Bản tin tối 17/9: Báo động bệnh đau mắt đỏ, ghi nhận trên 6.000 ca mắc

(PLVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến công tác Trung Quốc; Giá cà phê tăng cao kỷ lục, nông dân không có hàng bán; ... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Ngành y tế hỗ trợ các trường học khử khuẩn phòng, chống dịch đau mắt đỏ.

Bản tin tối 17/9


  1. Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến công tác Trung Quốc

  2. Giá cà phê tăng cao kỷ lục, nông dân không có hàng bán

  3. Báo động bệnh đau mắt đỏ, ghi nhận trên 6.000 ca mắc

  4. Thông xe đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin tối nay.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Trưa 17-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã rời Nam Ninh về nước, kết thúc thành công chuyến công tác 2 ngày đến Trung Quốc.

Ngoài tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20, Thủ tướng cũng có các hoạt động song phương khác, trong đó có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Trước đó, ngày 16-9, Thủ tướng có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Lãnh đạo hai nước cùng đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua, nhất là sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vào cuối tháng 10, đầu tháng 11-2022

Giá cà phê trên sàn giao dịch đang ở mức cao kỷ lục nhưng nông dân trồng loại cây công nghiệp này không còn hàng để bán vì hầu hết đã bán sớm vài tháng trước.

Giá cà phê robusta (giống cà phê phổ biến tại Việt Nam) ngày 17-9 tại Đắk Lắk tăng lên mức 66.600 đồng/kg, Lâm Đồng 65.900 đồng/kg, Gia Lai có giá 66.400 đồng/kg, tại Đắk Nông cà phê được thu mua với giá 66.900 đồng/kg.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, đây là mức giá lập đỉnh trong 30 năm qua.

Ông Lê Tất Đỗ - chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai) - cho biết thời điểm này cà phê trong người dân gần như không còn.

Thường sau đầu vụ thu hoạch khoảng 2-3 tháng, tức khoảng tháng 3, tháng 4 haằng năm, thì người dân đã bán hết cà phê.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, giá thu mua cà phê lúc này không ảnh hưởng đến giá thành cà phê thương phẩm: cà phê bột, cà phê hạt đã rang, cà phê bán theo ly…

Giá thành cà phê một phần tham chiếu từ giá thu mua cà phê từ đầu vụ vừa qua hoặc vụ trước. Đó là cách tính của người sản xuất cà phê nhằm ổn định giá bán. Giá thu mua được công bố trên sàn chỉ để tham khảo.

Năm 2023 là năm cà phê nhân có giá xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm, tuy nhiên lượng cà phê trong dân cũng như của doanh nghiệp đã cạn. Do đó, Lâm Đồng kỳ vọng vụ thu hoạch cà phê cuối năm nay.

Theo ông Trần Đình Trọng - giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh cà phê đặc sản - giá cà phê tăng cao về lý thuyết thì người trồng có lãi lớn hơn, tuy nhiên đa số người dân đã bán hết lượng cà phê tích trữ từ mùa vụ 2022.

Theo báo cáo từ ngành Y tế Quảng Bình, trong vòng 1 tuần trở lại đây, bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện tại địa phương và lây lan nhanh, nhất là ở trẻ mầm non và tiểu học.

Quảng Bình đã ghi nhận trên 6.000 ca đau mắt đỏ, tập trung ở 3 địa phương Tuyên Hóa, Bố Trạch và thành phố Đồng Hới. Đa số các bệnh nhân có cùng triệu chứng như: mắt đỏ, chảy nước, ngứa, mi sưng…

Theo các bác sĩ, khả năng cao bệnh là do virus gây ra, nên tính chất bệnh rất dễ lây lan, nhất là ở các trường học.

Những ngày qua, cơ quan y tế tại Quảng Bình đã phối hợp tổ chức giám sát ca bệnh, đặc biệt ở những trường học có số lượng học sinh mắc nhiều; hướng dẫn người dân, giáo viên và học sinh các biện pháp phòng, chống.

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ gia tăng, để chủ động phòng, chống, không để dịch bùng phát, Sở Y tế Quảng Bình đã yêu cầu trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch.

Sáng 17/9, Sở GTVT TP.HCM tổ chức thông xe công trình đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ Nguyễn Thị Định đến Đỗ Xuân Hợp (phường An Phú, TP Thủ Đức).

Tuyến song hành được khởi công năm 2017 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) có chiều dài gần 4km với tổng mức đầu tư 869 tỷ đồng.

Công trình chia làm hai đoạn, quy mô mặt cắt ngang rộng 20m, thiết kế 4 làn xe, nằm bên phải tuyến cao tốc theo hướng di chuyển từ nút giao An Phú đi Long Thành – Dầu Giây. Trên tuyến xây dựng 2 cây cầu (cầu Bà Dạt, cầu Mương Kênh) và vỉa hè, hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng, cây xanh hai bên đường...

Trong sáng nay, đoạn 1 dài hơn 3,2km, nối đại lộ Mai Chí Thọ đến đường Đỗ Xuân Hợp đã chính thức thông xe. Đoạn còn lại dài gần 700m, nối từ đường Đỗ Xuân Hợp đến đường Vành đai 2 hiện đang vướng mặt bằng nên chưa thể hoàn thiện.

Qua đó, Sở GTVT đề nghị các bên liên quan sớm hoàn thành công tác điều chỉnh dự án đầu tư, tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành đoạn còn lại từ đường Đỗ Xuân Hợp đến Vành đai 2, nỗ lực thông xe toàn tuyến trong năm 2024.

Thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp tối nay của radio pháp luật báo plvn. Cảm ơn quý vị thính giả đã quan tâm lắng nghe, xin kính chào và hẹn gặp lại trong các bản tin tiếp theo. Bản tin được thực hiện bởi Tâm Anh.

Đọc thêm