Bản tin tối 09/07: Khánh thành Nhà hát Hồ Gươm tại Hà Nội

(PLVN) - Khởi công dự án Khu công nghiệp Gia Bình II; Ra mắt tuyến du lịch thứ 4 Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; và một số thông tin đáng chú ý khác. 

1. Khánh thành Nhà hát Hồ Gươm tại Hà Nội

Sáng 9/7, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm tại phố Hàng Bài quận Hoàn Kiếm TP Hà Nội.

Tới dự lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trí, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội… cùng các lãnh đạo là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng các bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Thành phố Hà Nội…

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân Hà Nội và nhân dân Thủ đô khi vừa có thêm một nhà hát đẹp, hiện đại ở ngay khu vực Hồ Gươm giàu giá trị văn hóa và lịch sử.

Thủ tướng cũng biểu dương tinh thần lao động và nỗ lực của các bên để nhà hát hoàn thành với tiến độ “thần tốc” chỉ trong 22 tháng.

Với quy mô 5.000m2, tọa lạc tại vị trí giàu giá trị văn hóa bậc nhất của thủ đô, cùng trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới, Nhà hát Hồ Gươm hội đủ các điều kiện để trở thành tâm điểm của các sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật, nơi giao lưu, các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến biểu diễn. Nhà hát có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ khắt khe nhất như opera cho đến nhạc giao hưởng, nhạc kịch, Bale-múa, cho tới biểu diễn âm nhạc hiện đại, hội thảo, show truyền hình…

2. Khởi công dự án Khu công nghiệp Gia Bình II

Ngày 9/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự lễ khởi công dự án Khu công nghiệp Gia Bình II (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Dự án Khu công nghiệp Gia Bình II được hình thành trên 4 xã Nhân Thắng, Bình Dương, Thái Bảo, Vạn Ninh (huyện Gia Bình), có quy mô diện tích 250 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.956,8 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công triển khai ngay việc giám sát, thi công khoa học và hoàn thành công trình theo kế hoạch với mục tiêu: chất lượng tốt nhất, an toàn nhất và đảm bảo thời gian thi công. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao các sở, ngành, huyện Gia Bình tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, góp phần đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam sông Đuống.

Nhân dịp này, Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka trao tặng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Quỹ khuyến học huyện Gia Bình với tổng số tiền 1 tỷ đồng.

3. Ra mắt tuyến du lịch thứ 4 Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Ngày 9/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ công bố Tuyến trải nghiệm "Một thời hoa lửa" trong vùng Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và Kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2023).

Tuyến du lịch công viên địa chất thứ 4, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn, phát huy tối đa các giá trị cảnh quan, địa chất, văn hóa, tri thức bản địa gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ về chất và lượng trong các hoạt động khai thác, phát triển du lịch.

Để khai thác tuyến du lịch “Một thời hoa lửa” hiệu quả tích cực, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị các địa phương có liên quan tiếp nhận bàn giao hệ thống cơ sở vật chất, biển bảng, chịu trách nhiệm bảo vệ, duy tu, bảo trì hệ thống cơ sở vật chất. Ngành chức năng tiếp tục phối hợp với chuyên gia UNESCO nghiên cứu triển khai các hoạt động phát triển tuyến trải nghiệm; triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đem lại lợi ích cho người dân địa phương.

Đồng thời các bên liên quan đẩy mạnh truyền thông, quảng bá tuyến trải nghiệm “Một thời hoa lửa” nói riêng, Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nói chung.

4. Khu Du lịch Tam Cốc-Bích Động tạm dừng đón khách

Theo đại diện Ban Quản lý Khu Du lịch Tam Cốc-Bích Động (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), từ ngày 9/7, khu du lịch sẽ tạm dừng đón khách tham quan để thực hiện các hoạt động phục hồi cảnh quan, bảo tồn giá trị Di sản Quần thể Danh thắng Tràng An theo kế hoạch. Đây cũng là thời gian để khu du lịch tập trung sắp xếp, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đón, tiếp khách cho những người lái đò tại đây, đảm bảo phục vụ khách du lịch tốt hơn trong thời gian tới.

Để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện giúp du khách chủ động thời gian khi tham quan du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình đã giao Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tích cực hỗ trợ, hướng dẫn du khách lựa chọn tham quan các điểm du lịch khác của tỉnh trong thời gian Khu Du lịch Tam Cốc-Bích Động tạm dừng đón khách.

Khu Du lịch Tam Cốc-Bích Động do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư và hiện nay đang quản lý, khai thác. Từ ngày 9/7, đại diện doanh nghiệp cho biết sẽ tiến hành triển khai ký hợp đồng lao động với lái đò theo quy định để đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe, quyền lợi cho người lái đò và sự an toàn của du khách.

5. Dự kiến khởi công cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh vào tháng 9/2024

Bộ Giao thông vận tải cho hay, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngày 27/12/2021, sử dụng nguồn vốn ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều sâu đất yếu lớn dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng khi được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế. Chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng do cập nhật khối lượng, đơn giá. Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng tương ứng. Tất cả các yếu tố trên làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án.

Bộ Giao thông vận tải cho hay, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện nay, chủ đầu tư đang tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bộ GTVT cho biết nếu chủ trương đầu tư được phê duyệt điều chỉnh trong tháng 7/2023, Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 8/2023, đàm phán ký Hiệp định vay ODA với Chính phủ Hàn Quốc vào cuối năm 2023. Các công việc liên quan sẽ được triển khai ngay sau đó để khởi công dự án vào tháng 9/2024. Dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027

Đọc thêm