Bản tin sáng 22/09: Việt Nam - Nhật Bản mở rộng hợp tác chuyển đổi số, an ninh năng lượng

(PLVN) - TP.HCM hoàn tất sắp xếp quận, phường trong năm 2024; Đề xuất 36.000 tỷ đồng làm cao tốc Nha Trang nối Đà Lạt; ... và các thông tin khác.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino, sáng 21/9 (Ảnh: Mạnh Quân).

Bản tin sáng 22/09

  1. Việt Nam - Nhật Bản mở rộng hợp tác chuyển đổi số, an ninh năng lượng

  2. TP.HCM hoàn tất sắp xếp quận, phường trong năm 2024

  3. Đề xuất 36.000 tỷ đồng làm cao tốc Nha Trang nối Đà Lạt

  4. 150 người ngộ độc sau ăn bánh mì Phượng ra viện

Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin sáng nay.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Ngày 21/9, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko đã hội kiến Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Hoàng Thái tử Akishino cùng điểm lại lịch sử giao lưu giữa nhân dân hai nước có từ thế kỷ thứ 8 qua các hoạt động giao thương vào thế kỷ XVI và XVII, cùng các mối lương duyên, tình bạn giữa hai nước.

Hai bên cũng bày tỏ hài lòng và vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 50 năm qua trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân…

Nhấn mạnh Việt Nam và Nhật Bản có sự gần gũi về văn hóa, phong tục tập quán, cùng chia sẻ nhiều giá trị và quan tâm chung, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ to lớn của Hoàng gia, Chính phủ và người dân Nhật Bản đối với công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng được cùng Công nương thăm lại Việt Nam sau hơn 20 năm, Hoàng Thái tử Akishino nhấn mạnh Việt Nam là đối tác gần gũi, tin cậy và cùng đồng hành của Nhật Bản.

Sự giao lưu trong lịch sử, hiểu biết giữa hai dân tộc là nền tảng quan trọng để hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới.

Kết quả rà soát cho thấy TP.HCM có 6 quận và 142 phường, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp đơn vị hành chính, và chính quyền thành phố đặt mục tiêu hoàn thành việc sáp nhập trong năm 2024.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025.

Theo lộ trình, trong năm 2023, TP.HCMxây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đối với 3 trường hợp.

Một là đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định.

Hai là đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định.

Ba là đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

TP.HCM đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Song song đó, các địa phương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính mới.

Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề xuất làm cao tốc Nha Trang - Liên Khương dài 103 km, đi qua Đà Lạt, tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng.

Theo đề xuất của nhà đầu tư với UBND tỉnh Khánh Hoà, cao tốc có 4 làn xe, rộng 17 m, bố trí làn khẩn cấp, tốc độ 80-100 km/h. Trong đó, 48 km trên tuyến thuộc tỉnh Khánh Hoà, còn lại đi qua Lâm Đồng.

Điểm đầu dự án nối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (huyện Diên Khánh, Khánh Hoà); điểm cuối nối cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Tổng diện tích đất chiếm dụng là hơn 1.000 ha; khoảng 116 hộ bị ảnh hưởng và 100 hộ cần tái định cư.

Dự án được đầu tư theo hình thức PPP - hợp đồng BOT, có sự hỗ trợ của nhà nước. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ gần 27.500 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện hơn 36.000 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2025-2028.

Sáng 21/9, tiến sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết 150 người bị ngộ độc đã xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh. Trong khi đó, hiện Viện Pasteur Nha Trang chưa có kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn và bệnh phẩm nên chưa kết luận nguyên nhân gây ngộ độc. Theo ông Mười, dự kiến trong chiều nay hoặc ngày mai sẽ có kết quả.

Hôm 11/9, khoảng 1.900 người đã mua và ăn bánh mì từ tiệm Phượng. Trong vòng 16 giờ sau, 150 người bao gồm 33 khách nước ngoài xuất hiện các triệu chứng ngộ độc gồm sốt cao, đau bụng, đau đầu, đi ngoài... Bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế ở TP Hội An, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng

Thức ăn nghi ngờ nhiễm khuẩn là bánh mì pa tê, thịt xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi, dưa leo, đu đủ chua, chả heo... Tất cả đã được lấy mẫu để xét nghiệm, trừ sốt trứng gà tươi và bánh mì, do hai thực phẩm này bán hết trong ngày.

Bà Trương Thị Phượng, 60 tuổi, chủ bánh mì Phượng, nói hoạt động của tiệm hôm 11/9 (ngày bắt đầu xảy ra vụ ngộ độc) bình thường như 34 năm qua. Toàn bộ quy trình nhập nguyên liệu, chế biến, bán hàng được bà Phượng giám sát mỗi ngày; thực phẩm mua từ các mối quen.

Bánh mì Phượng là một trong những cơ sở ăn uống thu hút du khách, trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ ở Hội An, theo truyền thông quốc tế. Hiện tiệm dừng hoạt động cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Đọc thêm