Bản tin sáng 29/10: Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng

(PLVN) - Đôn đốc triển khai các dự án sản xuất, cung cấp nước sạch tại Hà Nội; Hà Nam đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia - di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao; và một số thông tin đáng chú ý khác. 

1. Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng

Chiều 28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình và công tác đảm bảo điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế liên quan.

Theo Bộ Công Thương, việc cung ứng điện trong 10 tháng đầu năm 2023 về cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên trong một số thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, khu vực miền Bắc đối mặt với tình trạng thiếu điện do thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, kéo dài.

Theo đó, trong năm 2024 xây dựng kịch bản điều hành điện trong điều kiện cả nước có tối thiểu 50.000 MW và tối đa là 52.000 MW điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp nghiên cứu điều chỉnh giá điện phù hợp, căn cứ chi phí đầu tư, vận hành, phân phối và các chi phí khác, cũng như yếu tố trượt giá do lạm phát để tính toán. Đặc biệt, việc tính giá điện cần nghiên cứu có chính sách cho các đối tượng phù hợp với các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

2. Đôn đốc triển khai các dự án sản xuất, cung cấp nước sạch tại Hà Nội

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 3582/UBND-ĐT gửi Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và các đơn vị cấp nước trên địa bàn thành phố, đôn đốc tình hình triển khai các dự án sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra, rà soát, đôn đốc Chủ đầu tư các dự án nguồn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án phát triển nguồn nước hoặc quyết liệt chấm dứt, thu hồi các dự án chậm triển khai, Chủ đầu tư không đảm bảo năng lực thực hiện dự án.

Đối với việc cấp nước tại một số khu vực gặp khó khăn về nguồn nước trên địa bàn thành phố, Chủ tịch thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã kịp thời có phương án khắc phục, xử lý phù hợp để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, đồng thời, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét đưa vào danh mục đầu tư công đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận nguồn nước tập trung.

Lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, đôn đốc, giám sát các đơn vị cấp nước trên địa bàn theo kế hoạch cấp nước, phạm vi cấp nước đã được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận, khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng mạng cấp nước đảm bảo đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100% từ nguồn nước tập trung của thành phố.

3. Hà Nam đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia - di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao

Ngày 28/10, UBND xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia - Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao.

Khu lưu niệm nhà văn Nam Cao là nơi lưu giữ những kỷ niệm, hiện vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của cố nhà văn. Năm 2011, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất nhà văn, không gian trưng bày được chỉnh lý, gồm những tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp, quê hương của nhà văn, những hoạt động tri ân, tưởng niệm của chính quyền địa phương, các đoàn thể, hiệp hội, tổ chức, cá nhân trong cả nước đối với nhà văn Nam Cao.

Phần mộ nhà văn Nam Cao được đặt trong khuôn viên nhà tưởng niệm, trước mộ có di ảnh nhà văn và 2 trang sách đã khắc lời tuyên ngôn nghệ thuật, được trích trong 2 tác phẩm "Đời thừa" và "Nhật ký ở rừng".

Hằng năm, tại nhà tưởng niệm thường diễn ra các hoạt động tri ân, tưởng niệm nhà văn vào dịp ngày sinh, ngày mất, ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Ngoài các hoạt động thăm viếng, học sinh các trường trên địa bàn xã tổ chức dọn vệ sinh, cải tạo khuôn viên, chăm sóc cây xanh tạo cảnh quan khu di tích lưu niệm nhà văn ngày càng xanh, sạch, đẹp và khang trang hơn. Nhà lưu niệm cũng thu hút nhiều đoàn học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và hàng ngàn lượt khách đến tham quan, tưởng niệm học tập và tri ân nhà văn.

4. Bắt đầu nghiên cứu đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Bộ Giao thông Vận tải cho biết vừa quyết định giao Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, Ban Quản lý dự án đường sắt được giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với mục tiêu là bảo đảm kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, trung chuyển thuận tiện với các phương thức vận tải khác; có vai trò là một trong các trục giao thông chính trên hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực phía Bắc, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.

Theo Quyết định số 1769/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 19-10-2021) phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có chiều dài 380km, khổ đường 1.435mm, với điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện - Hải Phòng.

Theo báo cáo đầu kỳ Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tư vấn lập quy hoạch đề xuất tổng chiều dài toàn tuyến hơn 441km, vận tốc thiết kế Vmax=160km/h. Hướng tuyến đi qua các tỉnh/thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh.

5. Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tội thao túng thị trường chứng khoán

Ngày 28/10, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo kết quả điều tra, xử lý vụ án hình sự về tội “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Xây dựng Faros và các công ty liên quan, do Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC) và đồng phạm thực hiện.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố Trịnh Văn Quyết và đồng phạm. Theo đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán thu lời 732 tỷ đồng và chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng bằng chiêu tăng vốn điều lệ khống.

Ngày 28/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành Kết luận điều tra vụ án hình sự số 34/KL-VPCQCSĐT và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5), đề nghị truy tố Trịnh Văn Quyết và đồng phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 211 và khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ủy thác điều tra cho 200 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức tiếp nhận đơn trình báo, xác minh, ghi lời khai đối với các nhà đầu tư còn đang sở hữu cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros.

Đọc thêm