Bản tin số 6: Phạt đối tượng đăng tin học sinh ăn cơm với thịt chuột 7,5 triệu đồng

(PLVN) -  Bản tin trưa ngày 7/10 có một số nội dung đáng chú ý như sau: Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về thí điểm đấu gía biển số ô tô; Ngăn chặn nhóm “quái xế” coi thường pháp luật... và một số tin tức khác.

Quý vị đang nghe Bản tin tổng hợp trên Radio Pháp Luật, báo Pháp luật Việt Nam. Bản tin trưa ngày 7/10 có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về thí điểm đấu gía biển số ô tô

Ngăn chặn nhóm “quái xế” coi thường pháp luật

Bắc Giang: Triệt phá hai đường dây làm giả con dấu

Luận án tiến sĩ “Nghiên cứu phát triển môn cầu lông” không đạt thẩm định

Phạt đối tượng đăng tin học sinh ăn cơm với thịt chuột 7,5 triệu đồng

1.Trang 2 số 280 ngày 7.10.2022

2. Mới đây, một nhóm “quái xế” đi trên các xe máy phân khối lớn chạy với tốc độ cao, liên tục lạng lách, đánh võng dọc trên tuyến phố chính từ quận Hà Đông (TP Hà Nội) về phía nội thành.

Ngồi sau xe, một số đối tượng tay lăm lăm những cây “phóng lợn” tự chế; có đối tượng còn đập các vỏ chai bia bằng thủy tinh xuống đường khiến nhiều người đi đường hoảng sợ. Trước đó, tại TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), người dân đã bắt được nhóm đối tượng thanh, thiếu niên (đi trên các xe máy phân khối lớn, lạng lách, đánh võng, ném vỏ chai vào các xe ô tô đi cùng chiều) bàn giao cho cơ quan công an địa phương xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, tình trạng thanh thiếu niên điều khiển mô tô phân khối lớn phóng nhanh, lạng lách, gây rối trật tự công cộng có tần suất ngày càng nhiều. Địa bàn mà các đối tượng “ưa thích” là các tuyến đường mới mở, các khu vực giáp ranh giữa các địa phương, vào thời điểm đêm khuya hoặc rạng sáng. Các “quái xế” thường có chung sở thích là đam mê tốc độ, ham vui, bốc đồng, thích thể hiện hoặc dễ bị lôi kéo, kích động...

Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng trên là do cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng ở một số địa phương chưa chủ động vào cuộc, còn coi đây là trách nhiệm của riêng lực lượng công an. Cùng với đó, nhiều cha mẹ quá nuông chiều con cái, dễ dàng chi tiền mua xe phân khối lớn cho con nhưng buông lỏng quản lý, không kiểm tra, nhắc nhở. Mặt khác, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhiều vụ đua xe bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng tham gia chỉ bị xử lý hành chính, khá ít vụ việc bị xử lý hình sự.

Để ngăn chặn tình trạng “quái xế” cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của từ gia đình, nhà trường đến các các cơ quan chức năng. Trước hết, lực lượng cảnh sát khu vực phải nắm chắc địa bàn, phát hiện các đối tượng “đam mê tốc độ” để phối hợp với gia đình, nhà trường giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn từ xa; các lực lượng chức năng cần tích cực nắm thông tin từ nhiều nguồn, tăng cường tổ chức tuần tra, mật phục để chủ động, kịp thời phối hợp ngăn chặn; thường xuyên rà soát, kiểm tra, yêu cầu chủ các cơ sở sửa chữa xe máy cam kết không tham gia “độ” xe cho các đối tượng vị thành niên, thay đổi hình dáng, kết cấu xe trái quy định.

Về phía gia đình, cha mẹ cần nắm bắt tâm lý, sở thích, thường xuyên giáo dục, giám sát chặt chẽ con cái, kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn khi con có ý định (biểu hiện), thích thú, tham gia các hoạt động đua xe trái phép; quản lý chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt, hạn chế tối đa cho con cái sử dụng phương tiện ra đường vào đêm muộn. Đối với nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội cần có nội dung, hình thức giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên ký cam kết không điều khiển phương tiện sai quy định; không tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có chế tài xử phạt nặng, không để các “quái xế” coi thường pháp luật...

Chỉ có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ mới ngăn chặn được các “quái xế”, trả lại bình yên cho những tuyến đường, để nhân dân khi tham gia giao thông không còn nơm nớp lo sợ.

3. Công an tỉnh Bắc Giang cho biết vừa triệt phá hai đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước với quy mô lớn và bắt nhiều đối tượng.

Theo đó, ngày 30/9/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì,phối hợp với Công an huyện Yên Dũng triệt phá chuyên án, bắt giữ hai đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước với quy mô lớn; bắt hai đối tượng cầm đầu là: Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1988 (hộ khẩu thường trú: Tử Du, Lập Thạch, Vĩnh Phúc; nơi cư trú, làm việc: thôn Chùa, Tăng Tiến, Việt Yên, Bắc Giang); Đặng Hữu Tập, sinh năm 1986 (hộ khẩu thường trú tại Đoan Bái, Hiệp Hòa, Bắc Giang; nơi cư trú, làm việc: thôn Phúc Long, Tăng Tiến, Việt Yên, Bắc Giang).

Tiến hành khám xét khẩn cấp 04 địa điểm là nơi làm việc, nơi ở của các đối tượng tại xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Cơ quan Công an thu giữ tổng số 23 máy tính các loại, 09 điện thoại di động, 01 máy in màu, 12 con dấu giả cùng nhiều giấy tờ, văn bằng, tài liệu giả của cơ quan Nhà nước…

Quá trình đấu tranh, cơ quan Công an xác định hai đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước hoạt động từ tháng 02/2021 với thủ đoạn thành lập Công ty tuyển dụng lao động (Công ty Cổ phần DT - Vina và Công ty Thành Công) cho các công ty trong các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, để núp bóng hoạt động phạm tội làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước như: các Trung tâm y tế; UBND các xã, Công an các xã… với quy mô lớn.

Vụ việc sau đó đã được Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang bàn giao cho Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền.

Đến ngày 06/9/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" và chuyển vụ án đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.

4. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, luận án tiến sĩ về "giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh (NCS) Đặng Hoàng Anh từng gây xôn xao dư luận vào tháng 5 năm 2022 được hội đồng thẩm định phê không đạt và cần sửa chữa.

Cụ thể, ngay sau khi luận án tiến sĩ trên làm xôn xao mạng xã hội, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thẩm định. Bộ GD&ĐT đã mời 3 chuyên gia độc lập thẩm định luận án này.

Kết quả từ 3 chuyên gia cho thấy: 2 chuyên gia yêu cầu nghiên cứu sinh chỉnh sửa lại luận án với rất nhiều nội dung; 1 chuyên gia đánh giá không đạt. Như vậy, theo ý kiến của các chuyên gia thẩm định, luận án này không đạt, nghiên cứu sinh phải làm lại, bảo vệ lại. Kết quả đã được Bộ GD&ĐT gửi về cơ sở đào tạo để xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó các nhà khoa học cho rằng, nội dung đề tài không đủ tầm của một luận án tiến sĩ. Theo nhiều nhà khoa học, mục đích của một công trình nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp nhằm cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, có tác động lớn đến cộng đồng hoặc cả xã hội.

Trong khi đề tài luận án trên nói đến việc phát triển môn cầu lông cho cán bộ công chức, viên chức TP Sơn La là quá nhỏ, không có tính đóng góp cho xã hội hay cộng đồng khoa học. Do vậy xét về tính học thuật lẫn thực tiễn, đề tài chưa đạt yêu cầu.

5. Ngày 6/10, ông Võ Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông (TT-TT) tỉnh Quảng Nam cho biết, các cơ quan chức năng đã xác định người đăng thông tin sai sự thật về hộp cơm chỉ có thịt chuột của các em học sinh huyện miền núi Nam Giang là một giám đốc công ty tại TP Đà Nẵng.

Trước đó, giữa tháng 9/2022, fanpage “Quảng Nam - Đà Nẵng” đăng tải hình ảnh một hộp cơm chỉ có một con chuột kèm nội dung: “Xót xa trước hộp cơm của các em học sinh vùng cao Nam Giang, Quảng Nam...”.

Thông tin trên nhanh chóng được lan truyền gây xôn xao trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ cảm thông cho sự khó khăn, thiếu thốn của học sinh miền núi huyện Nam Giang và cho rằng nhà trường thiếu quan tâm đến bữa ăn của học sinh.

Sau khi thông tin được đăng tải, UBND huyện Nam Giang đã kiểm tra và xác định hình ảnh trên được chụp vào thời điểm tháng 12/2019, tại một điểm trường lẻ cơ sở thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), khi Trường Mầm non Thạnh Mỹ có tổ chức hoạt động “Ngày Tết quê em”.

Nội dung các hoạt động trong “Ngày Tết quê em” có phần thi chế biến, trưng bày các món ăn đặc sản truyền thống các dân tộc sinh sống trên địa bàn nên giáo viên đã vận động phụ huynh mang theo các thực phẩm, các món ăn ẩm thực truyền thống của địa phương đến trường để cùng nhau chế biến, trưng bày trong hội thi.

Trong đó, có phụ huynh đã mang theo cơm với thịt chuột rừng (món ăn dân dã của đồng bào) và cô giáo chụp ảnh lại để làm kỷ niệm. Cô giáo có chia sẻ ảnh trong nhóm, người dùng mạng xã hội đã mượn hình ảnh này đăng tải thông tin không trung thực về sự việc.

Sau khi fanpage “Quảng Nam - Đà Nẵng” đăng tải bài viết “Xót xa trước hộp cơm của các em học sinh vùng cao Nam Giang, Quảng Nam”, Sở TT-TT tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Nam Giang, Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc xác minh và khẳng định đây là thông tin sai sự thật.

Các cơ quan chức năng xác định, quản trị fanpage có tên “Quảng Nam - Đà Nẵng” là của ông H.N.S., giám đốc một công ty CP liên kết marketing, có trụ sở trên đường Trường Chinh (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Sở TT-TT tỉnh đã phối hợp Công an tỉnh Quảng Nam mời quản trị fanpage nói trên đến làm việc.

Thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp của Radio Pháp Luật. Cảm ơn quý vị và các bạn đã đón nghe. Bản tin được thực hiện bởi Ngô Uyên.

Đọc thêm