1. Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Ngày 1/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tại cuộc tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã thông báo kết quả nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vui mừng phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Cử tri đề nghị tiếp tục tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các vụ án lớn, các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, thận trọng trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm, ngăn các kẽ hở của luật pháp, chính sách mà các cá nhân, tập thể có thể lợi dụng trục lợi.
Trao đổi với đông đảo cử tri 3 quận, Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội cố gắng phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng cùng những giá trị cao quý để đóng góp cho Trung ương, cho đất nước.
2. Thuế giá trị gia tăng chính thức giảm 2%
Ngày 1/7, thuế giá trị gia tăng (VAT) chính thức giảm 2% từ 10% xuống 8% theo Nghị quyết của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; trong đó, quyết định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Việc giảm thuế không chỉ giảm khó khăn cho doanh nghiệp mà chính là giảm chi phí cho người dân, kích cầu trong hệ thống chuỗi giá trị cung ứng. Giảm 2% tuy là không nhiều nhưng thị trường nội địa sẽ có sự phát triển và từ đó giúp tăng nguồn thu.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho hay sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, quyết liệt quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo tập trung thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đôn đốc thu nộp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện chính sách.
3. Nhiều hoạt động tưởng nhớ Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, từ ngày 30/6 - 3/7 nhiều hoạt động kỷ niệm 201 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2023) và 31 năm Ngày Hội truyền thống văn hóa tỉnh (1/7/1992 - 1/7/2023) sẽ diễn ra tại huyện Ba Tri. Hoạt động giúp góp phần giáo dục cho các thế hệ về gương sáng của các bậc tiền nhân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa địa phương gắn với phát triển và thu hút du khách.
Trong sáng 1/7, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri), Ban Phụng tự thực hiện các nghi thức tế tự truyền thống, đọc văn bia và lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm. Sau đó, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú như: diễu hành xe ô tô, mô tô cổ; phiên đấu giá gây quỹ khuyến học mang tên Nguyễn Đình Chiểu, các gian hàng ẩm thực “Chợ quê”; trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, đặc sản Ba Tri; hội chợ giới thiệu việc làm…
Đây là dịp để tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức học tập về thân thế, sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó, động viên nhân dân ra sức thi đua yêu nước, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, tiến bộ, thân thiện. Ngoài ra, sự kiện còn tạo sân chơi lành mạnh góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa địa phương; thúc đẩy, quảng bá hình ảnh vùng đất Bến Tre, thu hút du khách.
4. Đổi mới lộ trình chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, kể từ 13/7 tới, ngành đường sắt tổ chức đón, tiễn tàu Hà Nội - Hải Phòng tại ga Hà Nội vào tất cả các ngày trong tuần, thay vì chỉ thực hiện vào ngày cuối tuần, ngày lễ như hiện nay.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đang tổ chức chạy thường xuyên 8 chuyến tàu khách/ngày. Trong đó, chỉ có 2 chuyến xuất phát và kết thúc tại ga Hà Nội, 6 chuyến còn lại vào ngày thường xuất phát và kết thúc tại ga Long Biên; vào các ngày thứ 7, Chủ nhật hoặc những ngày nghỉ lễ sẽ xuất phát, kết thúc tại ga Hà Nội.
Để tạo điều kiện cho hành khách đi tàu trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, kể từ 00h00 ngày 13/7/2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức cho các đôi tàu LP2/3, LP6/5 được xuất phát và kết thúc tại ga Hà Nội vào tất cả các ngày trong tuần. Trên hành trình, các đoàn tàu này vẫn đón, trả khách tại ga Long Biên.
Các tàu nhận vận chuyến hành lý, xe máy tại các ga có dừng đỗ, thuận lợi cho hành khách mang theo phương tiện di chuyển.
Về giá vé, dao động từ 85.000 - 135.000 đồng/vé/lượt. Tuy nhiên, nếu khách đi đông, đường sắt vẫn áp dụng chính sách mua vé nhóm. Theo đó, khi mua vé tàu chạy các ngày thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần, hành khách mua cho nhóm 8 người chỉ cần trả tiền 6 vé, được tặng 2 vé; mua cho nhóm 4 người, chỉ cần trả tiền 3 vé.
5. Tuyên phạt 20 năm tù đối tượng cướp ngân hàng tại Đà Nẵng
Ngày 1/7, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã mở phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Lê Phú Cao (sinh năm 1991, quê xã Lộc Trị, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là đối tượng đã gây ra vụ cướp ngân hàng táo tợn tại thành phố Đà Nẵng.
Tại phiên xét xử, bị cáo Lê Phú Cao đã khai nhận hành vi phạm tội. Bị cáo cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn, bị cáo muốn có tiền để chứng minh năng lực tài chính, xuất khẩu lao động kiếm một số vốn nên mới chọn cách cướp ngân hàng.
Về trách nhiệm dân sự, bà Bùi Thị Bích Lan, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, Ngân hàng đã nhận lại số tiền 647.642.000 đồng bị đối tượng Lê Phú Cao cướp. Đối với số tiền còn lại là 13.358.000 đồng, bà Bùi Thị Bích Lan yêu cầu, Lê Phú Cao có trách nhiệm bồi thường.
Hội đồng xét xử nhận định, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nguy hiểm, gây dư luận hoang mang, cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài để răn đe và làm gương. Do đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo mức án 20 năm tù giam về tội “Cướp tài sản”; buộc bị cáo tiếp tục có trách nhiệm bồi thường số tiền còn lại cho ngân hàng.