1. "Vấn đề cấp bách, chuẩn bị kỹ mới trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường"
Tổng Thư ký Bùi Văn Cường đề xuất 2 phương án tổ chức kỳ họp bất thường. Phương án 1 là trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12/2022 thì đề nghị tổ chức họp tập trung sau Tết Nguyên Đán (trong tháng 2/2023).
Sáng nay 28/11, tại phiên họp thứ 17, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội và bước đầu chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo phương án 2, trường hợp toàn bộ nội dung được xem xét xong trong tháng 12/2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước Tết Nguyên Đán (đầu tháng 1/2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung hoặc trực tuyến cả kỳ.
“Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy trường hợp tổ chức kỳ họp vào tháng 1 sẽ rất gấp, hơn nữa thời điểm tổ chức sát Tết cổ truyền. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lựa chọn phương án 1” – ông Bùi Văn Cường nêu quan điểm.
Ông Bùi Văn Cường cho biết, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội các nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ 2. Đó là xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm: giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022).
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện đã cho ý kiến bằng văn bản và cho rằng đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý hỗ trợ/thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
Về 3 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Chính phủ chưa có đề nghị bổ sung các dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023 nên Tổng Thư ký đề nghị Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14), theo ông Bùi Văn Cường, Chính phủ đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2 do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị.
Báo cáo tại phiên họp về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM ngày 27/11, TP.HCM đề nghị trình để Quốc hội xem xét, cho thí điểm chính sách mới thay thế cho Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường sắp tới. “Tại cuộc làm việc hôm qua thì thấy rằng TP.HCM đang vướng mắc rất nhiều, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Do đó, TP.HCM đề nghị xem xét các chính sách mới tại kỳ họp bất thường để tháo gỡ vướng mắc cho TP”, ông Trần Văn Sơn nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu Chính phủ đề nghị bổ sung thì ủng hộ, nhưng quan trọng chuẩn bị có kịp hay không vì còn thẩm tra, cho ý kiến trước khi ra Quốc hội.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Kỳ họp thứ 4 đã thành công tốt đẹp với nhiều đổi mới. Tuy vậy, ông đặt vấn đề nên chăng sau mỗi kỳ họp cần tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai để các luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống cũng như có những vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Về chuẩn bị cho kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia là nội dung quan trọng nhất, do đó cơ quan được giao phụ trách chuẩn bị cần sát sao.
Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 4 được đánh giá là thận trọng, chính xác và đúng đắn.
“Nhưng giá như thông qua tại kỳ họp vừa rồi thì tốt. Có vấn đề gì cần phải rút kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị không? Chỉ còn một tháng nữa thì trình Quốc hội được chưa? Chính phủ, các bộ ngành phải tập trung vào làm. 6 tháng mà chuẩn bị không đến nơi đến chốn thì cũng không xong, nhưng một tháng mà chuẩn bị tốt thì vẫn kịp” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, không nên tổ chức kỳ họp bất thường sau Tết Nguyên đán vì quá trễ, ảnh hưởng đến kỳ họp giữa năm.
Thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chủ tịch Quốc hội rằng sau kỳ họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai để đảm bảo luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Lưu ý thời gian không còn nhiều, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị nội dung để các cơ quan của Quốc hội kịp thẩm tra, trình UBTVQH cho ý kiến.
“Càng tổ chức muộn kỳ họp bất thường thì càng ảnh hưởng đến hiệu lực của biện pháp cấp bách” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh và đề nghị nên tổ chức kỳ họp vào ngay đầu tháng 1/2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, sau kỳ họp mà tổ chức được hội nghị quán triệt, triển khai thì rất tốt, nếu không ít nhất cần có kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được luật giao.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh kỳ họp bất thường chỉ xem xét, quyết định vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao. Cái gì chưa cấp bách hay chuẩn bị chưa kỹ thì chưa đưa vào xem xét. Trên cơ sở chuẩn bị, kỳ họp có thể được tổ chức vào đầu tháng 1/2023.
2. Phân bổ 88,6 triệu USD cho 16 tỉnh đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở
Tiếp tục chương trình phiên họp 17, chiều nay 28/11, UBTVQH xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Sau khi thảo luận, UBTVQH biểu quyết tán thành với phương án phân bổ 7.497,732 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 CTMTQG cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Trong đó, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 2.497,732 tỷ đồng; CTMTQG giảm nghèo bền vững là 2.000 tỷ đồng; CTMTQG xây dựng nông thôn mới là 3.000 tỷ đồng.
UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với số chưa phân bổ 444,407 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ, trình UBTVQH theo đúng quy định.
UBTVQH cũng nhất trí cho phép bố trí kế hoạch vốn nước ngoài 88,6 triệu USD (tương đương 2.050 tỷ đồng) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2021-2025 cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở.
Thống nhất phương án phân bổ chi tiết số vốn KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn nước ngoài của NSTW là 2.050 tỷ đồng cho các địa phương theo đề xuất của Chính phủ.
Theo đề xuất cụ thể của Chính phủ, đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì phân bổ 2.138,811 tỷ đồng cho ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên minh Hợp tác xã để thực hiện một sổ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 và Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021
Phân bổ 358,921 tỷ đồng bổ sung cho các địa phưong thực hiện Nội dung số 02 “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý” thuộc Tiểu dự án 2 Dự án 3; Nội dung “Hỗ trợ thiết lập các điểm hồ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự” thuộc Tiểu dự án 2 Dự án 10 của Chưong trình.
Chưa phân bổ 444,407 tỷ đồng, số vốn này dự kiến để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất cho 2 trường (Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80). Chính phủ báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bố, giao kế hoạch số vốn này sau khi hoàn thành việc rà soát, bàn giao, tiếp nhận quản lý 2 trường hoàn thành theo quy định.
Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, phân bổ 2.000 tỷ đồng vốn còn lại cho 17 tỉnh thực hiện đầu tư một số công trình giao thông liên xã trên địa bàn 22 huyện nghèo theo quy định tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với 3.000 tỷ đồng còn lại của CTMTQG xây dựng nông thôn mới, sẽ phân bổ 2.050 tỷ đồng cho 45 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi.
Phân bổ 300 tỷ đồng cho 30 tỉnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.
650 tỷ đồng dành cho các tỉnh để thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong quá trình triển khai Chương trình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ
Về phương án phân bổ 88,6 triệu USD (tương đương 2.050 tỷ đồng) vốn nước ngoài cho các địa phương, Chính phủ trình phân bổ cho 16 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.
Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
3. 42 hộ dân tại khu nhà gỗ số 7 Chương Dương di dời để xây trường học
Ngày 28/11, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, công tác thu hồi nhà đất đối với các hộ dân tại khu nhà gỗ số 7 phường Chương Dương để thực hiện dự án tái định cư và Dự án xây dựng Trường Mầm non Mặt trời bé thơ đã thành công, đạt hiệu quả cao.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đây là dự án đầu tư công, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với mục tiêu là nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; đồng thời nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn 2 phường Chương Dương, Phúc Tân.
Áp dụng chính sách do UBND thành phố phê duyệt, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành các Quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với 42/42 hộ dân tại khu nhà gỗ số 7 phường Chương Dương. Kết quả thực hiện, đã có 40/42 hộ dân chấp hành di dời và bàn giao mặt bằng; còn lại 2/42 hộ dân không thống nhất với phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, chưa chấp hành di chuyển. Hai hộ trên đã nêu các lý do không có cơ sở để xem xét giải quyết.
UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành 2 Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 2 hộ dân đang sử dụng nhà, đất tại khu nhà gỗ số 7 phường Chương Dương để thực hiện dự án.
Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm cùng các đơn vị kiên trì công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục các hộ dân để trao đổi và lắng nghe tâm tư từng hộ.
Lực lượng chức năng cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, giải thích với 2 hộ dân thuộc diện thu hồi đất đã được thực hiện. Nhờ vậy, 2 hộ ban đầu không đồng thuận thì đến ngày 22/11/2022 đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ (trong đó: 1 hộ nhận nhà tái định cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên và đã bàn giao mặt bằng, còn 1 hộ nhận tiền hỗ trợ tự lo tái định cư và cam kết bàn giao mặt bằng trước ngày 12/12/2022).
Như vậy, toàn bộ các hộ dân tại khu nhà gỗ số 7 phường Chương Dương đã thống nhất chấp hành di chuyển và không phải tổ chức thi hành thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi đất.
Theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, đây sẽ là tiền đề thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng tại các khu nhà gỗ còn lại trên địa bàn phường Chương Dương.
4. Đã có thuốc nhắm đích điều trị ung thư máu được bảo hiểm thanh toán
Thông tin với phóng viên bên lề Hội thảo khoa học Huyết học và truyền máu toàn quốc, TS Bạch Quốc Khánh, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, để điều trị ung thư máu đã có các phương pháp điều trị khác nhằm tăng tác dụng chính, đặc hiệu và ít tác dụng phụ ra đời.
Theo TS Bạch Quốc Khánh, trong tương lai 2 phương pháp sử dụng thuốc nhắm đích và tế bào trị liệu sẽ thay thế điều trị hóa chất. Tại Mỹ, một số phác đồ đã hoàn toàn dùng thuốc nhắm đích mà không có hóa trị.
Với thuốc nhắm đích khi đưa vào người sẽ nhắm trúng tế bào ung thư để tiêu diệt tận gốc, không độc như hóa trị liệu, không ảnh hưởng tới các tế bào lành.
"Phương pháp tế bào trị liệu mang lại hy vọng điều trị khỏi ung thư máu. Tỷ lệ bệnh nhân mắc một số bệnh ung thư máu điều trị biện pháp này có thể sống thêm trên 10 năm lên tới 70-80%. Bên cạnh đó, các thuốc nhắm đích cũng đang được tích cực phát triển", TS Bạch Quốc Khánh cho biết.
Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 6.300 ca ung thư máu mới, riêng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phát hiện khoảng 1.500 ca gồm cả trẻ em và người lớn. Khoa Điều trị hóa chất của Viện thường xuyên có 250 bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính đang điều trị.
Đến nay, Viện đã triển khai khá tốt biện pháp thuốc nhắm đích, một số thuốc được bảo hiểm thanh toán. Với tế bào trị liệu, Viện đang hợp tác chuyên gia nước ngoài để chuyển giao công nghệ, phát triển liệu pháp truyền cho bệnh nhân tế bào đặc hiệu nhiều hơn, đó là những tế bào lympho có thẩm quyền miễn dịch, có thể tiêu diệt được tế bào ung thư.
Viện cũng đã ghép tế bào gốc cho gần 600 ca mắc bệnh máu ác tính, trong đó khoảng 400 ca ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài (từ anh em ruột, máu dây rốn hoặc bố mẹ).
Tuy nhiên, theo TS Bạch Quốc Khánh, ghép tế bào gốc không phải là biện pháp chữa khỏi ung thư máu mà là phương pháp giúp người bệnh vượt qua các đợt điều trị hóa chất liều cao, mạnh. Theo đó, hóa trị liệu là phương pháp cơ bản điều trị ung thư. Liều càng cao, mạnh thì càng hy vọng diệt được nhiều tế bào ung thư, kéo dài sự sống. Tuy nhiên, tác dụng chính càng nhiều thì tác dụng phụ càng cao. Ghép tế bào gốc tạo máu giúp giảm tác dụng phụ của hóa trị liệu.
"Tiên lượng sống của các bệnh nhân ung thư máu tuỳ theo từng mặt bệnh. Nếu chỉ điều trị hóa trị liệu đơn thuần, tỷlệ sống thêm trên 5 năm chỉ 20%, nâng lên 50% với ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài" - TS Bạch Quốc Khánh", TS Bạch Quốc Khánh nói.
5. Bộ phận không khí lạnh mạnh tiếp tục di chuyển xuống phía Nam
Dự báo diễn biến không khí lạnh, trên đất liền đêm 29/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ, gần sáng và ngày 30/11 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.
Từ ngày 30/11, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi và trung du Bắc Bộ phổ biến từ 9-12 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ; vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 12-15 độ. Trên biển: từ gần sáng ngày 30/11, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 9; khu vực vịnh Bắc Bộ sóng biển cao 2,0-4,0m; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sóng biển cao 4,0-6,0m; biển động mạnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Dự báo đêm 29 và ngày 30/11/2022. khu vực vùng núi Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất 12-15 độ C, có nơi dưới 12 độ C; nhiệt độ trung bình 14-17 độ C.
Các nơi khác ở Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ C; nhiệt độ trung bình16-19 độ C.
Bắc Trung Bộ nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ C; nhiệt độ trung bình 20-23 độ C.
Cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm:
Từ chiều tối và đêm 29-30/11 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 1-3/12 khả năng vùng núi và trung du Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại. Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét, vùng núi có nơi rét đậm.