- Hợp tác kinh tế đóng vai trò trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp
- Ban Tuyên giáo Trung ương lấy ý kiến đóng góp các dự thảo quy chế, kế hoạch quan trọng
- WHO sử dụng tên tiếng Anh mới cho bệnh đậu mùa khỉ
Đó là những nội dung đáng chú ý có trong Bản tin tổng hợp sáng 29/11, quý vị thính giả đang nghe Radio Pháp luật trên Báo Pháp luật Việt Nam.
1. Hợp tác kinh tế đóng vai trò trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp
Quý vị thính giả thân mến, tại cuộc điện đàm của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne chiều 28/11 tại trụ sở Chính phủ để trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp và 10 năm Đối tác chiến lược trong năm 2023, hai Thủ tướng đã khẳng định mạnh mẽ, hợp tác kinh tế đóng vai trò trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi và lời chào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và cá nhân Thủ tướng tới Tổng thống Emmanuel Macron và các lãnh đạo cấp cao Pháp; chào mừng chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher.
Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa chúc mừng bà Elisabeth Borne được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Pháp, một thành viên quan trọng trong EU, đồng thời là đối tác chiến lược của Việt Nam và giữa hai nước có mối lương duyên về lịch sử, văn hóa, giao lưu nhân dân.
Cũng tại cuộc điện đàm, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Pháp đã hỗ trợ 5,5 triệu liều vaccine, góp phần giúp Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19.
Nhận được lời chào và cảm ơn, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne chúc mừng những thành tựu phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam sau đại dịch Covid-19, đề nghị hai nước phối hợp chặt chẽ nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả thông qua việc trao đổi đoàn các cấp, kể cả cấp cao, triển khai các cơ chế hợp tác hiện có và tăng cường các hoạt động hợp tác kỷ niệm cho các dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước năm 2023 trên nhiều lĩnh vực.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương lấy ý kiến đóng góp các dự thảo quy chế, kế hoạch quan trọng
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan liên quan về công tác phối hợp trong hoạt động tham mưu, định hướng, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì buổi làm việc.
Nội dung trọng tâm của buổi làm việc là góp ý dự thảo Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan liên quan trong hoạt động định hướng, quản lý, tham mưu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị (Quy chế phối hợp) và dự thảo Kế hoạch tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 10/9/2014 của Bộ Chính trị về “công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” (Kế hoạch tổ chức tổng kết Nghị quyết số 37).
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe ý kiến tham mưu, đóng góp của đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan liên quan, như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Qua đó đã góp phần nhận diện, làm rõ tồn tại, hạn chế cần phải tập trung tháo gỡ từ thực tiễn.
3. WHO sử dụng tên tiếng Anh mới cho bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 28/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo tên tiếng Anh của bệnh đậu mùa khỉ - "monkeypox" sẽ được đổi thành "mpox" nhằm tránh những hiểu lầm liên quan đến tên cũ.
Theo thông báo, sau hàng loạt cuộc tham vấn với các chuyên gia toàn cầu, WHO sẽ bắt đầu sử dụng thuật ngữ mới "mpox" như từ đồng nghĩa của "monkeypox". Cả hai tên đều sẽ được sử dụng đồng thời trong một năm, cho đến khi chấm dứt sử dụng hoàn toàn từ "monkeypox". WHO sẽ sử dụng "mpox" trong trao đổi thông tin, khuyến khích các bên thực hiện những khuyến nghị này nhằm giảm thiểu bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào liên quan đến tên cũ và việc sử dụng tên mới.
Tên gọi đậu mùa khỉ xuất phát từ việc virus này được phát hiện lần đầu tiên ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm tại Đan Mạch vào năm 1958. Căn bệnh này cũng xuất hiện ở một số động vật khác, chủ yếu là các loài gặm nhấm. Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ ở người vào năm 1970 tại CHDC Congo và căn bệnh này chỉ lưu hành tại các quốc gia ở Trung và Tây Phi.
Tuy nhiên, vào tháng 5 năm nay, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan nhanh chóng trên thế giới, trong đó chủ yếu là những người quan hệ đồng tính nam. Theo thống kê của WHO, trong năm nay có 81.107 ca mắc và 55 ca tử vong do đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 110 quốc gia.
4. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP sẽ áp dụng một số điểm mới
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 32/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thông tư số 32/2022/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.
Theo đó, Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) Phiên bản HS 2022 (thay cho Phiên bản HS 2012) và mặt sau sửa đổi giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu RCEP được thực thi kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực chính thức kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022. Trước đó, thực hiện cam kết quốc tế về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP, ngày 18 tháng 2 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP.
5. CLB Công an Hà Nội chiêu mộ thành công nhiều cầu thủ xuất sắc
Mới đây nhất, CLB Công An Hà Nội đã phát ra thông báo chiêu mộ thành công tiền đạo Phan Văn Đức từ SLNA. Tiền đạo người Nghệ An có phong độ xuất sắc trong năm 2022 với 7 bàn thắng sau 24 lần ra sân tại V-League. Chân sút người Yên Thành thi đấu tổng cộng 1.882 phút cùng 22 trận đấu xuất phát từ đội hình chính thức.
Bên cạnh cầu thủ Phan Văn Đức, CLB CAHN còn chiêu mộ thêm tiền đạo Nguyễn Xuân Nam (Bình Định), Sầm Ngọc Đức, thủ môn Bùi Tiến Dũng (CLB TP.HCM), tiền đạo Hồ Ngọc Thắng (Phú Thọ)….
Ngoài những cái tên kể trên, CLB CAHN cũng đang nhắm đến nhiều cầu thủ chất lượng khác như Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Thành Chung, Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội)… Điều này cho thấy tham vọng vô địch của đội bóng này khi trở lại V-League là rất lớn.
Bên cạnh đó, ở vị trí HLV trưởng, nhiều thông tin cũng cho biết nếu quá trình đàm phán thành công thì CAHN có thể sẽ đưa về 1 HLV ngoại thay vì chiêu mộ HLV Lê Huỳnh Đức như trước đây.
Mùa giải V-League 2023 sẽ bắt đầu từ cuối tháng 1 và kết thúc vào tháng 8 năm 2023. Giải đấu năm 2023 được coi là giải đấu ngắn nhất trong lịch sử V-League. Thành tích trong năm 2023 không được tính để tham dự các Cúp châu Á trong năm 2023-2024.