Bản tin tối 31/10
Đề nghị giảm giờ làm khu vực tư từ 48 xuống 40 giờ/tuần
Đề xuất giảm thuế VAT 2% cho tất cả hàng hóa
Giáo viên khó khăn được chăm lo Tết 500.000 đồng/người
Thủ tướng yêu cầu tổng kiểm tra xe hợp đồng sau vụ tai nạn 5 người chết
Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin tối nay.
Sau đây là nội dung chi tiết:
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công.
Chiều 31.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung kinh tế - xã hội. Nêu góp ý về năng suất lao động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) băn khoăn khi chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77 - 4,76% (chỉ tiêu QH giao là 5 - 6%). Đây là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này. Ông Nghĩa cũng đề nghị giảm giờ làm của người lao động ở khu vực tư.
"Đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm. Giai đoạn 2021 - 2023 chỉ đạt 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016 - 2018", đại biểu Nghĩa nêu và đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt.
Đáng chú ý, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới, nhưng giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm (48 giờ) trong khi giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.
Theo ông Nghĩa, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao.
Thay vì chỉ giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho một số loại hàng hóa thì nhiều chuyên gia đề xuất nên xem xét mở rộng hơn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.
Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) vừa có công văn góp ý về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Tài chính. Theo VCCI, sau khi tham vấn một số doanh nghiệp (DN) và chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô của VN trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 được dự báo chỉ ở mức trên 5%, đây là mức tương đối thấp trong nhiều thập niên qua (trừ 2 năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Tình trạng khó khăn này được dự đoán sẽ tiếp tục trong giai đoạn đầu năm 2024 khi kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi và kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Do đó, việc nới lỏng chính sách tài khóa, thông qua việc tiếp tục giảm thuế VAT vào thời điểm này là hết sức cần thiết, góp phần hỗ trợ DN lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm.
Đại diện VCCI nhấn mạnh biện pháp giảm thuế VAT đã được thực hiện trong 2 năm 2022, 2023, mang lại nhiều tác động tích cực đối với các DN và nền kinh tế, đặc biệt là giúp tăng tiêu dùng nội địa trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của VCCI, các DN cũng gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 và Nghị định 44/2023 hướng dẫn thực hiện nhưng trên thực tế, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.
Bày tỏ ủng hộ đề xuất của VCCI, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhận định: Trong cả nền kinh tế, ngành này sẽ là đầu vào của ngành kia và ngược lại. Bản chất thuế VAT thì các DN sẽ được khấu trừ tương ứng đầu vào với đầu ra, nhưng nếu được giảm VAT của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ thì nhiều DN sản xuất, kinh doanh cũng sẽ giảm được chi phí trung gian. Đồng thời, chính sách giảm thuế nên kéo dài hết năm tài khóa 2024. Bởi dự báo cho thấy kinh tế thế giới chưa hết khó khăn và thậm chí năm sau vẫn còn khó hơn, nhiều yếu tố khó lường. TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh: Mục tiêu giảm thuế là để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy cả nền kinh tế tăng trưởng nên không phân biệt các ngành như một số chính sách ưu đãi. Không nên lo sợ hụt thu ngân sách vì khi kinh tế phục hồi và tăng trưởng cao thì chắc chắn các nguồn thu khác sẽ tăng theo.
Đoàn viên công đoàn, nhà giáo và người lao động trong ngành giáo dục tại TP.HCM nếu có hoàn cảnh khó khăn sẽ được công đoàn hỗ trợ 500.000 đồng/trường hợp, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.
Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM vừa có kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn năm 2024 cho đoàn viên công đoàn, cán bộ, nhà giáo và người lao động. Kế hoạch được tổ chức trên tinh thần "Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động", trong đó, quan tâm trước hết là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Đối tượng chăm lo cụ thể là đoàn viên công đoàn, nhà giáo và người lao động bị tai nạn lao động; Đoàn viên công đoàn, nhà giáo và người lao động hoặc vợ/chồng/con bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo; Nữ đoàn viên công đoàn, nhà giáo và người lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; Cán bộ công đoàn chuyên trách và các trường hợp đột xuất khác.
Mức chăm lo được công đoàn ngành đưa ra là 500.000 đồng/trường hợp. Ngoài ra, công đoàn ngành khuyến khích các cơ quan, đơn vị vận động nguồn quỹ xã hội để tăng mức chi chăm lo cho đoàn viên công đoàn, nhà giáo và người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chia buồn đến các nạn nhân vụ tai nạn 5 người chết ở Lạng Sơn, đồng thời yêu cầu các bộ ngành rà soát lại nguyên nhân mất an toàn trong vận tải hành khách.
Nhận thông tin tai nạn khiến 5 người chết ở Lạng Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chia buồn, đồng thời chỉ đạo Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cùng với đại diện Bộ Công an, Bộ GTVT về hiện trường để phối hợp khắc phục hậu quả.
Trong công điện mới ban hành, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương tập trung tối đa đội ngũ y tế để cứu chữa nạn nhân bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn.
Thủ tướng cũng yêu cầu công an khẩn trương làm rõ nguyên nhân tai nạn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; Lực lượng CSGT kiểm tra, rà soát việc xử phạt vi phạm về tốc độ đối với ô tô vận tải hành khách thông qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.
Đối với ngành giao thông, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng GTVT chỉ đạo kiểm tra việc quản lý thiết bị giám sát hành trình của ô tô chở khách trên toàn quốc, tổng kiểm tra hoạt động của xe hợp đồng và có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.