1. Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Sáng 23/6, với 460/474 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 93,12% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Trước khi biểu quyết thông qua Luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội gồm 10 Chương, 96 Điều (giữ nguyên số Chương và giảm 3 Điều so với Dự thảo Luật đã trình Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV), tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm, sử dụng nguồn vốn nhà nước; bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thích ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tới.
Đối với các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật, thể hiện 9 nhóm hành vi và chỉnh lý các nội dung cụ thể tại Điều 16; bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình nhiều ý kiến được đại biểu Quốc hội nêu; rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật phù hợp về thể thức, kỹ thuật văn bản, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của dự thảo Luật. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.
2. Đề xuất cắt giảm chi phí quản lý với tổ chức thủy lợi để xảy ra vi phạm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ mùa, và phòng, chống úng ngập trong mùa mưa lũ năm 2023, Sở đề nghị các tổ chức thủy lợi phối hợp với các cấp chính quyền kiểm tra, kiên quyết xử lý những vụ việc vi phạm đối với các công trình thủy lợi.
Đồng thời, Sở cũng đề nghị phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến người lao động, tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa không để phát sinh vi phạm mới tại công trình do đơn vị quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để các vụ vi phạm cũ tái diễn, mở rộng quy mô…
Theo thống kê của các tổ chức thủy lợi, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh 131 vụ việc vi phạm pháp luật thủy lợi với những hành vi đóng cọc, đổ đất, san nền, xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, dựng lều lán, trồng cây xanh… vào công trình và vùng phụ cận bảo vệ công trình thủy lợi.
Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhưng đến thời điểm này, các địa phương mới xử lý, giải tỏa 38 vụ phát sinh trong năm 2023 và những năm trước; chưa xử lý dứt điểm, tồn đọng 89 vụ. Địa phương để xảy ra nhiều vi phạm, chưa xử lý dứt điểm là huyện Thường Tín, thị xã Sơn Tây…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng yêu cầu Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, đề xuất cắt giảm chi phí quản lý công trình đối với tổ chức thủy lợi để xảy ra vi phạm, nhưng không kịp thời thiết lập hồ sơ, đôn đốc địa phương xử lý…
3. Thủy điện Trị An phát điện ổn định trở lại
Ngày 23/6, ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An(huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết, khoảng 10 ngày qua, lượng nước về hồ Trị An – hồ thủy điện lớn nhất miền Nam tăng, công trình dần phát điện ổn định trở lại với sản lượng đạt từ 3 đến 5 triệu kwh.
Hiện nay, mực nước ở hồ Trị An là 53,5 m; lưu lượng nước về hồ Trị An từ 300 m3/s - 400 m3/s, lượng nước chạy máy đưa xuống hạ du từ 250 m3/s – 350 m3/s. Lượng nước này vừa đảm bảo phát điện, vừa giúp đẩy mặn cho vùng hạ du. Khu vực phía Nam đang là thời điểm giao mùa, tới đây, mùa mưa chính thức bắt đầu, nước về hồ Trị An tăng mạnh, lúc đó công trình sẽ tăng cường phát điện với sản lượng khoảng 9 triệu kwh.
Theo ông Võ Tấn Nhẫn, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mùa khô kéo dài, nên từ cuối tháng 4 đến tháng 5/2023, mực nước tại hồ Trị An xuống rất thấp, nhiều thời điểm tiệm cận mực nước chết (mực nước chết là 50 m). Trong hoàn cảnh đó, thủy điện Trị An phải giảm công suất phát điện nhưng vẫn đảm bảo xả nước đẩy mặn cho hạ du.
Mới đây, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đã có văn bản cảm ơn Công ty Thủy điện Trị An phối hợp hỗ trợ xả nước đẩy mặn trong mùa khô 2023.
Việc xả nước của hồ Trị An giúp duy trì chất lượng nước mặt trên sông Đồng Nai ổn định, nhờ đó, đảm bảo an toàn trong khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng.
4. Đưa đặc sản vùng miền đến với người dân Thủ đô
Ngày 23/6, Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Thương mại Mê Linh Plaza, quận Hà Đông, đã thu hút trên 45 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố tham gia.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết sự kiện này có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội, đồng thời giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, phát huy tinh thần tự lực, tự cường.
Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội, tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói thân thiện... để đưa vào kênh phân phối hiện đại, không những tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn có nhiều cơ hội để giới thiệu, đưa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài như Nhật Bản , Thái Lan …
Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội diễn ra đến hết ngày 27/6.
5. Ổn định an ninh trật tự tại bãi nghêu giống ở xã Đất Mũi
Ngày 23/6, đại diện Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau xác nhận, những ngày gần đây, tại khu vực ven biển Trương Phi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) có rất đông người dân dùng phương tiện khai thác nghêu giống trái phép, tiềm ẩn nguy cơ gây phức tạp an ninh trật tự.
Cụ thể, từ ngày 17/6 đến nay, mỗi ngày có khoảng 100 phương tiện khai thác nghêu giống tại khu vực trên. Riêng ngày 19/6, có 94 phương tiện vào khai thác trong khu nuôi nghêu thương phẩm của Hợp tác xã nghêu Đất Mũi.
Đại diện Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Đồn Biên phòng Đất Mũi, Hợp tác xã nghêu Đất Mũi đã có mặt, trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân không khai thác nghêu giống trong khu vực nuôi nghêu của Hợp tác xã nhưng không hiệu quả. Đa phần các hộ dân đang khai thác nghêu giống trái phép đều là những hộ nghèo ở địa phương nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Hiện lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động những hộ này dừng khai thác trái phép nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã đề nghị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo lực lượng chuyên môn bám sát địa bàn, hỗ trợ đơn vị xử lý kịp thời khi phát sinh tình huống. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Ngọc Hiển chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan, UBND xã Đất Mũi hỗ trợ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tuyên truyền, vận động người dân sinh sống trên địa bàn không được khai thác nghêu giống trái phép, đồng thời tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi sát tình hình… để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp gây mất an ninh trật tự (nếu có), tránh để phát sinh điểm nóng.