Bản tin tối 16/11
Thống nhất trình Quốc hội lùi thông qua Luật Đất đai
Cung ứng khoảng 5,5 triệu vé máy bay nội địa dịp Tết nguyên đán 2024
Nước lũ rút, đường sắt Bắc - Nam thông tuyến trở lại
Quảng Ngãi: Đèo Vi Ô Lắc sạt lở nặng, xuất hiện loạt vết nứt lớn
Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin tối nay.
Sau đây là nội dung chi tiết:
Sáng 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong 26 nội dung của dự thảo luật, có 6 nội dung đã tiếp thu gọn còn 1 phương án; 5 nội dung Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn còn 14 nội dung có 2 phương án.
Theo ông Thanh, tổng hợp ý kiến Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường cho thấy có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 6; 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng.
Trong khi đó, 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án luật khi còn quá nhiều ý kiến khác. Nhóm ý kiến này đề nghị chưa thông qua dự luật tại kỳ họp thứ 6 này.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc thông qua dự thảo luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Dù vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo luật cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật.
Theo công bố mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong 10 tháng năm 2023, tỷ lệ bay đúng giờ toàn ngành sụt giảm, chỉ có 2 hãng duy trì bay đúng giờ trên 90%.
Theo đó, trong 10 tháng năm nay, toàn ngành hàng không đã khai thác tổng cộng 241.177 chuyến bay, ghi nhận 204.816 chuyến bay đúng giờ đạt 84,9%, giảm so với cùng kỳ năm trước 4,1% (trung bình 10 tháng năm 2022 đạt 89%). Sản lượng khai thác chuyến bay của toàn ngành cũng giảm gần 20.000 chuyến so với cùng kỳ 2022.
Theo thông tin từ Cục Hàng không, trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024 (từ 25/1 – 24/2/2024 (từ ngày 15 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch), các hãng hàng không Việt Nam dự kiến cung ứng xấp xỉ 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế.
Để đảm bảo năng lực vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hãng.
Đại diện Cục cho biết, Cục sẽ triển khai thêm các giải pháp để ổn định thị trường trong giai đoạn tới như: Báo cáo Bộ GTVT sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.Hỗ trợ, khuyến khích các hãng hàng không đảm bảo lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác thông qua việc tìm kiếm các tàu bay thuê ngắn hạn, dừng các hợp đồng cho thuê tàu bay để lấy lại tàu bay.
9 giờ 55 sáng nay (16.11), các đoàn tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đã có thể chạy thông toàn tuyến sau khi nước lũ ngập tại Huế rút đi.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông tin Thừa Thiên-Huế sáng nay giảm mưa, nước rút dần, đảm bảo an toàn chạy tàu nên đoạn đường sắt bị ngập đã được thông tuyến từ 9 giờ 55 phút. Hiện nay, một số đoạn tàu đã có thể chạy với tốc độ 30 km/giờ, trong khi một số đoạn vẫn chỉ đạt tốc độ 5 km/giờ. Nhiều đoạn ray vẫn đang tiếp tục được gia cố. Hôm nay, dù được thông tuyến nhưng các tàu SE3, SE5, SE2 vẫn tạm dừng khởi hành tại ga Hà Nội và Sài Gòn. Hành khách có thể liên hệ trả vé tại nhà ga và không mất phí.
Ngày 16/11, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sáng cùng ngày, Quốc lộ 24 đoạn qua đèo Vi Ô Lắc thuộc địa phận huyện Ba Tơ xảy ra tình trạng sạt lở nặng tại 2 vị trí Km 63+350 và Km 64+400.
Theo đó, mưa lớn khiến lượng lớn đất đá từ các ngọn đồi phía trên bất ngờ sạt lở, trút xuống mặt đường. Đáng chú ý, tại khu vực giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Kon Tum, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài.
Để đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tổ chức chốt chặn ở gần nơi xảy ra sạt lở, nứt mặt đường, không cho người và phương tiện lưu thông.
Ngoài ra, lãnh đạo huyện Ba Tơ đã chỉ đạo lực lượng chức năng, sẵn sàng phối hợp với cơ quan quản lý Quốc lộ 24 triển khai các phương án, khẩn trương khắc phục sạt lở, nứt mặt đường nhằm sớm thông tuyến.