1. Hội nghị Đại biểu Nhà văn Lão thành lần thứ nhất
Sáng 30/9, Hội nghị Đại biểu Nhà văn Lão thành lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Khu du lịch Đồi Rồng, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai gửi lẵng hoa chúc mừng. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành cũng đến dự Hội nghị.
Dự hội nghị có 300 nhà văn, nhà thơ, chủ yếu trên 70 tuổi, trong đó có nhiều tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà Nước về văn học nghệ thuật, các giải thưởng của Hội Nhà văn hàng năm và một số giải thưởng uy tín khác và các hội viên có đóng góp cho sự phát triển văn học và Hội Nhà văn.
Hội nghị Nhà văn Lão thành lần thứ nhất được tổ chức để nhìn lại những thành tựu và bài học kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới văn học nước nhà; tăng cường đoàn kết, động viên toàn thể đội ngũ nhà văn phát huy trách nhiệm, mạnh mẽ đi vào đời sống, phấn đấu sáng tạo những tác phẩm lớn, có sức khái quát cao phản ánh sinh động, tầm cỡ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có tác dụng sâu sắc xây dựng văn hóa, xây dựng con người.
Hội nghị đánh giá những thành tựu to lớn của các nhà văn lão thành đối với nền văn học Việt Nam trong 50 năm qua. Đồng thời nhằm tôn vinh các thế hệ nhà văn đã cả đời đi theo Đảng trên con đường giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường trên mọi mặt cũng như xây dựng một nền văn học, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
2. Tai nạn xe khách làm 4 người tử vong tại Đồng Nai
Ngày 30/9, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách giường nằm và xe ôtô 16 chỗ trên Quốc lộ 20 khiến 4 người tử vong tại chỗ và nhiều người bị thương nặng.
Ngay khi biết tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về khắc phục hậu quả vụ tai nạn, đồng thời gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân.
Thông tin ban đầu, khoảng 2 giờ 30 ngày 30/9, xe khách giường nằm biển số 50F-004.83 chạy trên Quốc lộ 20, hướng từ Đồng Nai đi Lâm Đồng. Khi đến km 48, đoạn thuộc ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, Đồng Nai, xe khách giường nằm va chạm với xe khách 16 chỗ biển số 86B-015.75 chạy chiều ngược lại. Cú đâm mạnh khiến xe khách giường nằm đẩy xe 16 chỗ vào lề đường bên trái. Tại hiện trường, đầu 2 chiếc xe biến dạng, dính chặt vào nhau, hư hỏng nặng.
Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong tại chỗ, 5 người khác bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu, hàng chục hành khách trên xe hoảng loạn. Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Ban ATGT tỉnh trong sáng sớm cũng đã di chuyển lên QL20, đến hiện trường nắm thông tin và phối hợp xử lý vụ tai nạn. Theo đó, tài xế xe khách của nhà xe Thành Bưởi đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra vụ việc.
Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, Huyện ủy và Ban An toàn giao thông huyện Định Quán, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai, Phó Giám Đốc công an tỉnh Đồng Nai đã đóng góp hỗ trợ gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn.
3. Xác minh clip giáo viên kéo lê học sinh ở Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội)
Liên quan đến clip 1 giáo viên có hành động túm cổ áo nữ sinh, kéo lê từ hành lang vào lớp học xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), sáng 30/9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở đã nắm được sự việc và ngay lập tức chỉ đạo Hiệu trưởng nhà trường xác minh, làm rõ, nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm nếu có vi phạm; khẩn trương báo cáo Sở trong ngày 2/10.
Tối 29/9, trên mạng xã hội xuất hiện clip 1 giáo viên có hành động túm cổ áo nữ sinh, kéo lê từ hành lang vào lớp học. Sự việc được cho là xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Sáng 30/9, ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đa Phúc xác nhận, clip đang lan truyền trên mạng về hành động “cô giáo kéo học sinh” đúng là xảy ra ở nhà trường vào ngày 29/9. Tuy nhiên, sự việc không như cộng đồng mạng xôn xao, không có chuyện cô giáo bạo hành học sinh. Nhà trường đã nắm bắt vụ việc và trao đổi với học sinh, giáo viên chủ nhiệm cũng như gia đình em. Qua trao đổi, cho thấy có nhiều thông tin trên mạng không đúng sự thật, không phản ánh đầy đủ bản chất của vấn đề.
Theo ông Hiền, bản chất sự việc không phải là “giáo viên bạo hành” hay đánh học sinh mà học sinh này nằm xuống đất xin lỗi cô giáo. Khi cô giáo yêu cầu học sinh đứng dậy nhưng em này không đứng. Hai học sinh khác đến kéo học sinh này dậy cũng không được. Cô giáo khi đó cũng nóng vội, 1 tay cầm điện thoại, 1 tay túm cổ áo học sinh kéo lên chứ không hề đánh. Tuy nhiên, theo ông Hiền, hành động túm cổ áo kéo lên của cô giáo là chưa đúng chuẩn mực.
Nkhi nhận được thông tin, nhà trường đã liên hệ với cô giáo, chấn chỉnh về hành vi cư xử với học trò chưa chuẩn mực. Đồng thời, nhà trường cũng đã liên hệ với phụ huynh học sinh để xin lỗi. Sáng 30/9, nhà trường yêu cầu giáo viên và học sinh liên quan đến vụ việc tường trình làm rõ sự việc.
4. Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Ngày 30/9, tại Đình thần Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu), thừa ủy quyền của Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao Quyết định ghi danh Lễ hội truyền thống Nghinh Ông Thắng Tam vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho lãnh đạo UBND thành phố Vũng Tàu và Ban Quản lý Di tích Đình thần Thắng Tam.
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam là lễ hội truyền thống tiêu biểu, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và văn hóa của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày nay, lễ hội này trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo cho du khách sự ngạc nhiên và thú vị về thành phố du lịch Vũng Tàu.
Hằng năm, lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam diễn ra vào ngày 16-18/8 âm lịch. Năm nay, lễ hội này thêm phần long trọng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể.
Việc lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhất là bà con ở vùng biển thành phố Vũng Tàu, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để bạn bè trong nước và quốc tế biết nhiều hơn về nét đẹp văn hóa của vùng đất ven biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
5. Xuyên đêm tìm kiếm nam thanh niên bị nước lũ cuốn từ Bình Phước ra sông Đồng Nai
Chiều 30/9, sau hơn 2 ngày đêm tìm kiếm không ngừng nghỉ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Phước đã tìm thấy thi thể anh Trương Quốc Hội (25 tuổi, ngụ thôn 3, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng), nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi cả người và xe khi qua cầu.
Trước đó, sáng 28/9, anh Trương Quốc Hội điều khiển xe máy chở anh Phan Văn Ba, 37 tuổi, ngụ thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, đi qua cầu thuộc suối Đắk Tơ, thời điểm này, do trời mưa lớn, nước tràn qua cầu, chảy xiết khiến anh Hội không làm chủ được tay lái, bị nước đẩy ngã xe, cuốn trôi cả anh Hội và xe máy xuống suối mất tích. Riêng anh Ba may mắn kịp nhảy xuống, chạy thoát lên bờ.
Nhận tin báo, lực lượng cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Bình Phước điều động hàng chục cán bộ, chiến sỹ cùng phương tiện chuyên dụng nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai phương án tìm kiếm anh Hội.
Sau hơn 2 ngày đêm tích cực tìm kiếm không ngừng nghỉ, đến 12 giờ trưa 30/9, các chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Bình Phước đã tìm thấy thi thể anh Hội, cách hiện trường khoảng 30km, khi thi thể nạn nhân bị trôi dạt vào bờ trên sông Đồng Nai, thuộc địa phận xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng, giáp ranh với tỉnh Đồng Nai.
Ngay trong chiều 30/9, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười cùng các ban, ngành, đoàn thể của huyện Bù Đăng có mặt tại hiện trường, động viên hỗ trợ gia đình nạn nhân 10 triệu đồng; đồng thời động viên khuyến khích lực lượng cứu nạn, cứu hộ, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong mưa lũ nhưng tích cực xuyên ngày đêm tìm kiếm nạn nhân.