Bản tin số 7: Thuận tiện trong tra cứu các quy định pháp luật nhờ Bộ Pháp điển

(PLVN) -Bản tin tối 07/10 sẽ có những nội dung đáng chú ý: Ký kết Chương trình hợp tác 3 năm giữa Việt Nam – CHLB Đức giai đoạn 2022 – 2025; Thuận tiện trong tra cứu các quy định pháp luật nhờ Bộ Pháp điển... và một số thông tin khác.

1. Việt Nam – CHLB Đức: Ký kết Chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022 – 2025

Tiếp tục thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Đức 2008 và khuôn khổ Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền, chiều 07/10, Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp Liên bang Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức tổ chức Lễ ký trực tuyến kết hợp trực tiếp “Chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022 – 2025” giữa hai Bộ Tư pháp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc và bà Angelika Schlunck, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Liên bang CHLB Đức đã ký trực tuyến “Chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022 – 2025” với sự chứng kiến của ông Chu Tuấn Đức, Phó Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức.

Tham dự Lễ ký về phía Việt Nam có đại diện của các cơ quan là đối tác của Chương trình hợp tác như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Về phía Đức có đại diện Bộ Tư pháp Liên bang Cộng hòa Liên bang Đức, Viện Đức về Hợp tác pháp luật quốc tế (IRZ).

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh Chương trình hợp tác 3 năm Đối thoại nhà nước pháp quyền với CHLB Đức giai đoạn 2022 – 2025 là chương trình hợp tác giai đoạn thứ 5 trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHLB Đức đã ký ngày 29/02/2008 tại Hà Nội (gọi tắt là Tuyên bố chung 2008). Nội dung của Chương trình bám sát Tuyên bố chung 2008 và là cơ sở để hai Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm.

Việc ký Chương trình này đánh dấu sự khởi đầu của 3 năm hợp tác tới đây với nhiều thuận lợi và khó khăn, do đó, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tin tưởng, với những kinh nghiệm, sự thiện chí, thấu hiểu, chia sẻ và quyết tâm của tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Việt Nam và CHLB Đức, Chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022 – 2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang CHLB Đức sẽ được thực hiện thành công, đáp ứng được sự kỳ vọng của Chính phủ hai nước.

Chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022 – 2025 được xây dựng trên cơ sở đồng thuận giữa hai Bên với nhiều điểm mới phù hợp với nhu cầu, chức năng nhiệm vụ của các đối tác tham gia chương trình. Nội dung của hoạt động tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trong một số lĩnh vực chính như: pháp luật hình sự, dân sự; pháp luật tố tụng hình sự, dân sự; pháp luật kinh tế, hành chính; thực thi một số điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế; hợp tác đào tạo, tập huấn.

2. Thuận tiện trong tra cứu các quy định pháp luật nhờ Bộ Pháp điển

Ngày 7/10, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Chương trình giới thiệu tài liệu truyền thông tuyên truyền và hướng dẫn cách thức khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển với sự chủ trì của Cục trưởng Hồ Quang Huy.

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Hồ Quang Huy cho biết trong gần 10 năm qua, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, Bộ pháp điển cơ bản đã được hoàn thành với 250/271 đề mục đã được Chính phủ thông qua. Chính vì vậy đây chính là giai đoạn bước đầu của quá trình đẩy mạnh truyền thông, đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống.

Để các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận, khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển ra ngoài xã hội. Bước đầu Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc.

Thông qua Chương trình, Cục trưởng Hồ Quang Huy mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ giới thiệu, lan tỏa các giá trị, ý nghĩa thực tế của Bộ pháp điển tới đông đảo tầng lớp nhân dân để người dân thấy được giá trị, tiện ích của Bộ pháp điển chính thống do Nhà nước xây dựng và có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành. Trên cơ sở đó tiến tới chuẩn bị tổng kết 10 năm triển khai Quyết định 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.

Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển. Bộ pháp điển được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật và được khai thác, sử dụng miễn phí.

Hiện nay, Bộ pháp điển có 45 chủ đề, mỗi Chủ đề có 1 hoặc nhiều đề mục. Trong mỗi đề mục có thể có các Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều, Khoản, Điểm. Kết quả pháp điển đã được Chính phủ thông qua được đăng tại Mục Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn).

Qua việc pháp điển 250/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được gần 08 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 9 nghìn VBQPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.

3. Bắt đối tượng trộm cắp tài sản sau 23 năm lẩn trốn sang Lào

Ngày 29/9/2022, Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế La Lay, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã có Tờ trình gửi Giám đốc Ty An ninh tỉnh Salavan, nước CHDCND Lào và ban chỉ huy công an huyện Sa Muồi đề nghị bắt giữ và chuyển giao đối tượng Hồ Văn Nho cho Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo tờ trình này, khoảng 7h ngày 3/11/1999, Hồ Văn Nho (hay còn gọi là Kôn Từ, SN 1968) là người dân tộc Pa Cô trú tại Bản A Sau, xã A Túc (Lia) huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cùng 5 đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của một người dân tại khu vực biên giới huyện Hướng Hóa rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Sau đó, Công an huyện Hướng Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án và truy nã Nho tội trộm cắp tài sản.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng xác định Nho đang ở cùng con trai tại bản A Voòng, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, nước CHDCND Lào.

Theo đó, Nho cùng hai người con đi theo đạo Tin lành và thường xuyên lôi kéo quần chúng hai bên biên giới vào đạo này nên bị người dân bản A Voòng đuổi ra khỏi bản. Nho cùng hai con đã làm lán ở tại bìa rừng gần bản. Hiện tại, Nho chưa nhập quốc tịch Lào và cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ nước CHDCND Lào.

Nhận được tờ trình, các cơ quan chức năng của nước bạn Lào đã nhanh chóng bắt giữ Nho và bàn giao đối tượng lại cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế La Lay sau 23 năm lẩn trốn.

4. Cách chức nữ phó chủ tịch huyện liên quan “hiến đất” làm đường

Ngày 7/10, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa xác nhận, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm đối với bà Lê Phạm Thùy Ngân vì đã có những vi phạm uy định pháp luật về đất đai.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với bà Lê Phạm Thùy Ngân.

Theo kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục “hiến đất” làm đường không đúng thẩm quyền của UBND cấp huyện, không nghiêm túc chấp hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Đồng thời, vi phạm quy định pháp luật về đất đai khi cho phép 114 trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để tự làm đường, tách thửa và đã tách tổng cộng thành 2.350 thửa với tổng diện tích đất hơn 57ha; để nhiều cán bộ chủ chốt của huyện thiếu gương mẫu, vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Những khuyết điểm, vi phạm nêu trên đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và tính đồng bộ trong quy hoạch trên địa bàn huyện; ảnh hưởng lâu dài đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đến sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận xã hội và nguy cơ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Liên quan đến vụ việc này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Về cá nhân, ngoài bà Lê Phạm Thùy Ngân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Nguyễn Trí Tuân - Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ngoài ra, ông Lê Anh Tùng - Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cam Lâm nhận hình thức kỷ luật cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lương Dự - nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Cam Lâm và ông Nguyễn Hữu Hảo - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2020 - 2025, nguyên Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đọc thêm