1.Vừa qua, cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó”, với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp để cùng phân tích, thảo luận về sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp; những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang cần xử lý, xem xét...
Tại Tọa đàm, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nêu ngắn gọn, đó là sự đồng hành khăng khít, kề vai, sát cánh của Chính phủ cùng cộng đồng DN.
Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 và các cơ chế, chính sách, trong đó có giải pháp về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ DN, ông Phạm Tấn Công đánh giá cao sự sáng tạo, kịp thời trong các giải pháp chưa từng có tiền lệ. Nhờ vậy, cả Chính phủ cũng như DN đã “biến nguy thành cơ” rất thành công. Chính phủ cũng rất lắng nghe, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, Thủ tướng liên tục có các cuộc gặp gỡ DN, lắng nghe phản ánh, từ đó có quyết sách kịp thời.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ, gỡ “bài toán” về vốn vừa là “điểm nghẽn” vừa là “điểm nóng” vừa là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế bây giờ. Chúng ta có thể thấy rằng, trong điều hành kinh tế, cũng như đối với DN, điều sợ nhất là những “cú phanh gấp”, tức là những chính sách không lường trước được. “Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt. Với sự lãnh đạo rất vững vàng của Thủ tướng trong thời gian qua thì chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này.
2. Liên quan đến những tin đồn thất thiệt về ngân hàng SCB, sáng 10/10 bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: “Từ trước đến nay ở Việt Nam, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp”.
Trong những ngày gần đây, tình trạng người dân rút tiền trước thời hạn xảy ra tại SCB diễn biến phức tạp dần sau khi có những thông tin không tích cực về ngân hàng này lan truyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, phía NHNN đã có thông tin kịp thời trên website NHNN để khẳng định sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục đảm bảo hoạt động liên tục và ổn định cho SCB; đồng thời cũng sẽ có những giải pháp, chính sách theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại SCB.
Thống đốc cho biết hiện có một số thông tin lan truyền ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng SCB. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngân hàng SCB hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản. “Tôi cho rằng những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình", Thống đốc khuyến cáo.
Thống đốc cũng nhấn mạnh với vai trò Ngân hàng Trung ương cũng như cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, khi xây dựng hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, NHNN luôn đặt mục tiêu là kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB.
3. Hiện nay, tại nhiều điểm bán lẻ xăng dầu trên cả nước xảy ra tình trạng tạm ngưng hoạt động với nhiều lý do dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị các đơn vị tập trung việc giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn, đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động tiến hành chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện.
Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
4.Chào mừng ngày giải phóng thủ đô, hàng loạt các hoạt động văn hóa được tổ chức để hoà chung không khí.
Tại Nhà Trưng bày triển lãm, số 93 phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Ban quản lý Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tổ chức triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội".
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất" (1987 - 2022) và kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).
Tại Bảo tàng Hà Nội, triển lãm tranh "Con đường" nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022) diễn ra đến ngày 31/12/2022 tôn vinh những giá trị dân gian xưa cũ trong dòng chảy nghệ thuật đương đại; tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến văn hóa - Bảo tàng Hà Nội.
Tối 10/10, tại sân khấu Thủy đình - Trung tâm Văn hóa TP sẽ diễn ra chương trình giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống ca trù, hát chầu văn, múa rối nước.
Trước đó, Chương trình "Gặp gỡ mùa Thu Hà Nội năm 2022" được tổ chức tối 8/10 lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống dân tộc tới công chúng Thủ đô, góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc, làm phong phú đời sống tinh thần của đông đảo công chúng Thủ đô. Thông qua đó, đẩy mạnh hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống, bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của Việt Nam, quảng bá âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Cũng trong dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, TP Hà Nội còn tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc khác.
5. Ngày 10/10/1954 đã trở thành một mốc son chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô Hà Nội và đất nước. Từ đó đến nay, trải qua 68 năm, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, vươn lên mạnh mẽ, luôn xứng đáng với vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Việc cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 15-NQ/TW theo hướng kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những bất cập, hạn chế đã được xác định qua thực tiễn triển khai Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời bổ sung các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp của Radio Pháp Luật. Cảm ơn quý vị và các bạn đã đón nghe. Bản tin được thực hiện bởi Ngô Uyên.