Bản tin sáng 26/11: TP.HCM xử phạt hàng loạt tổ chức, cá nhân khám chữa bệnh và quảng cáo không phép

(PLVN) - Gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với giải quyết những khó khăn, thách thức của đất nước; Tạo chuyển biến tích cực về vận động quần chúng ở khu vực Tây Nguyên; ... và một số thông tin đáng chú ý khác.
Một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không phép vừa bị kiểm tra, xử lý vi phạm

Quý vị đang nghe bản tin tổng hợp trên Radio Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam. Bản tin sáng ngày 26 tháng 11 sẽ có một số nội dung đáng chú ý như sau:

1. Gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với giải quyết những khó khăn, thách thức của đất nước

Chiều 25/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự chương trình Dấu ấn TECHFEST - WHISE 2023 thuộc chuỗi chương trình Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2023 (TECHFEST - WHISE 2023).Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức.

Với chủ đề “Phát huy tài nguyên đất nước - Nâng tầm Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hội nhập quốc tế”, TECHFEST - WHISE 2023 diễn ra từ ngày 20-25/11 nhằm mang đến cơ hội kết nối nguồn lực tài chính, phát triển thị trường trong nước và quốc tế; chia sẻ kiến thức cho các sáng lập viên, giúp doanh nghiệp phát huy hiệu quả nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh chính sách tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất, ban hành, thực thi những mô hình thí điểm, đặc thù để thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Do đó, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn cùng với thể chế, cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội nhằm xây dựng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.

2. TP.HCM xử phạt hàng loạt tổ chức, cá nhân khám chữa bệnh và quảng cáo không phép

Ngày 25.11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ra quyết định xử phạt nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh, trong đó nổi lên là hiện tượng khám chữa bệnh và quảng cáo không phép.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt cơ sở chăm sóc da thuộc Công ty TNHH VSPACE (địa chỉ 154/8 Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q.Tân Bình) số tiền 160 triệu đồng. Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, công ty này cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không phép, quảng cáo không phép. Ngoài bị xử phạt, Công ty TNHH VSPACE còn bị đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh cho đến khi có giấy phép khám chữa bệnh.

Công ty TNHH nha khoa SunShine (49 đường Ba Tháng Hai, P.11, Q.10) bị phạt 135 triệu đồng do có vi phạm tại chi nhánh ở địa chỉ 77G - 77F Bùi Thị Xuân (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1). Chi nhánh công ty này cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, quảng cáo không phép. Bên cạnh phạt tiền, chi nhánh này còn bị đình chỉ hoạt động cho đến khi có giấy phép theo quy định.

Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt thuộc Công ty TNHH nha khoa For You (23B Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1) bị xử phạt 57 triệu đồng vì người hành nghề không đăng ký, lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ, quảng cáo không phép.

Cử nhân xét nghiệm L.T.K.D. (20 Ngô Quyền, P.6, Q.5) bị xử phạt 35 triệu đồng vì khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Ngoài ra, chi nhánh Công ty TNHH đầu tư quốc tế SV (35 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1) bị xử phạt 45 triệu đồng về hành vi quảng cáo không phép. Cùng hành vi trên, bác sĩ N.H.H, chủ hộ kinh doanh thẩm mỹ viện Hoàng An (địa chỉ 759 Lê Hồng Phong, P.12, Q.5), bị phạt 22,5 triệu đồng.

Tất cả tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc xóa quảng cáo không phép.

3. Tạo chuyển biến tích cực về vận động quần chúng ở khu vực Tây Nguyên

Ngày 25/11, tại thành phố Kon Tum, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Công tác vận động quần chúng ở cơ sở trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay.”

Hiệu trưởng Chính trị tỉnh Kon Tum Đặng Luận cho biết, thông qua hội thảo, các ý kiến, đóng góp và tham luận sẽ phân tích, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và đưa ra những đề xuất về định hướng, chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng ở cơ sở ở Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Từ đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị về vận động quần chúng.

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận và có 46 tham luận của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý được trình bày. Các ý kiến tập trung vào việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới; đổi mới công tác vận động quần chúng trong các cơ quan nhà nước và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo.

Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức tổng hợp, chắt lọc để đề xuất, kiến nghị với cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng về những giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình mới./.

4. Phát hiện xe vận chuyển hơn 6.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc

Ngày 25/11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho biết thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024, Đội Quản lý thị trường số 7 và Tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh vừa phát hiện, bắt vụ vận chuyển hơn 6.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm.

Trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành kiểm tra xe ôtô khách mang biển kiểm soát 47B-020.85 do ông Trần Phi Bình (trú thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển.

Quá trình kiểm đếm, phát hiện trên xe vận chuyển 6.270 sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bao gồm: 1.390 sản phẩm áo, quần, mỹ phẩm, phụ tùng ôtô các loại sản xuất tại nước ngoài là hàng hóa nhập lậu; 4.619 sản phẩm áo, quần, ốp điện thoại, thực phẩm, phụ tùng ôtô các loại là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 261 sản phẩm áo, quần các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng trị giá lô hàng ước tính hơn 400 triệu đồng.

Thời gian tới, các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường Quảng Bình tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các hành vi vi phạm trong hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại.

Đọc thêm