Bản tin tối 17/10: Lương tối thiểu có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024

(PLVN) - Việt Nam đăng cai Hội nghị hàng hải ASEAN, bàn giải pháp phát triển bền vững; Hàng nghìn người dân bị cắt nước sạch: Hà Nội đưa ra giải pháp; ... và một số thông tin đáng chú ý khác.
Giờ tan ca của công nhân Pouyuen, doanh nghiệp đông lao động nhất TP HCM, tháng 5/2023. Ảnh: Như Quỳnh

Bản tin tối 17/10

  1. Việt Nam đăng cai Hội nghị hàng hải ASEAN, bàn giải pháp phát triển bền vững

  2. Lương tối thiểu có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024

  3. Hàng nghìn người dân bị cắt nước sạch: Hà Nội đưa ra giải pháp

  4. Vụ tàu cá bị chìm khiến 15 ngư dân mất tích: Thêm 2 ngư dân được cứu

Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin tối nay.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Sáng 17-10, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức khai mạc hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN (MTWG) lần thứ 45.

Hội nghị hàng hải ASEAN năm nay do Cục Hàng hải Việt Nam làm trưởng nhóm, và đăng cai tổ chức theo cơ chế luân phiên của ASEAN tại TP.HCM. Hội nghị tập trung vào các sáng kiến mới trong phục hồi, phát triển bền vững lĩnh vực giao thông hàng hải sau đại dịch COVID-19.

Đồng thời thảo luận tiến độ thực hiện kế hoạch hành động 2022-2023 về lưu thông hàng hóa và quản lý chất thải từ tàu.

Một số quốc gia tham dự cũng đưa ra nhiều sáng kiến trong ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực giao thông vận tải, hoạt động hàng hải.

Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến khởi động lại thương lượng tăng lương tối thiểu vùng vào cuối tháng 11 nên có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024.

Thông tin với báo chí chiều 17/10, ông Tống Văn Lai, Vụ phó Quan hệ lao động và Tiền lương, cho biết Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay. Dự kiến hết tháng 11, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ bàn bạc về thời điểm và mức tăng.

"Quý IV, Hội đồng mới họp bàn phương án, sau đó khuyến nghị Chính phủ thì chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm 2024", ông Lai nói, điểm lại 10 năm qua lương tối thiểu thường điều chỉnh vào ngày 1/1, riêng năm 2022 vào ngày 1/7.

Theo thông lệ, mỗi kỳ họp hội đồng diễn ra 2-3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I. Song Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.

Khảo sát về đời sống lao động nửa đầu năm 2023 cho kết quả thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

Từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với trước đó. Cụ thể, lương tối thiểu vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng.

Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan điều tiết nguồn cấp ổn định cho khu đô thị Thanh Hà với sản lượng 2.000m3/ngày đêm, lấy từ nguồn Nhà máy nước sông Đuống.

Trước phản ánh về tình trạng nước sạch cấp cho khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) không bảo đảm chất lượng, hàng nghìn người dân chịu cảnh thiếu nước sạch nhiều ngày qua, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp, bảo đảm cấp nước ổn định cho khu vực này.

Theo đó, Công ty Nước sạch Hà Đông được yêu cầu phối hợp với Công ty CP Nước mặt sông Đuống, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cùng các đơn vị liên quan điều tiết nguồn cấp ổn định cho khu đô thị Thanh Hà với sản lượng khoảng 2.000m3/ngày đêm.

Nguồn cấp này được lấy từ nguồn Nhà máy nước sông Đuống với các trạm cấp nước do Công ty TNHH Nước sạch Hà Đông quản lý.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội được đề nghị tăng cường công tác kiểm tra đột xuất chất lượng nước tại khu đô thị Thanh Hà.

Thông tin thêm sáng 17/10, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết sau văn bản của Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty Nước sạch Hà Đông đã trung chuyển nguồn nước từ sông Đuống về khu đô thị Thanh Hà với lưu lượng 800m3/ngày đêm.

Về giải pháp lâu dài, ông Khiển cho biết đến nay, toàn huyện Thanh Oai đã có 10 xã, thị trấn được đáp ứng về nhu cầu nước sạch. Địa phương đã kiến nghị, đề xuất UBND TP Hà Nội và được chấp thuận cho nhà đầu tư là Công ty Viwaco nghiên cứu cấp nước sạch đối với 10 xã còn lại trên địa bàn của huyện giai đoạn 2023-2025.

Đến 11h30 ngày 17/10, lực lượng chức năng tìm kiếm được thêm 2 ngư dân trên tàu cá của Quảng Nam bị sóng đánh chìm, hiện vẫn còn 13 ngư dân mất tích.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay khoảng 11h30 ngày 17/10, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã cứu thêm được 2 ngư dân trên tàu cá QNa 90129 TS.

Hai ngư dân được xác định là Đỗ Văn Hảo và Đặng Minh Vương (trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành), hiện sức khỏe của 2 ngư dân này khá yếu.

Tổng số ngư dân đã được cứu hộ là 80 người, trong đó, ngư dân Huỳnh Thanh Hải (SN 1973, trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành), đi trên tàu cá QNa 90129 TS, đã tử vong.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã huy động 10 tàu của lực lượng chức năng cùng tàu của ngư dân đang hoạt động gần khu vực tiếp tục tìm kiếm người mất tích.

Tỉnh Quảng Nam đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Khu vực 4 và Cảnh sát biển huy động lực lượng hỗ trợ tìm kiếm các ngư dân mất tích.

Trước đó, như đã đưa tin, 2 tàu cá với 93 ngư dân Quảng Nam bị sóng đánh chìm ở vùng biển Trường Sa, rất may được lực lượng chức năng và thuyền của người dân đã cứu được 78 ngư dân, còn 15 người mất tích.

Đọc thêm