Quý vị đang nghe Bản tin tổng hợp trên Radio Pháp Luật, báo Pháp luật Việt Nam. Bản tin trưa ngày 15/10 có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với phụ nữ
Siết chặt sai phạm về phim ảnh trên không gian mạng
Yêu cầu hoạt động ứng cứu sự cố thông tin mạng chuyển từ bị động sang chủ động
Hải Dương: Vi phạm trong sử dụng tài sản công
Bắc Giang: Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ bị bắt tạm giam
1. Sáng 15/10, nhân Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với phụ nữ về 'Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội'. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại các điểm cầu 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư, Chủ tịch UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành các tỉnh/thành phố và hơn 5.000 hội viên, phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực, cán bộ Hội các cấp…
Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, nhiều chương trình, chính sách, đề án đã được Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ đã luôn nỗ lực không ngừng, tích cực học tập, lao động, khẳng định vai trò quan trọng của giới mình đối với sự phát triển của đất nước.
Hội nghị Đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với phụ nữ là cơ hội để các tầng lớp phụ nữ chia sẻ và gửi gắm tới Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ những vấn đề nữ giới quan tâm. Đồng thời, cũng là dịp để Thủ tướng động viên, khích lệ phụ nữ nỗ lực và quyết tâm hiện thực hóa những mong ước của bản thân, khơi dậy tiềm năng sẵn có trong mỗi người, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
2. Thời gian qua đã xảy ra nhiều sai phạm đến từ các phim chiếu trên nền tảng truyền hình nước ngoài tại Việt Nam. Tại Hội thảo phổ biến Nghị định 71/2022/ NĐ-CP (Nghị định 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, những vấn đề này đã được nêu ra.
nhiều vấn đề về tạo hành lang pháp lý để ổn định và thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã được đặt ra.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Nghị định 71 là sẽ tạo mặt bằng pháp lý chung giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Về các nội dung phim phổ biến trên không gian mạng bị phát hiện vi phạm xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, thời gian qua do Luật Điện ảnh 2016 và các quy định chưa theo kịp sự phát triển nên Bộ TT&TT đang đứng ra yêu cầu các doanh nghiệp có phim vi phạm phải gỡ bỏ. Nhưng từ ngày 1/1/2023, khi Luật Điện ảnh và các Nghị định, Thông tư liên quan có hiệu lực thì Bộ VHTTDL sẽ có trách nhiệm, thẩm quyền cảnh báo, yêu cầu gỡ bỏ các phim vi phạm khỏi không gian mạng.
3. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới ký Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam.
Theo Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp là thành viên (hoặc có đơn vị trực thuộc là thành viên) của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia quán triệt tới tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nguyên tắc "Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng là hoạt động quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý và khắc phục kịp thời sự cố an toàn thông tin mạng";
Hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải chuyển từ bị động sang chủ động trong đó Cơ quan chủ trì 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng chú trọng hoạt động chia sẻ thông tin về các nguy cơ, sự cố mất an toàn thông tin mạng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý, vận hành hệ thống thông tin thuộc lĩnh vực và phục vụ kịp thời, hiệu quả cho Đội ứng cứu sự cố của lĩnh vực.
Đội ứng cứu sự cố chịu trách nhiệm thực hiện thường xuyên các nhiệm vụ: làm đầu mối tiếp nhận, quản lý sự cố; ứng cứu, xử lý sự cố và săn lùng mối nguy hại; nghiên cứu, theo dõi các nguy cơ tấn công mạng, thông tin về lỗ hổng, điểm yếu; luyện tập các kỹ năng bảo vệ hệ thống thông tin và tham gia các chương trình huấn luyện, diễn tập do Cơ quan điều phối quốc gia chủ trì.
4. Qua công tác thanh tra phát hiện, đơn vị trực thuộc Tỉnh đoàn Hải Dương sử dụng nhiều tài sản công vào việc cho thuê tài sản, liên doanh, liên kết khi chưa được UBND tỉnh cho phép.
Theo hồ sơ, tài liệu do Tỉnh đoàn Hải Dương và các đơn vị trực thuộc cung cấp, tài sản cố định đang được các đơn vị theo dõi trên sổ sách kế toán có tổng nguyên giá là 52.625.306.049 đồng. Tổng giá trị hao mòn lũy kế tài sản cố định đến 31/12/2021 là 34.295.219.550 đồng.
Tuy nhiên, Tỉnh đoàn và các đơn vị trực thuộc chưa lập thẻ tài sản cố định để theo dõi tài sản cố định theo quy định. Tỉnh đoàn chưa thực hiện việc theo dõi và tính hao mòn tài sản cố định được đầu tư xây dựng theo Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và Lao động trẻ (TNCN&LĐT) là thực hiện không đúng theo quy định.
Đơn vị này chưa kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản của Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Hỗ trợ TNCN&LĐT, số tiền còn nợ đọng là 3.356.856.000 đồng.
Các đơn vị trực thuộc Tỉnh đoàn chưa lập sổ tài sản cố định và sổ theo dõi tài sản cố định, công cụ, dụng cụ tại nơi sử dụng theo mẫu sổ được ban hành kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính. Các đơn vị chưa trích khấu hao đối với tài sản cố định sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định.
Về tình hình sử dụng tài sản công, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh đoàn đã tận dụng các tài sản công chưa sử dụng hết công suất để cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm tăng thu cho đơn vị.
Ngoài ra, Tỉnh đoàn chưa thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 50.500.000 đồng thu được từ bán thanh lý xe ô tô năm 2020 theo quy định.
5. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang (Bắc Giang) vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt tạm giam để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Trước đó, chiều 14/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét nơi làm việc đối với ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1980), Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang).
Theo Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam của cơ quan điều tra, ông Hùng bị bắt vì liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian ông làm Chủ tịch UBND phường.
Thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp của Radio Pháp Luật. Cảm ơn quý vị và các bạn đã đón nghe. Bản tin được thực hiện bởi Ngô Uyên.