Bản tin số 26: Đánh sập đường dây vận chuyển 30.000 viên ma túy tại Quảng Trị

(PLVN) - Bản tin tối 16/10 sẽ có những thông tin đáng chú ý: Hà Nội siết chặt quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;  Bắt đối tượng ôm 12000 viên ma túy tổng hợp từ Lào Cai về Việt Nam tiêu thụ... và một số tin tức khác.

Hà Nội siết chặt quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Cách chức Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Quảng Trị: Đánh sập đường dây vận chuyển 30.000 viên ma túy

Bắt đối tượng ôm 12000 viên ma túy tổng hợp từ Lào Cai về Việt Nam tiêu thụ

Quảng Nam: Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân

Tin 1:

Hà Nội siết chặt quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện mà vẫn kinh doanh.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3417/UBND-NC, triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ về “Kết luận tại Hội nghị công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017, quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy”.

Theo đó, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của thành phố; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 319/TB-VPCP.

Đồng thời, tăng cường sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy các cấp; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; tích cực tuyên truyền, đề cao ý thức, kỹ năng của người dân trong an toàn phòng, chống cháy, nổ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện mà vẫn kinh doanh.

Đồng thời, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, xây dựng mô hình an toàn cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ cấp huyện, cấp xã, tổ dân phố; công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân tham gia giám sát.

Cách chức Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Sáng 16/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa xác nhận về việc ông Nguyễn Trí Tuân – Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa bị kỷ luật cách chức vụ Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND.

Quyết định cách chức vụ Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND đối với ông Nguyễn Trí Tuân đã được Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa ký ngày 12/10 vừa qua.

Trước đó vào tháng 8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa họp quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và các đảng viên vi phạm. Trong đó, ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016 - 2021) bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa, từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2021, Ban Thường vụ huyện Cam Lâm, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra giám sát để UBND huyện tự đặt ra thủ tục “hiến đất” làm đường không đúng thẩm quyền.

Liên quan đến các sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại huyện Cam Lâm, vào đầu tháng 10/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đối với bà Lê Phạm Thùy Ngân.

Cơ quan Nhà nước cũng chỉ ra vi phạm, khi địa phương này cho phép 114 trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để tự làm đường, tách thửa và đã tách 2.300 thửa với tổng diện tích hơn 57ha.

Bắt đối tượng ôm 12000 viên ma túy tổng hợp từ Lào Cai về Việt Nam tiêu thụ

Ngày 16/10 Công an huyện điện biên tỉnh Điện Biên vừa bắt giữ một đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 12000 viên ma túy tổng hợp.

Quảng Trị: Đánh sập đường dây vận chuyển 30.000 viên ma túy

Ngày 16/10, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng liên quan đấu tranh thành công chuyên án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn; bắt giữ 5 đối tượng.

Theo đó, vào khoảng 20h10 ngày 14/10 tại khu vực phường Đông Lương (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung phối hợp với Đồn Biên phòng Thuận (BĐBP Quảng Trị), Công an huyện Đakrông (Công an tỉnh Quảng Trị) bắt quả tang đối tượng Đỗ Trung Hiếu (SN 1995, trú ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đang vận chuyển 18.000 viên ma túy tổng hợp.

Từ lời khai của Đỗ Trung Hiếu, lực lượng chức năng truy xét và bắt giữ thêm 2 đối tượng có liên quan là Phạm Văn Thắng (SN 1993, trú ở xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa) và Nguyễn Hải Định (SN 1997, trú ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa).

Mở rộng chuyên án, sáng ngày 15/10 lực lượng đánh án tiếp tục bắt giữ đối tượng Đoàn Quang Long (SN 1995, trú ở xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa) và Nguyễn Bảo Ân (SN 1985, trú ở phường 1, thị xã Quảng Trị).

Qua đấu tranh khai thác, Đoàn Quang Long khai nhận, vào ngày 4/10, khi Long đang vận chuyển 12.000 viên ma túy tới địa phận xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông, Quảng Trị) thì thấy lực lượng chức năng nên đã vứt hàng và bỏ chạy. Số ma túy này đã bị lực lượng chức năng thu giữ.

Tin 5:

Sáng 16/10, để đối phó với cơn bão Nesat và không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã phát đi thông báo đến các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai phòng chống thiên tai.

Theo đó, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Tiếp tục kiểm đếm phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển để ứng phó với bão Nesat.

Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.

Chủ động tổ chức thực hiện công tác quản lý, đảm bảo an toàn tàu thuyền, người và tài sản theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Khoản 5, Công văn số 2054/UBND-KTN ngày 06/4/2022 của UBND tỉnh về chủ động ứng phó thiên tai năm 2022.

Đọc thêm