1. Khám sức khỏe, sàng lọc bệnh lao cho bà con vùng cao sau lũ
Để hỗ trợ cho người dân xã vùng cao sau đợt bão lũ vừa qua, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khoẻ, cấp phát thuốc miễn phí kết hợp khám sàng lọc bệnh Lao cho người dân xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải, Yên Bái). Tại Chương trình khám sức khoẻ, sàng lọc bệnh lao, đông đảo bà con nơi đây, từ các em bé đến những người già trong xã, đã đến để được thăm khám sức khỏe.
Qua buổi khám, ngoài việc tư vấn sức khoẻ và cấp thuốc miễn phí cho người dân, đoàn khám còn chụp X-Quang, làm điện tim cho gần 200 người dân xã Hồ Bốn cùng trường hợp cần thiết khám sàng lọc bệnh lao và các bệnh về phổi cho người dân nhằm phát hiện bệnh kịp thời đưa vào quản lý và điều trị cho người dân một cách tốt nhất.
Việc tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khoẻ, cấp phát thuốc miễn phí kết hợp khám sàng lọc bệnh lao cho người dân vùng cao nhằm góp phần san sẻ, động viên bà con vượt qua khó khăn khó sau thiên tai, bão lũ, đặc biệt là chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, trong đó có bệnh lao và các bệnh về phổi. Việc tăng cường phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng cũng là một nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình Chống lao Quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương đang thực hiện, nhằm tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã dành tặng Trạm Y tế xã Hồ Bốn một số loại thuốc thiết yếu và trang thiết bị y tế nhằm ổn định công tác, tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn với tổng giá trị trên 50 triệu đồng; tặng 10 suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị 500.000 đồng.
2. Nhiều điểm tại Hà Nội chất lượng không khí ở mức không tốt
Sáng 26/8, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), chất lượng không khí tại Bắc Bộ phần lớn ở mức tốt, ngoại trừ Thủ đô Hà Nội có 1 điểm ở mức có hại và 5 điểm ở mức không tốt cho sức khỏe.
Theo đó, điểm đo có chỉ số không khí ở mức có hại cho sức khỏe tại Hà Nội là Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội (quận Cầu Giấy), có chỉ số 153. Tại mức chỉ số chất lượng không khí từ 151-200, người dân có thể cảm nhận được các ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhóm người nhạy cảm với ô nhiễm không khí bị ảnh hưởng nặng hơn.
Theo các chuyên gia khí tượng, miền Bắc đang bước vào mùa Thu, hiện tượng sương mù có khả năng còn xuất hiện nhiều ngày, tập trung vào thời điểm tối, đêm và sáng sớm ở khu vực Bắc Bộ. Hiện tượng này làm giảm tầm nhìn, có khả năng gây nguy hiểm đến giao thông, đặc biệt trên các đường quốc lộ, các khu vực sân bay và lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí.
Để hạn chế tác hại của sương mù, người dân khi ra đường cần sử dụng khẩu trang y tế để ngăn ngừa khí độc trong sương, giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt, không phơi quần áo ngoài trời để qua đêm.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra văn bản đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...
3. Trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại tỉnh Bến Tre
Nhân kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 26/8, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức trao tặng 5 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại địa phương. Đây là hoạt động trong chương trình "Màu hoa đỏ" năm 2023 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện. Chương trình "Màu hoa đỏ" hỗ trợ cho 5 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, tổng kinh phí xây dựng nhà 400 triệu đồng.
Theo bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, công tác chăm lo cho gia đình chính sách khó khăn luôn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp trong tỉnh hết sức quan tâm. Sự chung tay góp sức, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã giúp Bến Tre tăng thêm nguồn lực để chăm lo cho gia đình chính sách khó khăn, người nghèo và công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Do điều kiện, khả năng của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn lại nằm trong vùng thường xuyên phải hứng chịu thiên tai cũng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện toàn tỉnh có hơn 2300 hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến đề nghị, Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện đúng cam kết với các đơn vị tài trợ, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí tài trợ đúng mục đích, giúp các hộ gia đình nhanh chóng có được nơi an cư để tập trung phát triển kinh tế.
4. Lâm Đồng: Sập cầu Tà Năng 2, giao thông bị chia cắt
Sáng ngày 26/8, chiếc xe bồn trộn bê tông của một công ty trên địa bàn huyện Đức Trọng lưu thông hướng từ xã Đà Loan về xã Tà Năng. Khi xe bồn đi đến giữa cầu thì bất ngờ mặt cầu bị gãy khiến chiếc xe bị lật ngược xuống suối. Rất may thời điểm xe bị lật, tài xế xe bồn đã kịp thoát ra ngoài nên không có thiệt hại về người. Sự cố khiến cây cầu bị hư hỏng hoàn toàn, không thể lưu thông.
Trước đó, ngày 19/6, cầu Tà Năng 2 cũng bị gãy hệ khung pano và dầm dọc phía bên trái, hệ khung pano phía bên phải bị uốn cong, mặt cầu sập nghiêng về phía hệ khung pano bên trái. Nguyên nhân xác minh ban đầu là do chiếc xe ben chở vật liệu xây dựng vượt quá tải trọng cho phép của cầu. Cầu Tà Năng 2 tải trọng 10 tấn, xe có trọng lượng toàn bộ khoảng 27 tấn.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ việc. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố gãy cầu Tà Năng 2 nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân trong khu vực. Các đơn vị phân luồng giao thông, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông như bố trí rào chắn, biển báo hiệu, đèn tín hiệu, hướng dẫn người dân di chuyển an toàn, thuận lợi qua đoạn đường xảy ra sự cố.
5. Hạn chế giao thông trên sông Cần Thơ để hợp long cầu Trần Hoàng Na
Để phục vụ cho việc hợp long cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, Chi cục Đường thủy Nội địa khu vực III (Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam) đã phát đi thông báo về việc hạn chế giao thông thủy trên sông rạch Cần Thơ.
Giao thông thủy trên sông Cần Thơ qua khu vực cầu Trần Hoàng Na sẽ cấm luồng vào ba đợt. Đợt một từ ngày 26-27/8, đợt hai từ ngày 15-16/9 và đợt ba từ ngày 19-20/9. Thời gian cấm luồng mỗi ngày sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ.
Theo Chi cục Đường thủy Nội địa khu vực III, tại khu vực thi công cầu Trần Hoàng Na có bố trí hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng điều tiết khống chế đảm bảo giao thông thủy. Các phương tiện khi lưu thông đến khu vực này phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng đảm bảo an toàn giao thông thủy.
Ban Quản lý Dự án ODA thành phố Cần Thơ Na cho biết tiến độ thi công cầu đã hoàn thành hiện trên 88% khối lượng. Cây cầu hoàn thành sẽ góp phần giải quyết hiệu quả việc kết nối giao thông đô thị giữa Quốc lộ 1A và các tuyến đường trung tâm của thành phố Cần Thơ, giảm tải lưu lượng xe đi qua các tuyến đường chính của thành phố, góp phần giảm ách tắc giao thông vào giờ cao điểm.