Bản tin sáng 26/12: Đề xuất triển khai thu phí không dừng tại các sân bay thường xuyên ùn tắc

(PLVN) - TP.HCM lắp đặt hơn 30.000 mắt camera giám sát an ninh trật tự; Giá vàng tăng 1,5 triệu đồng trong ngày, hiện đạt 78,4 triệu đồng/lượng; ... và một số thông tin khác.
Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất triển khai ngay thu phí không dừng tại các sân bay có lưu lượng lớn. Ảnh Tuấn Kiệt

Bản tin sáng 26/12

  1. TP.HCM lắp đặt hơn 30.000 mắt camera giám sát an ninh trật tự

  2. Giá vàng tăng 1,5 triệu đồng trong ngày, hiện đạt 78,4 triệu đồng/lượng

  3. Đề xuất triển khai thu phí không dừng tại các sân bay thường xuyên ùn tắc

  4. Hà Nội yêu cầu sớm xét xử 30 vụ án liên quan đăng kiểm

TP.HCM có tổng cộng 41 loại mô hình trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", trong đó, Công an TP.HCM đang duy trì 19 mô hình như mô hình camera giám sát an ninh trật tự. Đến nay đã lắp đặt hơn 30.000 mắt camera với hơn 4.200 đầu thu, mô hình tổ tự quản về an ninh trật tự khu vực chung cư…

Chiều 25.12, Công an TP.HCM phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề "Nâng cao chất lượng xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Tại hội nghị, trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 41 loại mô hình trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" đang được các đơn vị, tổ chức chính trị triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Trung tướng Lê Hồng Nam đánh giá công tác xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào này trên địa bàn TP.HCM góp phần củng cố hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Theo trung tướng Nam, việc lồng ghép các nội dung, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" vào mục tiêu, chỉ tiêu của các đơn vị đã giúp cuộc vận động và các phong trào khác được thực hiện rất linh hoạt với nhiều hình thức phong phú, không ngừng đổi mới và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và có ý nghĩa sâu sắc.

Chiều 25/12, giá vàng miếng SJC đã chạm mốc 78,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Tính từ sáng, mỗi lượng vàng đã tăng 1,5 triệu đồng.

Mốc kỷ lục mới: 78,4 triệu đồng/lượng chiều bán

Đến 16h15, các đơn vị kinh doanh tiếp tục điều chỉnh giá lần thứ 11 trong ngày và tiếp tục phá kỷ lục mới. Hiện giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 77,4-78,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), tức tăng 1,5 triệu đồng mỗi chiều so với giá mở cửa lúc 8h30 sáng. Chênh lệch 2 chiều là 1 triệu đồng/lượng.

Trước đó, trong phiên sáng, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 76,3-77,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 600.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán so với giá đóng cửa tuần trước. Giá vàng đang quay lại sát mức đỉnh lịch sử thiết lập tuần trước. Chênh lệch 2 chiều mua - bán giảm từ 1,2 triệu đồng xuống còn 1 triệu đồng.

Giá vàng nhẫn tăng chậm hơn, hiện được các đơn vị kinh doanh niêm yết tại 62-63,15 triệu đồng/lượng (mua - bán), tiệm cận mức đỉnh lịch sử của vàng nhẫn thiết lập tuần trước. Chênh lệch giữa 2 chiều vẫn là 1,15 triệu đồng.

Tuần qua, giá vàng miếng cũng ghi nhận mức giá cao nhất mọi thời đại mới, chạm 77,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, vàng cũng nhanh chóng mất mốc này. Có những phiên giao dịch, bảng giá được điều chỉnh tới 15 lần.

So với đầu năm, vàng miếng SJC đã tăng khoảng 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 14%, gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng.

Giá vàng nhẫn cũng không nằm ngoài xu hướng khi được các đơn vị kinh doanh niêm yết tại 61,9-63,05 triệu đồng/lượng (mua - bán), tiệm cận mức đỉnh lịch sử của vàng nhẫn thiết lập tuần trước. Chênh lệch giữa 2 chiều là 1,15 triệu đồng.

Cục Đường bộ Việt Nam sáng (25/12) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024. Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, trong năm 2023, Cục đã phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an, rà soát dữ liệu giấy phép lái xe để đồng bộ trên ứng dụng VneID.

Khoảng 31 triệu dữ liệu bằng lái xe được xác thực trên VneID, còn khoảng 3,4 triệu bản làm bằng vật liệu PET chuyển sang C06 thực hiện đối soát, kết quả hơn 1,1 triệu dữ liệu trùng khớp.

“Đối với trên 20 triệu bản ghi số giấy phép lái xe máy không thời hạn làm bằng vật liệu giấy bìa được cấp từ trước năm 1995 đến 1/1/2013 chưa được xác thực, do chỉ hiển thị tên, năm sinh của người dân, không có ngày tháng sinh nên không đồng bộ dữ liệu quốc gia về dân cư. Đơn vị đã xây dựng quy trình xử lý thông tin hình ảnh giấy phép lái xe trên ứng dụng VneID gửi C06”, ông Thắng nêu.

Cục cũng sẽ phối hợp với doanh nghiệp công nghệ thông tin để điều chỉnh, hoàn thiện phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông phù hợp với tình huống thực tế của các đối tượng tham gia học lái xe, để chuyển giao cho các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch.

Ngày 25/12, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức phiên họp cuối năm, thảo luận, cho ý kiến đối với các văn bản, báo cáo và chương trình công tác trọng tâm năm 2024.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra tại địa phương; đặc biệt là các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy theo dõi, chỉ đạo...

Cụ thể ông Dũng yêu cầu trong quý I/2024, phải kết thúc điều tra, giải quyết 40 vụ án, vụ việc; đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án. Trong đó có 30 vụ án liên quan các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm cơ chế chỉ đạo trong phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đã chuyển 124 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.

Năm qua, Ban Chỉ đạo Thành ủy cũng đưa 36 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo; tập trung chỉ đạo xử lý 64 vụ việc, vụ án; chỉ đạo, đôn đốc cơ quan tố tụng hai cấp thành phố giải quyết xong và đưa ra khỏi diện theo dõi 13 vụ án.

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm 9 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo.

Bí thư Hà Nội nhấn mạnh đây đều là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp; kết quả xét xử vụ án theo đúng tinh thần "không có ngoại lệ, không có vùng cấm", được dư luận, người dân đồng tình ủng hộ.

Dù vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Thời gian tới, ông yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là cụ thể hóa chủ trương của Thành ủy về đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn...

Đọc thêm