Bản tin số 16: Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các tổ chức pháp chế

(PLVN) - Bản tin trưa ngày 12/10 sẽ có những tin tức đáng chú ý: Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các tổ chức pháp chế; Lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.. cùng một số tin tức khác.

1. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các tổ chức pháp chế

2. Lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

3. Cục Thuế tỉnh Lào Cai tạm hoãn xuất cảnh thêm 6 cục trưởng nợ thuế

4. Hai đối tượng vận chuyển 30kg ma túy từ Quảng Trị vào TP. Hồ Chí Minh sa lưới

Tin 1: Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các tổ chức pháp chế

Ngày 11/10, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị sinh hoạt công tác pháp chế năm 2022. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, triển khai và đánh giá công tác thi hành pháp luật là lĩnh vực được Bộ đặc biệt chú trọng. Thời gian qua, tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo sát sao cùng với sự nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ nên công tác xây dựng pháp luật của ngành đã đạt được những kết quả khả quan. Các văn bản pháp luật do Bộ chủ trì soạn thảo đều đúng tiến độ trình Quốc hội; hệ thống các Nghị định, Thông tư được xây dựng đều đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Báo cáo về tình hình tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL cho biết: Công tác xây dựng kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Bộ, ngành VHTTDL đã chủ động, kịp thời, đảm bảo đúng tiến độ; việc tổ chức thực hiện các chính sách trong xây dựng VBQPPL được thực hiện đầy đủ.

Để tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, ông Liêm đề xuất cần nghiên cứu xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng công tác lập đề nghị xây dựng VBQPPL, gắn trách nhiệm các cơ quan trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật; có kế hoạch cụ thể, chi tiết trước khi tổ chức thi hành một văn bản mới được ban hành; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác thi hành pháp luật.

Thông tin về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nêu rõ: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công tác pháp chế đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn một số tồn tại, hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá công tác pháp chế có khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất phức tạp hơn, yêu cầu ngày càng cao hơn. Trong khi đó đội ngũ cán bộ pháp chế còn mỏng, thiếu tính ổn định; kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế. Tuy nhiên, công tác pháp chế vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều cách làm mới, hiệu quả. Thời gian tới, các tổ chức pháp chế cần tập trung làm tốt công tác xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, cho ý kiến góp ý VBQPPL, tăng cường phối hợp giữa các tổ chức pháp chế dưới nhiều hình thức đa dạng hơn. Đặc biệt, cần quan tâm làm tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện những vướng mắc trong thực tiễn.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Thứ trưởng cho biết Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định.

Tin 2: Lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Ngày 11/10 (theo giờ New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 đã tiến hành bỏ phiếu bầu các thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025.

Trong nhiệm kỳ 2023-2025, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được bầu mới 14 thành viên, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương bầu 4 thành viên. Tại cuộc bỏ phiếu, Việt Nam trúng cử và lần thứ hai trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.

Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.

Trước đó, tại Khóa họp lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Gen ni vơ) đã nhấn mạnh các ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025; tái khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta lấy con người là trung tâm của phát triển, bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển.

Đại sứ cũng nêu bật các nỗ lực, cam kết và thành tựu cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới; thúc đẩy đối thoại, hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần khách quan và xây dựng, gắn liền với các trọng tâm của Liên Hợp Quốc và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền trong thời gian qua cũng như trong năm nay, trong đó có Triển lãm ảnh về Dân tộc và Tôn giáo vào cuối tháng 6/2022, là một trong ba nước nòng cốt chủ trì giới thiệu Nghị quyết thường niên của Hội đồng Nhân quyền về quyền con người và biến đổi khí hậu và việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện chính sách của Việt Nam lấy người dân làm trung tâm, cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong năm kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2022).

Tin 3:

Cục Thuế tỉnh Lào Cai cho biết, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Sa Pa và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lào Cai vừa có thông báo tạm hoãn xuất cảnh theo quy định đối với 6 Giám đốc doanh nghiệp tư nhân nợ tiền thuế.

Cụ thể, theo thông báo trên website của Cục Thuế tỉnh Lào Cai, ngày 10/10, ông Phan Văn Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai), đã gửi đơn công văn gửi Cục Quản lý thuế tỉnh Lào Cai. Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 5 giám đốc nợ thuế.

Danh sách này gồm: Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1982), chỗ ở hiện nay là đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Hải Anh Sa Pa,

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân (SN 1984) hiện trú tại thôn Thụy Hà, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông Sa Pa.

Nguyễn Văn Thành (SN 1960), trú tại số nhà 667, đường Điện Biên Phủ, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Thanh Sa Pa,

Ông Đào Đức Phong (SN 1976), HKTT tại số nhà 37, đường Phan Si Păng, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Xanh Sa

Ông Nguyễn Văn Thao (SN 1986), trú tại số nhà 65, đường Xuân Viên, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Giám đốc Công ty Kim Sơn Công ty Cổ phần Thương mại Kim Sơn.

Cùng ngày, bà Dương Thị Thu Hàng, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Lào Cai đã có thông báo gửi Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Thị Minh Xuyên (SN 1966), phường Kim Tân, thành phố Lão Cai, tỉnh Lào Cai, Giám đốc công ty TNHH Thiên Tân là doanh nghiệp không còn hoạt

động theo địa chỉ đăng ký nhưng nợ tiền thuế Nhà nước.

Lý do tạm hoãn xuất cảnh do các trường hợp nêu trên là người đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp còn nợ tiền thuế, thuộc trường hợp đang bị cơ quan thuế cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về việc quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Thời gian tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày 10/10/2022 cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Trước đó, trung tuần tháng 9, 2022, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Lào Cai cũng có thông báo gửi Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tam hoàn xuất cảnh 3 giám đốc hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa bàn tỉnh Lào Cai do nợ thuế theo quy định

Tin 4:

Ngày 11/10, Công an TP. Đông Hà (Quảng Trị) cho biết, đơn vị vừa phá thành công chuyên án 281M, bắt hai đối tượng khi đang vận chuyển 30kg ma túy tổng hợp từ Quảng Trị đến bến xe Miền Đông (TP. Hồ Chí Minh).

Trước đó, vào khoảng 4h30 phút ngày 7/10, tại tại bến xe Miền Đông (thuộc phường 26, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), Công an TP. Đông Hà phối hợp với Công an phường 26, quận Bình Thạnh, vây bắt Nguyễn Đăng Tuấn (32 tuổi) và Chu Đình Bằng (25 tuổi; cùng ngụ phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Tang vật thu giữ là 30kg ma túy tổng hợp loại ketamine và 3 điện thoại di động​​​​. ​

Bước đầu, 2 đối tượng khai nhận đã vận chuyển trái phép số ma túy nói trên từ Quảng Trị vào TP. Hồ Chí Minh để nhận 100 triệu tiền công. Được biết, Tuấn và Bằng là hai đối tượng nghiện ma túy.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định.

Đọc thêm