Xin kính chào quý vị thính giả, quý vị đang nghe bản tin radio tổng hợp trên pháp luật Radio, báo pháp luật Việt Nam
Sau đây là những tin chính Lĩnh án 8 năm tù vì phát tán thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội
Vụ ngộ độc tại trường Ischool Nha Trang: Nhiều phụ huynh Hà Nội đắn đo khi cho con ăn bán trú
Cảnh báo nguy cơ đột quỵ não ở người trẻ
Biểu diễn văn nghệ trong trường học: Đừng “quên” giá trị tích cực
Mới đây, TAND tỉnh Thanh Hóa vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Bùi Văn Thuận (SN 1981), quê quán ở xã Bảo Hiệu, Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình), đăng ký thường trú tại phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) về tội “Tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2016 đến tháng 8/2021, Bùi Văn Thuận là người tạo lập, quản trị và sử dụng tài khoản facebook “Thuan Van Bui (Cha già Dân tộc)” để đăng tải, chia sẻ, phát tán nhiều bài viết có nội dung xúc phạm uy tín, danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương; xuyên tạc, bịa đặt, suy luận vô căn cứ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, kích động chống phá, gây hoang mang trong quần chúng Nhân dân.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Thuận 8 năm tù giam và áp dụng hình phạt bổ sung quản chế trong thời hạn 5 năm, tước quyền công dân, quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước thời hạn 5 năm kể từ ngày bị cáo chấp hành xong hình phạt tù.
Có 2 con học tiểu học và đều ăn bán trú, chị Nghiêm Thuý Hường (quân Đống Đa) băn khoăn. "Vụ ở trường Ischool Nha Trang biểu hiện ngộ độc đã rõ. Còn những trường hợp thực phẩm bị ôi, thiu mà các con ăn ít nên không biểu hiện hoặc bị thoáng qua thì cũng khó mà phát hiện được bữa ăn đó có đảm bảo hay không. Nếu bữa ăn không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, lâu dài mà nhà trường không phát hiện ra hoặc lơ là kiểm soát thì rất nguy hiểm đối với sức khoẻ các con", chị Hường nói.
Chị Hường cho biết thêm, phụ huynh rất muốn đột xuất kiểm tra quy trình chế biến và chất lượng suất ăn bán trú của các con để biết các con ăn có đảm bảo dưỡng chất, có an toàn không. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, việc này không dễ thực hiện.
Chị Nguyễn Phương, mẹ 1 bé gái đang theo học tại 1 trường quốc tế ở Hà Nội tỏ vẻ bức xúc: "Vai trò của nhà trường ở đâu mà để xảy ra việc 1 cháu tử vong, hơn 600 cháu phải đưa vào viện do ngộ độc thực phẩm khi ăn tại trường? Bữa ăn cho trẻ em mà giá 70.000 đồng thì nguyên liệu không thể thế nào cũng được. Vụ ngộ độc này chứng tỏ nhà trường đã không sát sao trong việc giám sát đồ ăn thức uống, đầu vào của sản phẩm. Cuối tháng 8 vừa qua, con tôi cũng có hiện tượng ngộ độc thực phẩm khi ở trường về, đau bụng, buồn nôn, rồi con đi ngoài nhiều ngày. Lớp của con cũng nhiều cháu bị biểu hiện đau bụng âm ỉ, đi ngoài nhiều ngày. Con tôi sau bữa đó không dám ăn nhiều, con bảo đồ ăn không ngon và nói sợ đồ ăn của trường. Phụ huynh đã phản ánh và nhà trường cũng nói rút kinh nghiệm, coi thế là xong".
"Theo tôi, các đoàn thanh tra thực phẩm cần thanh tra, kiểm tra liên tục các bếp ăn của nhà trường để phát hiện, xử lý kịp thời nếu có hiện tượng thực phẩm không đảm bảo đưa vào trường học, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho tập thể học sinh trong trường", chị Phương nêu quan điểm.
Đề cao vấn đề an toàn thực phẩm trong nhà trường, chị Hoàng Thanh Vân có con học theo học tại một trường trên địa bàn quận Long Biên cũng mong muốn lãnh đạo các trường, các cấp sẽ chú ý nhiều hơn trong phục vụ suất ăn bán trú cho học sinh, đặc biệt, là khâu nhập khẩu nguyên liệu, chế biến và bảo quản món ăn.
Chị Vân cho biết: "Gia đình tôi quyết định cho con ăn bán trú ở trường vì thứ nhất là cho con tự lập, được sống tự giác và có tập thể. Thứ hai là bố mẹ cũng đi làm không đón được con, để con về ăn trưa vội vàng không được nghỉ ngơi thì không ổn.
Tuy nhiên, sau sự việc ở Nha Trang tôi và cả gia đình đều rất lo lắng. Hiện tại ban giám hiệu nhà trường chưa xin ý kiến phụ huynh về việc giám sát bữa ăn của các con. Nhưng trong thâm tâm, tôi nghĩ các phụ huynh khác cũng như tôi muốn có tổ giám sát, kiểm tra thường xuyên việc phục vụ suất ăn tại trường, không để xảy ra sự việc đau lòng như ở Nha Trang".
Anh Đỗ Đình Vũ (Lê Quang Đạo, Nam Từ Liêm) cho rằng, để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên tự chuẩn bị bữa trưa để con đem theo đến trường. "Tôi thấy học sinh tiểu học ở nước ngoài mang đồ ăn trưa đi theo học rất phổ biến, mặc dù trường cũng có phục vụ đồ ăn trong canteen. Việc này vừa đảm bảo an toàn thực phẩm lại vừa tập cho trẻ tính tự lập cao. Tôi mong rằng ở Việt Nam các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc và áp dụng và trường tạo điều kiện theo cách này", anh Vũ nói.
Tai biến mạch máu não là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới với tỷ mắc ngày càng cao và có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây.
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) mới kịp thời cấp cứu, điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết, thành công cứu sống một bệnh nhân 36 tuổi bị nhồi máu não cấp giờ thứ nhất.
Trước nhập viện 1 tiếng đồng hồ, bệnh nhân N.T.H (36 tuổi, trú tại TP Hạ Long) có biểu hiện thất ngôn, liệt hoàn toàn nửa người phải, liệt cơ mặt phải. Ngay khi được người nhà chuyển đến cấp cứu, các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.
Sau 30 phút dùng thuốc, bệnh nhân đã cải thiện cơ lực tốt, tỉnh táo trở lại, nửa người phải dần cử động được.
Đến nay sau 3 ngày điều trị phục hồi chức năng, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, nói chuyện, vận động và sinh hoạt bình thường.
Bệnh viện Bãi Cháy thông tin, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 20% bệnh nhân trẻ tuổi trong tổng số bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, với đa dạng các thể như nhồi máu não, xuất huyết não… Đây là con số đáng báo động, khi nhiều người trẻ hiện có thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, khoa học, stress, áp lực công việc, căng thẳng thần kinh, ít vận động, lạm dụng thuốc lá, rượu bia, thức khuya…
Bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Tuyền – Trưởng đơn nguyên Cấp cứu của bệnh viện cho biết: “Nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, gây hoại tử và chết khu vực não không được cung cấp máu, dẫn đến các chứng đột quỵ và có thể tử vong".
Trước thực trạng tai biến mạch máu não có xu hướng tăng ở người trẻ tuổi, các bác sĩ khuyến cáo người trẻ không nên chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.
Người trẻ nên tạo nếp sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn…, thể thao nâng cao sức khỏe…
Khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… cần phải đưa người bệnh ngay đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất (dưới 4,5 tiếng) để có thể sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết. Tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà.
Tổ chức biểu diễn văn hóa - nghệ thuật cho học sinh, sinh viên cần cân nhắc kĩ lưỡng nhiều mặt, trong đó có cả lối sống của người biểu diễn, không phải “sao cũng được”.
Mới đây, một trường đại học tại TP HCM đã vấp phải phản ứng của sinh viên khi thông báo mời nữ ca sĩ H.H biểu diễn trong ngày hội tân sinh viên. Lý do được cho là liên quan đến scandal quan hệ thiếu chuẩn mực của nữ ca sĩ này. Trước phản ứng dữ dội của sinh viên trong trường và sức ép dư luận, nhà trường đã phải ngừng hợp đồng với ca sĩ này ngay trước khi sự kiện diễn ra.
Trước đó, một trường đại học khác cũng mời một nam ca sĩ có scandal hành xử thiếu chuẩn mực đến trường để biểu diễn âm nhạc cho sinh viên. Dù sinh viên “có ý kiến” nhưng đêm nhạc vẫn diễn ra. Cũng có trường hợp nghệ sĩ có phong cách ăn mặc phản cảm được mời biểu diễn cho học sinh tại một trường cấp 3. Khi biểu diễn trước hàng ngàn em nhỏ, nghệ sĩ trên vẫn ăn mặc rất hở hang, khiến nhiều phụ huynh không đồng tình.
Tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại các trường học là hoạt động tạo niềm vui, kết nối cho học sinh, sinh viên. Người tổ chức dù để tạo không khí vui vẻ cũng không nên “quên” cân nhắc các yếu tố cần thiết như tính giáo dục, tính chuẩn mực. Ngay cả các tiết mục văn nghệ do học sinh, sinh viên biểu diễn trong trường đôi khi sa vào tính “giải trí” quá mức, đi đến giới hạn phản cảm như nữ sinh trên sân khấu ăn mặc “lố lăng”, nhảy múa như trong vũ trường.
Sự việc trường đại học mời nữ ca sĩ H.H biểu diễn và bị huỷ vào phút chót có thể coi là bài học trong việc tổ chức biểu diễn văn nghệ tại các trường học.
Thời gian qua, nhiều trường học tại các thành phố lớn đã có những hoạt động văn nghệ, giải trí khá chuyên nghiệp. Các trường thường “chiều” thị hiếu học sinh, sinh viên bằng việc mời các nghệ sĩ trẻ đang “hot” đến biểu diễn. Tuy nhiên, khi xem xét để tổ chức chương trình, đôi khi người tổ chức chỉ quan tâm đến tiêu chí phù hợp lứa tuổi, độ nổi tiếng hay giá cát xê mà quên cân nhắc sự thích hợp về mặt tư cách, lối sống. Nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu của trường học không chỉ đơn thuần là “biểu diễn nghệ thuật” mà có thể là những “thần tượng”, những người có sức ảnh hưởng lớn đến hành xử, lối sống của các em. Chính vì thế, cần thiết phải lựa chọn những người không chỉ tài năng, nổi tiếng mà còn có lối sống chuẩn mực, xứng đáng là tấm gương để xuất hiện trước các em.
Các tiết mục được dàn dựng tại các trường học cũng thế, không chỉ cần để ý đến tiết mục có vui, có sôi động, theo trào lưu, tạo hiệu ứng hay không mà cần cân nhắc có phù hợp lứa tuổi, có đem lại những giá trị tích cực cho học sinh, sinh viên hay không.
Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã có những hoạt động giải trí ý nghĩa như tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống của dân tộc cho học sinh, sinh viên. Đơn cử hoạt động biểu diễn tuồng, chèo, cải lương, chầu văn cho giáo viên, học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn TP HCM trong những năm gần đây.
Nhiều trường học đã phối hợp với các sân khấu truyền thống để tổ chức cho học sinh xem những vở kịch lịch sử, dã sử nhằm giúp các em có tình yêu với lịch sử, văn học nước nhà…
Những hoạt động giải trí, văn nghệ tại trường học chính là cơ hội thiết thực để học sinh, sinh viên được thụ hưởng thêm nhiều giá trị về tinh thần, được học hỏi thêm kiến thức trong nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác, trau dồi thẩm mỹ, lối sống... Đừng lãng phí những cơ hội tuyệt vời ấy bằng những buổi biểu diễn theo trào lưu, phản cảm và “đầu độc” tâm hồn các em.
Thông tin trên đã kết thúc bản tin của pháp luật radio, xin cám ơn quý vị thính giả đã lắng nghe. Bản tin được thực hiện bởi Việt Tùng