Bản tin tối 23/03: Phát động hưởng ứng Ngày nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch giờ Trái đất

(PLVN) - Hơn 570.000 ô tô được miễn đăng kiểm lần đầu; Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á về số vụ lừa đảo tài chính;... và những tin tức khác.

Đây là bản tin tổng hợp trên pháp luật radio, báo pháp luật Việt Namtối ngày23/3,bản tin có những nội dung chính sau: Phát động hưởng ứng Ngày nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch giờ Trái đất

Hơn 570.000 ô tô được miễn đăng kiểm lần đầu

Vì sao TikTok bị nhiều quốc gia "quay lưng"?

Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á về số vụ lừa đảo tài chính

Bắt 2 nghi can liên quan đến vụ 4 nữ tiếp viên hàng không xách 11 kg ma túy

Sáng 23/3, Bộ TNMT phối hợp với tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ Phát động quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch giờ Trái đất năm 2023.

Sự kiện góp phần lan tỏa thông điệp gắn khí hậu - tài nguyên nước - năng lượng với sự phát triển bền vững.

Năm nay, chủ đề của Ngày nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch giờ Trái đất đều hướng đến sự thay đổi nhận thức và hành động trong vấn đề biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, năng lượng gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Việt Nam chúng ta là quốc gia dễ bị tổn thương bởi thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan, ngày càng khó dự đoán, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng...

vào ngày 25/3 tới, các địa phương trên cả nước đồng loạt hưởng ứng sự kiện giờ trái đất - bằng hành động mang đầy tính biểu tượng là tắt đèn trong 60 phút từ 20h30 đến 21h30.

Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hơn 570.000 ô tô mua mới được miễn đăng kiểm lần đầu trong năm nay.

Với quy định miễn đăng kiểm ô tô mới, chủ xe hoặc người được ủy quyền chỉ cần mang các giấy tờ theo quy định và cung cấp bản cà số khung, số máy.

với việc không cần đưa xe đến để kiểm tra, chủ phương tiện sẽ không mất giá dịch vụ kiểm định, với mức dao động hiện nay từ 250.000 - 570.000 đồng/xe, tùy từng loại xe.

chủ xe vẫn cần nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định, 40.000 đồng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, riêng xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (không bao gồm xe cứu thương) lệ phí này là 90.000 đồng/giấy.

Quy định mới sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời, giảm thời gian, công sức khi không cần đưa xe đến đơn vị đăng kiểm, chờ kiểm định rồi mới được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định.

Là mạng xã hội phát triển nhanh hàng đầu thế giới nhưng TikTok bị Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu... cấm cài đặt, sử dụng các thiết bị của chính phủ hoặc cấm hoàn toàn.

Ít nhất 9 quốc gia và liên minh các quốc gia cấm cài đặt, sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ hoặc cấm hoàn toàn. Vì sao TikTok lại bị nhiều nước quay lưng? Liệu làn sóng tẩy chay TikTok sẽ đi đến đâu?

Mới đây nhất, chính phủ Mỹ đã đe dọa ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải bán cổ phần TikTok cho công ty Mỹ, nếu không sẽ cấm TikTok hoạt động tại Mỹ.

Các cấp lãnh đạo Mỹ cho rằng, nếu TikTok còn thuộc quyền sở hữu của một công ty Trung Quốc thì chỉ có cấm TikTok mới ngăn chặn được "điều mà Mỹ cho rằng" Trung Quốc theo dõi hoặc gây ảnh hưởng đến người Mỹ thông qua TikTok. Theo giới chức Mỹ, TikTok có thể bị ép phải trao thông tin thu thập được từ người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc hoặc bị dùng để cài phần mềm theo dõi, gây hại vào điện thoại của người dùng Mỹ.

Một vài nghiên cứu còn chỉ ra một nguy cơ là do hầu hết người dùng TikTok là trẻ vị thành niên nên có nguy cơ tội phạm sử dụng mạng xã hội này để tiếp cận trẻ em.

Hiện tại, các chính phủ muốn hạn chế TikTok chưa đưa ra được bằng chứng về việc TikTok đang bị lợi dụng để gây hại hay gây ảnh hưởng lệch lạc đến người dùng.

Tuy nhiên, các đoạn mã với chức năng theo dõi của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã bị phát hiện được cài vào 30 trang web của các chính quyền bang ở Mỹ. Năm ngoái, chính ByteDance cũng đã thừa nhận có tiếp cận các thông tin định vị của 2 nhà báo Mỹ để phục vụ mục đích điều tra nội bộ của công ty này.

Theo số liệu của Kapersky, hãng bảo mật này đã ngăn chặn tổng cộng 822.536 lừa đảo tài chính nhắm đến các công ty tại Đông Nam Á trong năm 2022.

Dựa trên một kế hoạch đơn giản là dùng các email hoặc thông báo phỏng theo các tin nhắn từ ngân hàng, tổ chức chính phủ đến nền tảng giải trí…, tội phạm mạng có thể lừa người dùng truy cập một trang web lừa đảo, để lại thông tin tài khoản thanh toán, thông tin cá nhân hoặc thậm chí là tải về các chương trình độc hại.

"Lừa đảo tài chính" không chỉ là lừa đảo ngân hàng mà còn liên quan các hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến. Lừa đảo qua hệ thống thanh toán bao gồm các trang mạo danh thương hiệu thanh toán nổi tiếng như PayPal, MasterCard, American Express, Visa và các trang khác. Cửa hàng trực tuyến bao gồm Amazon, Apple Store, Steam, eBay…

Theo báo cáo của Kapersky, Indonesia có số vụ lừa đảo tài chính cao nhất (hơn 200.000 vụ), Việt Nam đứng thứ hai với hơn 170.000 vụ và Malaysia là hơn 120.000. Thái Lan ghi nhận 100.000 nỗ lực lừa đảo liên quan đến tài chính, tiếp theo là Philippines và Singapore.

Mở rộng điều tra vụ 4 nữ tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy, cơ quan công an đã mời nhiều người có liên quan đến làm việc.

Hôm nay (23/3), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ 4 nữ tiếp viên hàng không mang hơn 11 kg ma túy từ Pháp về Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc, cơ quan công an đã mời, làm việc với nhiều người để mở rộng điều tra, truy xét, xử lý. Cơ quan điều tra cũng đã bắt giữ 2 nghi can có liên quan. Tuy nhiên, danh tính 2 người bị bắt chưa được tiết lộ.

Cảnh sát đang mở rộng vụ án để điều tra, xử lý nghiêm những người có liên quan theo quy định pháp luật.

Thông tin vừa rồi đã kết thúc bản tin của Pháp luật Radio, xin cám ơn quý vị thính giả đã lắng nghe.

Đọc thêm