1. Triển khai thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ
2. Đề nghị bổ sung hành vi 'gián tiếp' gây ra bạo lực gia đình vào Dự án luật
3. Sóc Trăng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh
4. Bắc Giang: Bắt Phó Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Việt Yên
5. Thu giữ hơn 50.000 lít dầu không hợp pháp
Tin 1: Triển khai thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ
Ngày 12/10, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp phối hợp với Đảng ủy Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII; học tập, quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản của Đảng về công tác cán bộ.
Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ. Cùng dự có đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 03/10/2022 đến ngày 09/10/2022, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ sáu để xem xét thảo luận, cho ý kiến các tờ trình, đề án, báo cáo của Bộ Chính trị liên quan một số vấn đề lớn, cơ bản và quan trọng.
Tiếp đó, ông Trần Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã giới thiệu những nội dung cơ bản và những điểm mới của Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Ngoài ra, Hội nghị còn được nghe ông Trần Việt Hùng khái quát những nội dung cơ bản của Thông báo Kết luận số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW ngày 20/9/2022; Nội dung cơ bản và những điểm mới của Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.
Sau khi nghe phổ biến, quán triệt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh đề nghị, mỗi cán bộ, Đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy cần tích cực, chủ động nghiên cứu, tiếp tục học tập và phổ biến các quy định của Trung ương về công tác cán bộ để hiểu rõ, đầy đủ những nội dung cơ bản và những điểm mới về công tác này.
Tin 2:
Cần quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết, về hành vi BLGĐ, một số ý kiến đại biểu QH đề nghị quy định khái quát thành các nhóm hành vi BLGĐ và cũng có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “gián tiếp” gây ra BLGĐ.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy hầu hết hành vi BLGĐ đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị BLGĐ có thể đan xen lẫn nhau. Do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi BLGĐ thì có thể trùng lặp các hành vi BLGĐ. Quy định cụ thể các hành vi BLGĐ cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật. Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Với ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng do không khả thi và mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ), theo bà Thúy Anh, thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không/chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng. Hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không còn là quan hệ gia đình theo Luật HN&GĐ, song là mối quan hệ rất đặc thù, dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.
Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống BLGĐ lấy người bị BLGĐ là trung tâm thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ. Đồng thời cũng là để xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ, ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong tương lai và những người trong cuộc sẽ được áp dụng các quy định đặc thù trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ để mối quan hệ trở nên tốt hơn.
Cơ bản thống nhất với cách tiếp cận trong dự thảo Luật nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn việc mở rộng áp dụng các quy định về hành vi bạo lực với thành viên gia đình là cha mẹ, con, anh chị em, vợ chồng đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng và con của họ và người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết Bộ Tư pháp nhất trí với phương án trong dự thảo Luật về hành vi BLGĐ. Phương án này đảm bảo phù hợp với mục tiêu, phạm vi áp dụng của dự thảo Luật tới tất cả các đối tượng BLGĐ trong thực tiễn và tạo cơ sở pháp lý để chúng ta giải quyết triệt để tình trạng bạo lực, hành vi bạo lực trong thời gian qua.
Tin 3: Sóc Trăng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, hướng cho lực lượng thanh thiếu niên hành động theo các chuẩn mực pháp luật. Đây là nhiệm vụ được Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, hiệu quả.
Trên tinh thần đó, từ ngày 3-17/10, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị tư vấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại 15 điểm trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Tại Hội nghị, các báo cáo viên pháp luật đã tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật xoay quanh: Luật An ninh mạng; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, lồng ghép các tình huống cụ thể về các hành vi vi phạm phổ biến liên quan đến thanh thiếu niên hiện nay. Từ đó phân tích rõ nguyên nhân, hậu quả, hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm để học sinh chủ động phòng tránh.
Bên cạnh đó, lồng ghép hoạt động “Tư vấn, giải đáp pháp luật”. Tại đây, học sinh được bày tỏ, trao đổi quan điểm của mình về những vấn đề cụ thể, các quy định pháp luật liên quan đến thanh thiếu niên cũng như những thắc mắc trong học tập và cuộc sống. Từ đó, Đoàn tiến hành tư vấn, giải đáp thắc mắc, giúp học sinh trang bị kiến thức, kỹ năng để giải quyết một cách chủ động, tích cực và hiệu quả nhất các tình huống phù hợp với quy định pháp luật, yêu cầu của cuộc sống khi gặp phải.
Ngoài ra, để tạo không khí gần gũi, Đoàn đã giao lưu bằng hình thức “Hỏi đáp pháp luật” và trao quà cho học sinh có câu trả lời đúng nhằm động viên, khuyến khích tinh thần giao lưu, học hỏi của các em. Phần giao lưu đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, từ đó góp phần tạo nên sự gần gũi trong việc tiếp cận pháp luật.
Bên cạnh việc tổ chức hội nghị tư vấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các điểm trường, Sở Tư pháp còn biên soạn và cấp phát miễn phí 11.000 cuốn sổ tay pháp luật dành cho đoàn viên, thanh thiếu niên học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2022” cũng đã thu hút đông đảo lực lượng học sinh tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh tham gia....
Với nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đa dạng, sáng tạo, linh độn , gần gũi, thiết thực đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực, thu hút và tạo được sự quan tâm, chú ý của học sinh. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, phát huy đầy đủ tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong lực lượng thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Tin 4:
Theo thông tin từ Công an tỉnh Bắc Giang, ngày 11/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại huyện Việt Yên; ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Xuân Lưu, sinh năm 1978, hiện ở tổ dân phố Thượng, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Căn cứ kết quả điều tra xác định trong thời gian làm Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên, bị can Vũ Xuân Lưu có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của đại diện chủ đầu tư đối với công trình dịch chuyển đường dây điện chiếu sáng, thông tin đường vành đai IV thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, dẫn đến không phát hiện việc nhà thầu thi công sai thiết kế, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền gần 2 tỷ đồng.
Bị can Vũ Xuân Lưu hiện đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên, nguyên là Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên, bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, ngày 16/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội liên quan đến công trình xây dựng trên.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án./.
Tin 4:
Gần 7.000 lít dầu diesel tại Hà Nam và 46.000 lít dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp vừa bị lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ.
Tại Hà Nam: Ngày 12/10, Cục QLTT tỉnh Hà Nam phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam thực hiện kiểm tra đối với 3 điểm bán dầu Diesel tự phát thực hiện bán lẻ dầu Diesel cho khách hàng, trên địa bàn Thôn 2 Tâng, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm.
Tại thời điểm kiểm tra, tất cả các cơ sở trên đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa với tổng số lượng là 6.620 lít dầu Diesel để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 vừa qua đã dẫn giải tàu số hiệu BT99887TS chở khoảng 46.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc về tới cảng Hải đội 301 tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.
Trước đó, tại vùng biển cách phía Đông Nam Côn Đảo khoảng 100 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu trên có dấu hiệu nghi vấn, nên tiến hành kiểm tra.
Thời điểm kiểm tra, tàu BT 99887 TS có 5 thuyền viên do ông Đặng Hữu Hiền (SN 1967, trú tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) làm thuyền trưởng.
Tàu đang vận chuyển khoảng 46.000 lít dầu DO nhưng thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Các thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn và giấy tờ tùy thân.
Theo lời khai ban đầu của ông Hiền, số dầu đang vận chuyển trên tàu được mua trôi nổi trên biển từ một tàu không rõ số hiệu, đang trên đường vận chuyển để tiêu thụ thì bị kiểm tra, tạm giữ.
Hiện lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng, tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.