Bản tin tối 19/8: Hoạt động của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại tỉnh An Giang

(PLVN) - Khai mạc chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55; Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại Thanh Hóa; và một số thông tin đáng chú ý khác. 

1. Hoạt động của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại tỉnh An Giang

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2023), sáng 19/8, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu gồm các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dâng hương tưởng niệm tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Cùng tham gia Đoàn có các nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc. Dự lễ dâng hương có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi vòng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống Lực lượng Công an Nhân dân (19/8/1945-19/8/2023), sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, chúc mừng cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh An Giang.

Phát biểu tại đây, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an Nhân dân cả nước nói chung, Công an tỉnh An Giang nói riêng nhân Ngày truyền thống của lực lượng.

Chủ tịch nước nhận xét mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh An Giang đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đồng thời Chủ tịch nước cũng động viên, yêu cầu các cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh An Giang làm tốt công tác, xứng đáng với niềm tin và sự thương yêu của nhân dân.

2. Khai mạc chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55

Sáng 19/8, chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM-55) đã chính thức khai mạc tại thành phố Semarang của Indonesia, với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu.

Tại hội nghị, các bộ trưởng đã chia sẻ thông tin và cập nhật tình hình triển khai các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, các công việc quan trọng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN như Chiến lược ASEAN về trung hòa carbon, chuẩn bị khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số, việc thực thi và nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) cũng như công tác chuẩn bị cho các hội nghị tham vấn giữa Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và các nước đối tác.

Tham gia thảo luận tại hội nghị, Việt Nam đã đóng góp ý kiến tích cực đối với các vấn đề trong hợp tác kinh tế nội khối ASEAN như công tác chuẩn bị cho việc ký kết Nghị định thư thứ 2 sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia/New Zealand, đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN và chuẩn bị cho khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số, qua đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với hội nhập kinh tế khu vực, duy trì vai trò tích cực trong các hoạt động tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 cũng như củng cố các chuỗi cung ứng khu vực.

Theo kế hoạch, tiếp sau hội nghị này sẽ là chuỗi các Hội nghị Tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các nước đối tác đối thoại diễn ra trong các ngày từ 20-22/8.

3. Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại Thanh Hóa

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, Chủ tịch UBND 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Đối với các khu vực đã phát hiện nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, các địa phương phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân. Khi có tình huống xảy ra, các địa phương tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét.

Đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp…, các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các địa điểm nguy hiểm; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét cũng như hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, hư hỏng, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân; triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định cuộc sống cho người dân.

4. Sản phụ tự cắt rốn cho con bằng kéo, hai trẻ sơ sinh bị uốn ván

Ngày 19/8, Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) cho biết trên địa bàn huyện vừa phát hiện hai trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn sau khi hai sản phụ tự cắt rốn cho trẻ bằng kéo sinh hoạt sau khi sinh. Đây là hai trường hợp uốn ván đầu tiên sau hơn 10 năm trên địa bàn không có trẻ bị uốn ván.

Theo kết quả giám sát, xác minh ca bệnh của Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú, đây là hai hai trường hợp mà cả cha và mẹ đều là người dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An vào làm thuê ở huyện Đồng Phú. Trong thời gian mang thai, cả hai thai phụ đều không được khám thai định kỳ và chưa được tiêm vaccine phòng uốn ván, khi sinh lại không sinh ở cơ sở y tế mà sinh ngay tại phòng ở, nhờ người không có kiến thức chuyên môn đỡ đẻ, cắt rốn bằng kéo sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, cột bằng chỉ khâu (đều không được vô khuẩn), không băng bó rốn đúng cách, từ đó dẫn đến cả hai trẻ đều bị nhiễm uốn ván.

Trung tâm Y tế huyện đang tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe của hai trẻ, đồng thời tổ chức tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, nhất là đối với trẻ sơ sinh.

5. Quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng

Ngày 19/8, tại Chợ Nông sản thị trấn Chi Lăng, Ủy ban Nhân dân huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn tổ chức chương trình quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng.

Chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu đặc sản na Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn và các sản phẩm OCOP tới thị trường trong và ngoài nước; thúc đẩy phong trào trồng na và các sản phẩm nông sản nông nghiệp trong nhân dân theo quy trình quản lý tiên tiến. Đây cũng là dịp kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản na Chi Lăng theo hướng phát triển bền vững.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chi Lăng Vi Nông Trường cho biết nhờ phát triển cây na, nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm; nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu, qua đó tạo được sức bật mới về phát triển kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới với nét đặc trưng riêng có của Chi Lăng.

Tại chương trình, Ban Tổ chức đã tiến hành bán đấu giá những trái na đặc biệt của vùng. Số tiền thu về sẽ được sử dụng vào công tác an sinh xã hội, xây cầu dân sinh tại các xã khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn

Đọc thêm