Bản tin sáng 23/12 Xin kính chào quý vị thính giả, quý vị đang nghe bản tin tổng hợp trên Pháp luật radio, báo PLVN. Sau đây là những tin chính.
Nhiều trường đại học công bố đề án xét tuyển riêng
Vấn nạn giả mạo nghệ sĩ trên mạng: Nguy cơ “nhờn luật” do xử lý “nhẹ tay”
Ngừng tuần hoàn khi đang chơi thể thao
Đánh sập đường dây đánh bạc khoảng 2.000 tỷ đồng
Để thí sinh lớp 12 năm nay có định hướng tốt hơn trong việc lựa chọn ngành nghề, một số trường đại học lớn đã công bố đề án xét tuyển riêng.
8 trường sư phạm sẽ dùng chung bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển do Đại học sư phạm Hà Nội chủ trì. Kỳ thi này dự kiến tổ chức tháng 5/2023. Nếu có nhiều thí sinh đến từ các khu vực xa Hà Nội, kỳ thi có thể diễn ra đồng thời tại một hoặc nhiều trường trong danh sách các trường sử dụng kết quả thi này, nhằm giúp các em thuận lợi trong di chuyển.
Cấu trúc đề thi cơ bản không đổi với 8 môn thi. Trong đó, đề Ngữ văn có 30% câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.
Ngoài trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bộ Công an cũng tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển và được nhiều trường đại học khác công nhận.
Tháng trước, hai trường đại học quốc gia cho biết sẽ xây dựng thang điểm quy đổi hai bài thi đánh giá năng lực để sử dụng kết quả của nhau. Trong khi đó, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy, tăng 2 đợt so với năm ngoái. Việc thi này sẽ bắt đầu từ tháng 3 năm sau.
Vấn nạn nghệ sĩ bị mạo danh, tung tin đồn nhảm trên mạng xã hội vẫn diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý. Điều này dẫn đến nguy cơ đáng lo ngại về tình trạng “nhờn luật” trên cộng đồng mạng.
Mới đây, nghệ sĩ Lệ Thủy bày tỏ bức xúc khi tên tuổi bà bị nhiều kênh trên mạng xã hội sử dụng để dựng chuyện “câu view”. Theo đó, hàng chục kênh YouTube đăng video với nội dung như “nghệ sĩ Lệ Thủy hát ca ngợi Thiền am bên bờ vũ trụ”, “Lệ Thủy hát tặng Tịnh thất Bồng Lai”... kèm giọng ca cải lương được xưng là “Lệ Thủy” thể hiện bài hát. Những clip này thu hút hàng ngàn lượt like, hàng trăm lời bình luận, trong đó có không ít bình luận tiêu cực hướng về nữ nghệ sĩ.
Theo nghệ sĩ Lệ Thủy và gia đình, tiếng hát trong clip hoàn toàn không phải của Lệ Thủy mà chỉ là giọng hát không chuyên “nhái” giọng. Nghệ sĩ Lệ Thủy và gia đình rất bất bình trước hành vi giả mạo, bôi nhọ danh dự này nên đã tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng.
Có không ít trường hợp nghệ sĩ bị giả mạo trên mạng, như trường hợp nghệ sĩ Phi Nhung, khi mới qua đời bị một trang Facebook mạo danh lên đính chính là “Phi Nhung còn sống”, đồng thời phát sóng một clip cũ chị hát và giao lưu khán giả để khiến khán giả nhầm lẫn. Sự việc này khiến nhiều người hâm mộ hoang mang, còn gia đình Phi Nhung thì phẫn nộ và đau lòng.
Chưa nói đến câu chuyện giả mạo hình ảnh, tên tuổi nghệ sĩ để đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chỉ riêng những hành vi mạo danh nghệ sĩ để “câu view” trên mạng cũng đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Đó là sự ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sự bôi xấu đến danh dự, uy tín, xáo trộn cuộc sống bình an của các nghệ sĩ; gây ồn ào, hoang mang trong dư luận, gây mất trật tự xã hội. Dù các sự việc này diễn ra nhiều nhưng xử lý thì không bao nhiêu. Ngay cả các hành vi giả mạo để bôi nhọ, xúc phạm uy tín, nhân phẩm nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng chưa được xử lý đến nơi đến chốn.
Hiện nay, hầu hết các sự việc tương tự đều được xử lý dựa theo quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, mức phạt trung bình là 7,5 triệu đồng đối với cá nhân, 14 triệu đồng đối với tập thể vi phạm phát ngôn trên các phương tiện thông tin truyền thông. Bên cạnh đó, còn nhiều quy định khác của pháp luật có thể vận dụng để xử lý, tùy thuộc vào các hành vi vi phạm và mục đích giả mạo. Mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với nhiều hành vi, trong đó có đưa thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc và xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý các hành vi vi phạm chưa được rốt ráo. Nhiều đối tượng gây hành vi sai trái vẫn “lọt lưới”, mức độ xử phạt hành chính một số hành vi “không bằng” mức lợi nhuận thu được từ hành vi giả mạo, nên hiện tượng mạo danh trên mạng vẫn diễn ra rầm rộ. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ đáng lo ngại là “nhờn luật” trong cộng đồng mạng.
Trong khi đang chơi thể thao, nam bệnh nhân đột ngột ngã quỵ, được những người có mặt đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Một nhân viên y tế của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có mặt tại hiện trường nhanh chóng nhận định bệnh nhân đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn, được ép tim tại chỗ và đưa thẳng vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Sau khi nhận định nguyên nhân là nhồi máu cơ tim, các bác sĩ Khoa Cấp cứu can thiệp tim mạch đã tiến hành nong bóng động mạch liên thất trước, đặt 1 stent; sau đó được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc hạ thân nhiệt chỉ huy và các biện pháp hồi sức khác.
Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh, rút ống nội khí quản. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định và dự kiến được ra viện vào 1-2 ngày tới.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Thọ - Khoa Hồi sức tích cực, cấp cứu ngừng tuần hoàn cần được nhận định và triển khai nhanh chóng, đúng kĩ thuật, khả năng bệnh nhân có tỉnh lại được hay không tỉ lệ nghịch với thời gian cấp cứu. Khi phát hiện nạn nhân trong tình trạng ngưng thở, cần nhanh chóng tiến hành các bước cấp cứu ngừng tuần hoàn theo trình tự sau: Khai thông đường thở cho bệnh nhân, thổi ngạt cho bệnh nhân, ép tim ngoài lồng ngực và đưa ngay vào viện.
Người dân cần kiểm tra sức khỏe định kì để phát hiện và loại bỏ những nguy cơ tiềm tàng trong cơ thể để có 1 cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đã điều tra, làm rõ vụ án tổ chức đánh bạc và đánh bạc với quy mô đặc biệt lớn với số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện một số trang web nghi vấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Bước đầu, Cơ quan An ninh điều tra xác định 7 đối tượng tham gia đường dây Tổ chức đánh bạc và đánh bạc này là: Ngô Đức Hạ (SN 1998, trú tại xã Xuân Lạn, xã Hương Mai, huyện Việt Yên); Vũ Công Tới (SN 2001, trú tại Vũ Sơn, Kiến Xương, Thái Bình); Trần Đỗ Đức Nghĩa (SN 2004, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội); Nguyễn Mạnh Cần (SN 2000, trú tại thị trấn Đầm Hà, Quảng Ninh); Ngô Thị Liên (SN 2003, ở Việt Yên; là em gái ruột của Ngô Đức Hạ); Ngô Thị Thu (SN 2003, ở thôn Xuân Lạn, Hương Mai, Việt Yên); Lục Văn Phong (SN 2001, ở xã Tân Mộc, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).
Trong đó, các đối tượng Hạ, Tới, Liên và Thu hiện trú tại căn hộ ở Khu đô thị Vinsmart City, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đáng chú ý các đối tượng Nghĩa, Liên và Thu đều là sinh viên đại học, riêng Nghĩa đang theo học chuyên ngành công nghệ.
Quá trình đấu tranh, Cơ quan An ninh điều tra bước đầu xác định, Ngô Đức Hạ có vai trò cầm đầu đường dây tổ chức đánh bạc trên không gian mạng dựa trên mã giao dịch của ví điện tử Momo với hình thức chơi chẵn, lẻ.
Đây là một đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc có tính chất quy mô đặc biệt lớn. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội rất mới, khép kín, lợi dụng việc giao dịch của ví điện tử MoMo để thực hiện hành vi phạm tội.
Các đối tượng đã tự tạo lập, điều hành, quản trị website trên để đánh bạc, sử dụng hàng nghìn tài khoản MoMo khác nhau để phục vụ việc tổ chức đánh bạc trên website; mỗi ngày phát sinh khoảng 50.000 giao dịch đánh bạc với tổng số tiền đánh bạc từ 3-4 tỷ đồng. Tổng số lượng giao dịch tổ chức đánh bạc và đánh bạc của hai website trên đến nay khoảng 2.000 tỷ đồng; xảy ra trên địa bàn toàn quốc, thu hút hàng nghìn người chơi.
Căn cứ vào tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ hình sự 7 đối tượng trên về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc để tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án.
Thông tin vừa rồi đã kết thúc bản tin tổng hợp của Pháp luật radio, báo pháp luật Việt Nam, xin cám ơn quý vị thính giả đã lắng nghe, bản tin được thực hiện bởi Việt Tùng