xã hội nói chung ở mỗi địa phương.

Dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42-43%. Tốc độ giá trị gia tăng sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0-5,5%/năm. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp thời kỳ 2021-2030 là 15.848,5 nghìn ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng chiếm 15,5%; rừng phòng hộ chiếm 33%; rừng sản xuất chiếm 51,5%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch là 217.305 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng gần 107.000 tỷ đồng.

Việc tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các địa phương nhằm xây dựng một sản phẩm quy hoạch có chất lượng tốt nhất có thể, tránh tình trạng sau khi ban hành lại trở thành lực cản cho các địa phương khi thực hiện các dự án đầu tư, nhất là dự án phát triển hạ tầng giao thông, dự án cấp đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam

Ngày 20/10, tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028 của Hiệp hội Bưu chính Việt Nam đã được tổ chức.

Ngày 20/4/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-BTTTT về việc công nhận Ban Vận động thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam gồm 11 thành viên.

Trên cơ sở đề nghị của Ban Vận động thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, ngày 22/6/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam. Trụ sở Hiệp hội đặt tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Hiệp hội Bưu chính Việt Nam đóng vai trò là một tổ chức đại diện, một cộng đồng kết nối các doanh nghiệp trong ngành khai thác hiệu quả các lợi thế của mỗi đơn vị nhằm xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn hảo, đảm bảo hạn chế tối đa lãng phí cơ sở hạ tầng, nguồn lực. Đồng thời, Hiệp hội bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp tham gia, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, tạo thế chủ động trong khai thác thị trường trong nước, quy tụ sức mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là tại phân khúc thị trường bưu chính chất lượng cao. Hiệp hội Bưu chính Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, phản biện, giám sát đối với chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

4. Ngăn chặn tình trạng sử dụng kích điện đánh bắt giun đất

Thời gian gần đây, đặc biệt là vào mùa mưa, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi), xuất hiện tình trạng nhiều người dân sử dụng kích điện đánh bắt giun đất, sấy khô để bán cho các thương lái thu mua với giá khoảng 1 triệu đồng/kg.

Việc sử dụng kích điện tận diệt giun đất gây hủy hoại môi trường đất, làm chết các vi sinh vật có lợi trong đất, phá vỡ sự đa sinh học, làm giảm chất lượng đất canh tác, độ phì nhiêu của đất; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Bên cạnh đó, nước thải trong quá trình chế biến giun đất bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vụ việc đánh bắt, chế biến, tiêu thụ giun đất.

Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp để nắm tình hình, không để tình trạng sử dụng kích điện bắt, chế biến, mua bán giun đất gây lo lắng, hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự; đồng thời giám sát chặt chẽ đối tượng từ các địa phương khác đến tỉnh Thanh Hóa đánh bắt, chế biến, thu mua giun đất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cục Quản lý thị trường có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tàng trữ, kinh doanh, buôn bán các thiết bị kích điện bắt giun đất, máy mổ giun đất không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không có nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn theo quy định pháp luật; đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các cơ sở thu gom, sơ chế, sấy khô, mua bán giun đất tự nhiên.

Đọc thêm