Bản tin tối 03/12: Chất lượng không khí Hà Nội tiếp tục xấu, ô nhiễm thứ 3 thế giới

(PLVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Đan Mạch và Vương quốc Anh; Công đoàn mong muốn giảm giờ làm dưới 48 tiếng mỗi tuần; ... và một số thông tin khác.
Ảnh: Minh họa

Bản tin tối 03/12

  1. Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Đan Mạch và Vương quốc Anh

  2. Công đoàn mong muốn giảm giờ làm dưới 48 tiếng mỗi tuần

  3. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng mức cao nhất trong 3 tháng

  4. Chất lượng không khí Hà Nội tiếp tục xấu, ô nhiễm thứ 3 thế giới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partner (copừn heguwfn) (CIP) của Đan Mạch và lãnh đạo Tập đoàn Enteprize Energy Group (EE) của Vương quốc Anh.

nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP28) tại thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sáng 3/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partner (CIP) của Đan Mạch và lãnh đạo Tập đoàn Enteprize Energy Group (EE) của Vương quốc Anh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động kinh doanh có hiệu quả của tập đoàn trong thời gian qua, trong đó có các dự án phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam; cho rằng CIP và EE có kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và năng lượng mới, rất phù hợp với chủ trương và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này của Việt Nam.

Thủ tướng cho biết kể từ Hội nghị COP26 đến nay, Việt Nam đã triển khai toàn diện nhiều biện pháp để thực hiện cam kết của mình như: xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch Điện VIII 8, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, xây dựng thể chế theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo…

Cùng với đó, Thủ tướng hy vọng các tập đoàn tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nhân lực, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản trị, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, bền vững, bao trùm, tuân thủ đúng pháp luật và người dân được hưởng lợi.

Công đoàn Việt Nam đề xuất các cấp nghiên cứu giảm giờ làm việc của lao động trong doanh nghiệp dưới 48 giờ mỗi tuần, tiến tới 40 giờ, bằng với khu vực nhà nước.

Tám kiến nghị của người lao động cả nước được Công đoàn Việt Nam tập hợp, chuyển tới lãnh đạo cấp cao tại Đại hội công đoàn lần thứ 13, ngày 3/12.

Tổ chức này kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng các bộ ngành sớm nghiên cứu giảm giờ làm của lao động, đảm bảo công bằng với khu vực hành chính nhà nước (40 giờ). Mục tiêu để lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lực, chăm lo cho gia đình.

Tại thảo luận tổ một ngày trước, ông Đặng Tuấn Vũ, Chủ tịch công đoàn Công ty Changshin, doanh nghiệp sử dụng 37.000 lao động, đông nhất Đồng Nai, nói lộ trình giảm giờ làm việc tiến tới 40 giờ mỗi tuần là mong mỏi của nhiều công nhân. Những năm 2015, tiền lương ngày được luật điều chỉnh dần sang nhận lương tháng, lao động trông chờ được giảm giờ làm việc để cuối tuần được nghỉ ngơi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy.

"Tôi biết kiến nghị này không mới, nhưng vẫn mong các cấp ngành quan tâm hơn tới sức khỏe người lao động, ngoài tăng lương tối thiểu vùng", ông nói.

Ngoài giảm giờ làm, Công đoàn Việt Nam còn kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh, từ 2 đến 5/9 hàng năm để công nhân có cơ hội đưa con tới trường trong ngày khai giảng.

Tổ chức này đồng thời kiến nghị khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 cần quy định mỗi năm người sử dụng lao động dành ít nhất một ngày để người lao động được học tập chính trị, pháp luật, khuyến khích các đơn vị thương lượng để có nhiều hơn một ngày.

Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục đi ngang. Trong khi đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu cũng như của Thái Lan tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng nhờ nhu cầu mạnh mẽ.

Đến nay, các tỉnh phía Nam gieo cấy 300.200 ha lúa Đông Xuân 2023 - 2024.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 11, cả nước gieo cấy 7.377.300 ha lúa, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước; đã thu hoạch 6.705.400 ha, giảm 2,2% với năng suất bình quân đạt 61,4 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha. Sản lượng thu hoạch 41,2 triệu tấn, giảm 0,2%.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 655 - 665 USD/tấn từ mức 650 - 655 USD của một tuần trước.

Nhiều trạm quan trắc cho kết quả đo chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu. Ứng dụng IQAir sáng 3-12 xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới.

Sau một ngày không khí trở lại ngưỡng tốt và trung bình do tác động của mưa kèm gió mùa, sáng 3-12, bầu trời Hà Nội tiếp tục bị bao phủ lớp sương và bụi mịn.

Lúc 9h, điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hiển thị chỉ số AQI là 167, mức không khí xấu.

Đáng chú ý chỉ số này đang có xu hướng tăng nhanh trong 4 giờ gần đây.

Lúc 6h cùng ngày, AQI của Hà Nội được Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường ghi nhận là 133, sau đó tăng lên lần lượt là 151, 162 và đạt 167 lúc 9h.

Với chỉ số ô nhiễm không khí trên, cơ quan này cảnh báo những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng thời gian qua, mới đây Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành văn bản đề nghị sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn.

Đọc thêm