Bản tin số 14: Bộ Công Thương khẳng định cung ứng đủ nguồn xăng dầu trong nước

(PLVN) - Bản tin trưa ngày 11/10 có một số nội dung đáng chú ý như sau: Thủ tướng Chính phủ: Cần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; Bộ Công Thương khẳng định cung ứng đủ nguồn xăng dầu trong nước... cùng một số tin tức khác.

1.Thưa quý vị, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức có sự tham dự Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được và nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định trong giai đoạn 2021 - 2030 cần phải “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Nhà nước ta đã thấy rõ sự cần thiết để sửa đổi các luật có liên quan nhằm thể chế hóa chủ trương đó của Đảng trong thực thi chính sách, pháp luật trước sự phát triển rất nhanh của các công nghệ mới đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo kế hoạch, Luật Giao dịch điện tử 2005 sẽ được sửa đổi, bổ sung, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, mở rộng phạm vi áp dụng tới tất cả hoạt động giao dịch điện tử của đời sống xã hội, tạo khung pháp luật thống nhất để chuyển những giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 cũng sẽ được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung nhất là đối với các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, kế toán, luật sư, công chứng, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo… để răn đe, ngăn ngừa và xử lý thích đáng các hành vi rửa tiền bất hợp pháp.

Sang năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi hay Luật Ngân hàng Nhà nước sẽ được Quốc hội xem xét sửa đổi để theo kịp thực tiễn đang đặt ra cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Việc tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

2.Cũng trong ngày 10/10, tại nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt các cán bộ lão thành và 86 đại diện tiêu biểu của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10-10-1952/10-10-2022). Cùng dự cuộc gặp mặt có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội chúc ngành xuất bản ngày càng phát triển; giữ vững và phát huy tốt vai trò là lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân; chúc đội ngũ những người làm xuất bản cả nước nhiều sức khỏe, có nhiều đóng góp thiết thực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phổ biến, giới thiệu tri thức, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam…, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại cuộc gặp mặt, đại diện những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách cả nước đã nêu một số đề xuất cụ thể với Chủ tịch Quốc hội, đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén và quan trọng của Đảng và Nhà nước; không ngừng lan tỏa niềm tin, tạo động lực, khơi lên khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nỗ lực, quyết tâm đưa ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam trở thành một ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa.

3.Mới đây, Vụ Thị trường trong nước thông tin, đang có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… (hiện tượng này không phải phổ biến, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động).

Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ theo quy định. Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cho biết mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối nhưng tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, đồng thời nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã và đang triển khai một số giải pháp bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

4. Liên quan đến Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, Qua thanh tra, Sở Y tế TP Cần Thơ đã chỉ ra nhiều hạn chế, sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế (BHYT) tại bệnh viện này.

Theo Kết luận thanh tra số 7160/KL-SYT ngày 19/9/2022 của Sở Y tế, Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ chưa triển khai bằng văn bản các văn bản chỉ đạo về việc thực hiện các quy định pháp luật về BHYT đến các khoa, phòng.

Trong đó, bệnh viện có xây dựng phác đồ điều trị và quy trình kỹ thuật, quyết định ban hành hết hiệu lực, thiếu cơ sở tham khảo để xây dựng; thiếu biên bản thông qua hội đồng, không đóng mộc đỏ thể hiện tài liệu của bệnh viện ban hành; thiếu ngày ban hành, ngày có hiệu lực; thiếu quy trình kỹ thuật (xét nghiệm HIV); thiếu bảng kiểm phác đồ điều trị và quy trình kỹ thuật.

Khoa Răng Hàm Mặt thiếu biên bản hội chẩn trong phẫu thuật nhổ răng, điều trị tủy răng. Sổ thủ thuật Khoa Mắt ghi chép không đầy đủ, thiếu một số cột mục. Trang thiết bị thiếu nguồn gốc và không có trong danh mục quản lý của bệnh viện.

Ngoài ra, bệnh viện chưa có quy trình xây dựng danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế sử dụng tại đơn vị; có quyết định phê duyệt danh mục thuốc, hoá chất, vật tư y tế gửi đấu thầu tập trung tại Sở Y tế nhưng chưa có quyết định phê duyệt danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế sau khi có kết quả đấu thầu của Sở Y tế phân bổ về bệnh viện.

Đối với những hạn chế, sai phạm nêu trên, Sở Y tế TP Cần Thơ đề nghị Giám đốc Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt, Hội đồng Khoa học công nghệ và lãnh đạo các khoa, phòng liên quan nghiêm túc họp rút kinh nghiệm và khắc phục. Đồng thời, báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra về Thanh tra Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Sở Y tế.

Đọc thêm