Bản tin sáng 29/07: Việt Nam - Singapore xây dựng nền tảng cho 50 năm tới

(PLVN) - Đề xuất bỏ phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất; EVN muốn sớm tăng tiếp giá điện; ... và một số nội dung khác.
Lãnh đạo TP.HCM và quan chức ngoại giao Singapore tại lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngày 28-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bản tin sáng 29/07

  1. Việt Nam - Singapore xây dựng nền tảng cho 50 năm tới

  2. Đề xuất bỏ phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất

  3. EVN muốn sớm tăng tiếp giá điện

  4. Cho phép cao tốc Vĩnh Hảo đến Dầu Giây giữa năm 2024 mới hoàn thiện

  5. Gần 70.000 tin báo từ nhân dân giúp công an bắt giữ hơn 11.500 tội phạm

Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin sáng nay.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore ngày 28-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh quan hệ song phương ngày càng tin cậy và bền vững, với cột mốc nâng cấp lên đối tác chiến lược năm 2013, đối tác kinh tế số - kinh tế xanh Việt Nam - Singapore vào đầu năm nay.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh kinh tế là trọng tâm trong quan hệ song phương. Trong nhiều năm liền, Singapore duy trì vị trí nhà đầu tư có vốn nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam.

Năm 2022, Singapore dẫn đầu các nước ASEAN và đứng thứ hai trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tính lũy kế đến năm 2022, có 3.095 dự án đầu tư trực tiếp từ Singapore với tổng vốn đăng ký khoảng 70,8 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản; sản xuất và phân phối điện, khí, nước.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư 140 dự án tại Singapore, với tổng vốn đăng ký hơn 586 triệu USD ở các lĩnh vực như khoa học công nghệ, bán buôn bán lẻ, thông tin truyền thông, bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Ông Mãi khẳng định sự phát triển năng động của quan hệ TP.HCM và Singapore sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của quan hệ Việt Nam - Singapore trong tương lai.

Tại hội thảo phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ngày 28/7, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho hay không nước nào trên thế giới áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất như Việt Nam với kỳ vọng giải quyết vướng mắc về định giá đất cụ thể theo nguyên tắc thị trường.

Theo cách tính hiện nay, giá cụ thể của thửa đất được tính theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành nhân với hệ số điều chỉnh.

Phương pháp này nhằm giải quyết bất cập giữa giá đất thị trường và giá do UBND cấp tỉnh quy định, thông qua hệ số tăng thêm hoặc giảm đi. Khi bảng giá hàng năm do các tỉnh công bố không theo kịp biến động tăng hoặc giảm của giá đất phổ biến trên thị trường, thì sẽ được điều chỉnh bằng hệ số để thực hiện chính sách tài chính về đất đai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo nghị định về xác định giá đất và dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 quy định chi tiết phương pháp định giá đất.

Theo các dự thảo này, phương pháp thặng dư, chiết trừ không còn được sử dụng trong định giá đất. Việc định giá sẽ dựa vào 3 phương pháp: so sánh, thu nhập và hệ số điều chỉnh giá đất.

Các cơ quan cũng đang tính toán có nên đưa các phương pháp định giá đất vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, hay giao Chính phủ quy định trong văn bản dưới luật.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị tháo gỡ khó khăn tài chính, trong đó sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện để cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.

Đề nghị này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu tại tham luận gửi tới hội thảo "Cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển năng lượng bền vững", ngày 28/7.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ 4/5, lên 1.920,37 đồng một kWh. Song mức này chỉ bằng một phần ba so với mức tăng 9,27% giá thành sản xuất điện năm 2022 (2.032,26 đồng). Do đó, tình hình tài chính của EVN vẫn chưa cải thiện sau đợt tăng giá này.

Trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, nhưng giá bán lẻ điện bình quân 2022 không được điều chỉnh kịp thời khiến EVN bị lỗ hơn 36.200 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi các khoản tiết kiệm đầu tư, sửa chữa lớn và tài chính khác, mức lỗ là trên 26.200 tỷ đồng. EVN đề nghị Chính phủ, các bộ chấp thuận khoản lỗ hai năm (2022-2023) là do "thực hiện chính sách".

Bộ Giao thông vận tải vừa chấp thuận gia hạn hoàn thành các đoạn cao tốc từ Vĩnh Hảo đến Dầu Giây tới giữa năm 2024 để bổ sung một số hạng mục của dự án.

Theo Bộ Giao thông vận tải, lý do chấp thuận gia hạn như trên nhằm phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại cho người dân.

Đồng thời, quá trình thi công thì các địa phương có dự án đi qua đề nghị bổ sung thêm nhiều hạng mục như đường gom dân sinh, cống thoát nước, cầu vượt, đèn tín hiệu giao thông…

Đại diện các chủ đầu tư cho rằng do đây là những hạng mục phát sinh nên phải làm hồ sơ theo trình tự từ đầu như: tư vấn khảo sát, giải phóng mặt bằng, thỏa thuận đền bù, lên phương án thi công… nên mất nhiều thời gian.

Tương tự, với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ông Phạm Quốc Huy (giám đốc điều hành dự án) cho biết những hạng mục theo thiết kế trong hợp đồng cũ phải hoàn tất trong tháng 8.

"Với những hạng mục phát sinh thêm sau này như đường gom dân sinh, hệ thống an toàn giao thông… thì phải làm thủ tục. Sau đó chủ đầu tư chờ địa phương bàn giao mặt bằng, lên thiết kế thi công nên dự kiến đến cuối năm nay mới hoàn tất", ông Huy cho hay.

Theo Bộ Công an, gần 70.000 nguồn tin có liên quan đến an ninh trật tự được quần chúng nhân dân, giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá hơn 13.300 vụ việc, bắt giữ hơn 11.500 đối tượng.

Sáng 28/7, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và biểu dương các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; vùng đồng bào thiểu số khu vực Tây Bắc và phụ cận giai đoạn 2018 - 2023, tại tỉnh Sơn La.

Thông tin tại hội nghị, đến ngày 31/5, 863 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với gần 46.000 điểm mô hình được nhân rộng trên địa bàn dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc và phụ cận.

Qua đó, gần 70.000 nguồn tin có liên quan đến an ninh trật tự với nhiều tin có giá trị được quần chúng nhân dân báo; giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá hơn 13.300 vụ việc, bắt giữ hơn 11.500 đối tượng, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm...

Nhân dịp này, Bộ Công an đã tặng bằng khen và biểu dương 22 tập thể, 61 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc và phụ cận giai đoạn 2018 - 2023.

Đọc thêm