Bản tin tối ngày 10/03: Chủ tịch nước dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

(PLVN) - Chủ tịch nước dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia;... và nhiều thông tin đáng chú ý khác 

1. Chủ tịch nước dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Sáng 10/3, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa 11 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Mười năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 Khóa 11 và các chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá cao các kết quả đạt được của TP. HCM, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng để đạt được kết quả tích cực này có nhiều nguyên nhân; trong đó có sự quyết tâm cao trong lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, vai trò nòng cốt của các lực lượng Quân đội, Công an; sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân. Trong thời gian tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Thành phố cũng cần tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiên quyết làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình; phòng ngừa, vô hiệu hóa âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; chủ động phát hiện, tấn công trấn áp các loại tội phạm; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. 2. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia. Chiều 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác năm 2022 và thảo luận nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Tham dự phiên họp có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo. Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, phòng thủ dân sự là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là bộ phận của phòng thủ đất nước, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách về lĩnh vực này nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thu hút sự tham gia toàn dân trong công tác phòng thủ dân sự, góp phần bảo đảm ổn định để phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai công tác phòng thủ dân sự đạt được nhiều kết quả, đã tập trung xây dựng và ban hành chủ trương, chính sách; kiện toàn tổ chức và lực lượng; nâng cao chất lượng diễn tập; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; chỉ đạo các cấp, các ngành, qua đó đã giảm đáng kể thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Các cơ quan cũng đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự kiến trình Quốc hội thời gian tới. Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận, phát biểu đúng trọng tâm, trọng điểm, đánh giá toàn diện các mặt công tác, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, qua đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, có hiệu quả. Văn phòng Ban Chỉ đạo tiếp thu, tổng hợp tối đa các ý kiến, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành thông báo kết luận để triển khai trong thời gian tới. 3. Nữ Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố. Tại kỳ họp thứ 11 diễn ra sáng 10/3, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã bầu bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Như vậy, với việc bầu bổ sung ngày hôm nay, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 gồm: Chủ tịch Trần Sỹ Thanh; 6 Phó Chủ tịch là các ông Lê Hồng Sơn (Phó Chủ tịch thường trực), Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền và bà Vũ Thu Hà. Sau đây là phần tin về văn, xã hội 4. Hội Báo toàn quốc 2023: Đoàn kết - Chuyên nghiệp -Văn hóa - Sáng tạo. Sáng 10/3, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Hội Báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo". Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết bên cạnh các sự kiện văn hóa, nghệ thuật sôi nổi, hấp dẫn, nét đặc sắc của Hội Báo năm nay là hoạt động nghiệp vụ có chất lượng cao, có tính thời sự, với điểm nhấn trong phong trào chuyển đổi số báo chí đang diễn ra mạnh mẽ như: Hội thảo "A.I và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn; tọa đàm "Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số"; tọa đàm "Hội ngộ Giải A Báo chí quốc gia"…" Hội Báo toàn quốc 2023 có quy mô toàn quốc với nhiều đổi mới, sáng tạo nhằm tạo sức hấp dẫn với công chúng. Trong đó có hoạt động trưng bày ấn phẩm báo xuân và các ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2022 và đầu năm 2023. Thông qua Hội Báo toàn quốc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đề nghị các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương chung tay với Hội Nhà báo Việt Nam lan tỏa tinh thần của Hội Báo toàn quốc 2023 tới đông đảo công chúng. 5. Kiến nghị cho phép xe quá hạn 15 ngày được di chuyển đi đăng kiểm Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân. Cụ thể, đề xuất đáng chú ý nhất là cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các Trung tâm đăng kiểm. Đồng thời, cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Tuy nhiên, các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải. Theo Bộ GTVT, khi áp dụng, quy định mới này sẽ sử dụng, khai thác tối đa được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm