Bản tin tối 29/11: Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc cho cơ quan báo chí

(PLVN) - Hà Nội giải quyết 81.000 hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trong 11 tháng; Chốt thi tốt nghiệp THPT 4 môn từ 2025, không bắt buộc thi ngoại ngữ;... và những tin tức khác.

Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp tối của báo pháp luật VN. Bản tin ngày hôm nay sẽ có những nội dung đáng chú ý sau:

Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc cho cơ quan báo chí

Hà Nội giải quyết 81.000 hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trong 11 tháng

Chốt thi tốt nghiệp THPT 4 môn từ 2025, không bắt buộc thi ngoại ngữ

Gần 201.530 doanh nghiệp gia nhập thị trường kể từ đầu năm 2023

Bộ TT-TT vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, quy định chi tiết thi hành Luật giá và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí.Cụ thể, Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính xem xét 5 nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất là đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; thứ 2 là nhóm ý kiến về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Thứ 3 là nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá; thứ 4 là nhóm ý kiến về chính sách thuế và thứ 5 là các ý kiến về bố trí kinh phí hoạt động, mua sắm phương tiện tác nghiệp cho các cơ quan báo chí và hướng dẫn chế độ chi cho các cơ quan báo chí.Bộ TT-TT cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định trách nhiệm nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan chủ quản đặt hàng. Đề nghị xem xét hướng dẫn về điều kiện đặt hàng; sửa đổi, bổ sung trình tự thủ tục đặt hàng dịch vụ công và về phương thức quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành.

Ngày 29-11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính năm 2023. Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp. Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính. Một số ý kiến đề xuất Sở tăng cường thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Trong năm 2023, việc chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Nhờ việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, với nhiều thủ tục hành chính, người dân có thể đến cấp xã, cấp huyện thực hiện thủ tục, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí di chuyển.Đặc biệt, Sở tăng cường triển khai các nhiệm vụ được thành phố giao trong Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025" (Đề án 06), bao gồm công tác hỗ trợ mai táng phí cho người có công, chi trả trợ cấp người thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện đạt tỷ lệ khoảng 56%. Sở cũng đã phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đẩy mạnh việc giải quyết số lượng hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, lên đến 81.000 hồ sơ.

Theo phương án của Bộ GD&ĐT công bố, các thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Nội dung thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới.Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kỳ thi trên toàn quốc theo hình thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về lộ trình từ năm 2025 - 2030, Bộ GD&ĐT giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm tại địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp thi trên giấy và trên máy tính). "Khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với tất cả các môn thi trắc nghiệm", văn bản nêu rõ.

Trong 11 tháng, xấp xỉ 201.530 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân vào thị trường giai đoạn 2018-2022. Ngày 29/11, thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 11, cả nước có gần 14.270 doanh nghiệp thành lập mới. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng đã xấp xỉ 201.530 doanh nghiệp, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022.Con số này cũng gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (164.500 doanh nghiệp).Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới là 146.044 doanh nghiệp, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 3,15 triệu tỷ đồng, giảm trên 29% so với cùng kỳ. Trong đó, số vốn đăng ký thành lập mới là 1,366 triệu tỷ đồng, giảm 7,9%. Số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Trên cơ sở đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong 11 tháng là 9,4 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022.Theo báo cáo, doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 132.600 doanh nghiệp (chiếm 90%, tăng 7,2% so với cùng kỳ). Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là dịch vụ (109.700 doanh nghiệp, chiếm 75%), nhóm ngành công nghiệp và xây dựng 34.700 doanh nghiệp (chiếm 24%) và nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 1.600 doanh nghiệp (chiếm 1%). Bên cạnh đó, số liệu thống kê cũng ghi nhận gần 6.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 11, tăng 35% so với tháng trước và tăng gần 30% so với cùng kỳ. Trong đó, hơn 1.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tương ứng giảm gần 4% và tăng 1,5%. Tính chung 11 tháng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 160 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ. Như vậy, bình quân một tháng có 14.400 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường./.

Những thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp tối của báo pháp luật Việt Nam. Cảm ơn quý thính giả đã dành thời gian lắng nghe, bản tin được thực hiện bởi Quỳnh Trang.

Đọc thêm