1. Hội thảo quốc tế về Dữ liệu dân cư và Chính phủ số
Ngày 20/10, Hội thảo quốc tế về Dữ liệu dân cư và Chính phủ số với chủ đề “Phát triển và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp” diễn ra tại tỉnh Thái Nguyên.
Hội thảo do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu tại Việt Nam (IDG) tổ chức.
Hội thảo thu hút trên 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp công nghệ số; một số tỉnh, thành phố tiêu biểu trong thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và an toàn bảo mật…
Chia sẻ về nội dung cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nỗ lực cải thiện sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho biết, 9 tháng năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử tại các địa phương đạt 39%; các bộ, ngành là 22%; việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại các bộ, ngành đạt 81%, cấp địa phương đạt 70%.
Theo ông Ngô Hải Phan, việc đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công từ kết quả triển khai Đề án 06 đang có tiến triển tích cực tại các địa phương, bộ, ngành. Hiện 3 bộ và 32 địa phương đã hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết, Dữ liệu quốc gia về dân cư cùng các cơ sở dữ liệu khác đã được kết nối, chia sẻ với 15 bộ ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.
2. Trao đổi kinh nghiệm của Nhật Bản về chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Sáng 20/10, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm của Nhật Bản về chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông dự thảo chính sách, góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 27 - NQ/TW.
Hội thảo có sự tham gia của ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, ông Onishi Hiromichi - Chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, đại diện các đơn vị chức năng của các bộ, ngành, đoàn thể, trung ương, Bộ Tư pháp, đại diện các sởTư pháp các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên,…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới cách thức phổ biến giáo dục pháp luật. Nhiều văn bản được Đảng và Nhà nước ban hành thời gian vừa qua là cơ sở về mặt chính trị pháp lý trong việc tổ chức truyền thông dự thảo chính sách và ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các ngành, các cấp quan tâm được quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, cả nước có 7 Bộ, ngành trung ương và 46 tỉnh, thành đã xây dựng trang thông tin để phổ biến, giáo dục pháp luật, hỏi đáp và pháp luật chủ yếu đăng tải những thông tin về pháp luật, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật.
Tại hội thảo, chuyên gia Nhật Bản Onishi Hiromichi chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc số hóa, liên quan đến cung cấp thông tin về văn bản pháp luật, chính sách như: Cải cách kỹ thuật số, những điều luật, nguyên tắc cơ bản hình thành xã hội số, nguyên tắc số hóa thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, lấy ý kiến công khai, cung cấp những tài liệu liên quan đến giáo dục pháp luật tại Nhật Bản.
3. Quân đội đồng hành, hỗ trợ các hoạt động vì người nghèo
Sáng 20/10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy đã đại diện tiếp nhận số tiền 1 tỷ đồng từ Bộ Quốc phòng ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương.
Các hoạt động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự đồng tình, ủng hộ lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể và người dân.
Trao số tiền ủng hộ đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy cam kết, toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được phân bổ nhanh chóng, đảm bảo công khai, minh bạch để kịp thời hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đang cần giúp đỡ. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trong các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tiếp tục có nhiều hoạt động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mang dấu ấn nổi bật, có sức lan tỏa trên phạm vi cả nước.
4. Bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trưa 20/10, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 13 giờ ngày 20/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,8 độ vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc khu vực bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9. Di chuyển theo hướng nam tây nam với tốc độ khoảng 10km/giờ.
Đến 13 giờ ngày 21/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 107,9 độ kinh đông, trên khu vực phía nam vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới giảm xuống dưới cấp 6. Di chuyển theo hướng nam tây nam với tốc độ khoảng 10km/giờ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6-7, biển động.
Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) sóng biển cao 2,0-3,0m. Toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển trên khu vực này đều chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.