Bản tin tối 4/8: Chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng hay 1.000 USD trở lên phải báo cáo

(PLVN) - Bổ sung quyền hạn, nhiệm vụ cho Tổng cục Thi hành án dân sự; Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục; ... và một số thông tin đáng chú ý khác.
Từ 1/12 năm nay, giao dịch chuyển tiền điện tử, mức từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo giao dịch trong phòng chống rửa tiền.

Bản tin tối 4/8

  1. Lấy phiếu tín nhiệm với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và 3 Thứ trưởng Bộ Công Thương

  2. Bổ sung quyền hạn, nhiệm vụ cho Tổng cục Thi hành án dân sự

  3. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục

  4. Chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng hay 1.000 USD trở lên phải báo cáo

Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin tối nay.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã tổ chức thành công các Hội nghị để lựa chọn các nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để giới thiệu nhân sự quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 tại Bộ Công Thương, bảo đảm đúng quy trình theo quy định của Đảng.

Bên cạnh việc giới thiệu nhân sự Quy hoạch Chấp hành Trung ương đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các lãnh đạo Bộ gồm Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các Thứ trưởng: Đỗ Thắng Hải, Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phan Thị Thắng.

Theo Bộ Công Thương, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm đánh giá sự tín nhiệm của công chức các đơn vị trực thuộc Bộ đối với Bộ trưởng và các Thứ trưởng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Công Thương. Đồng thời, giúp mỗi cán bộ lãnh đạo Bộ Công Thương được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện nghiêm theo quy định, với tinh thần khách quan, công tâm, trung thực, trách nhiệm, góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 19/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 61/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp).

Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/9 bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Thi hành án dân sự được chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.

Về cơ cấu nhân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự có tổng cục trưởng và không quá 4 phó tổng cục trưởng (quy định cũ không quá 3 phó tổng cục trưởng).

Vụ Quản lý Thi hành án hành chính (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 3) được sửa đổi thành Vụ Quản lý Thi hành án hành chính, thống kê và dữ liệu thi hành án (Vụ Nghiệp vụ 3).

Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin được sửa đổi thành Tạp chí điện tử Thi hành án dân sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức việc giải thể Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện các công việc về tổ chức và hoạt động của Tạp chí điện tử Thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khối lượng công việc, chỉ tiêu biên chế được giao, tiêu chí thành lập phòng theo quy định của Chính phủ, Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh có không quá 5 đơn vị cấp phòng. Cục Thi hành án dân sự TPHCM có không quá 6 đơn vị cấp phòng.

Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tuần trước đạt 590 USD, nay có doanh nghiệp bán giá 660 USD mỗi tấn, mức kỷ lục từ trước tới nay.

Thông tin trên được công bố tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm 2023, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/8, tại TP Cần Thơ.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng thời gian qua, việc xuất khẩu gạo đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu là truyền thống, từ các nước châu Á. Các thị trường mới, tiềm năng chưa được chú trọng nhiều. Việc phát triển các vùng trồng, liên kết bốn nhà còn hạn chế.

Ông cũng cho biết phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; theo dõi chặt diễn biến thị trường, thận trọng trong giao dịch xuất khẩu gạo để đảm bảo an toàn, tránh bị lừa đảo.

Bộ trưởng đề nghị Hiệp Hội lương thực Việt Nam làm tốt việc điều phối trong sản xuất kinh doanh lương thực, kiểm soát được chất lượng, giá cả lúa gạo. Đồng thời, ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm tốt việc tái cơ cấu sản xuất, vùng trồng hiệu quả. Các địa phương chủ động xây dựng vùng sản xuất lúa gạo phù hợp, tăng cường đảm bảo giá cả lương thực, đề phòng tình trạng đầu cơ.

Thông tư 09/2023 hướng dẫn thực hiện một số điều của luật Phòng, chống rửa tiền, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành đề cập giá trị chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng hay 1.000 USD trở lên phải báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Theo Thông tư 09, đối tượng báo cáo có trách nhiệm thu thập thông tin báo cáo với cơ quan chức năng giao dịch chuyển tiền điện tử mà tất cả các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương. Trong trường hợp giao dịch chuyển tiền điện tử mà có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử ở ngoài lãnh thổ Việt Nam có giá trị giao dịch từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Thông tư 09 quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ; giao dịch chuyển tiền điện tử; chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử. Thông tư có hiệu lực từ ngày 28.7.2023.

Đọc thêm