Bản tin tổng hợp 03/10: Số ca mắc mới, tử vong do ung thư ngày càng tăng

(PLVN) - Cháy nhà dân giữa trời mưa tại thành phố Huế; Thông tuyến quốc lộ 2 ở Hà Giang sau vụ sạt lở;...và một số thông tin khác.

BẢN TIN TỔNG HỢP Radio Pháp Luật - Số ca mắc mới, tử vong do ung thư ngày càng tăng

Phát sóng: ngày 03/10/2024

Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê

  • Số ca mắc mới, tử vong do ung thư ngày càng tăng

  • Chuyên gia nhận định các dịch bệnh tiêu chảy, các bệnh về da, sốt xuất huyết… có nguy cơ bùng phát sau bão lũ

  • Cháy nhà dân giữa trời mưa tại thành phố Huế

  • Thông tuyến quốc lộ 2 ở Hà Giang sau vụ sạt lở

  • Thời tiết ngày 3/10: Miền Bắc nắng ráo, Trung Bộ giảm mưa

Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Báo PLVN.

Tôi là Tâm Anh

Còn tôi là Thục Khuê

Thưa quý vị, bản tin tổng hợp ngày hôm nay sẽ có những nội dung sau:

Headlines:

  • Số ca mắc mới, tử vong do ung thư ngày càng tăng

  • Chuyên gia nhận định các dịch bệnh tiêu chảy, bệnh da, sốt xuất huyết… nguy cơ bùng phát sau bão lũ

Số ca mắc mới, tử vong do ung thư ngày càng tăng

Tâm Anh: Thưa quý vị, Chia sẻ tại lễ ký kết nhằm nâng cao chất lượng quản lý và phòng chống bệnh ung thư diễn ra tại Bệnh viện K sáng 2/10, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết, bệnh ung thư là bệnh tương đối đặc biệt với nhiều khía cạnh.

Về mặt tâm lý, việc mắc bệnh ung thư cũng khiến bệnh nhân dễ bức xúc vì không biết tương lai như thế nào.

GS Quảng chia sẻ rằng: "Bệnh cũng ảnh hưởng đến kinh tế của người bệnh, điều trị dài ngày, thuốc mới, kỹ thuật mới đều rất đắt tiền. Ngoài ra, sau điều trị, việc hòa nhập cộng đồng của bệnh nhân như thế nào, có làm ra tiền không. Đó là gánh nặng với cả bệnh nhân và cộng đồng".

Theo ông, bệnh ung thư luôn đi đôi với vấn đề tâm thần, tâm lý bệnh nhân ung thư khác nên việc điều trị bệnh nhân rất đặc thù, đặc biệt. Tâm lý bệnh nhân thay đổi từng ngày, từng giờ, đây là điều khó trong ngành ung thư.

Vì thế, việc luôn cập nhật kiến thức, đào tạo qua hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo là việc hết sức cần thiết. Hoạt động này cần duy trì liên tục trong tương lai để bệnh nhân ung thư được hưởng kỹ thuật mới, thuốc mới, tiến bộ mới khác.

Thục Khuê: Và Cũng theo GS Quảng, bệnh viện sẽ đầu tư, xây dựng Bệnh viện K cơ sở 4 để phát triển kỹ thuật cao như xạ trị proton, những kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới. Dự án này cũng phải mất 10-15 năm mới có kết quả nhưng chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ.

Trong năm nay, bệnh viện cũng đã đưa cơ sở 1 vào hoạt động, dự kiến đến quý 1/2025 sẽ đưa toàn bộ cơ sở K1 vào hoạt động.

Ung thư luôn là thách thức và là gánh nặng của hệ thống y tế trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo ước tính của Tổ chức Ung thư toàn cầu năm (GLOBOCAN) 2022, Việt Nam có đến hơn 180.000 ca mắc mới và khoảng hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.

Mỗi năm tại Việt Nam số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong, trong đó bệnh ung thư là nguyên nhân đứng thứ 2.

Ở nước ta, ung thư đại trực tràng nằm trong 4 bệnh ung thư thường gặp. Bệnh đang có xu hướng gia tăng, theo GLOBOCAN năm 2022, số ca mắc mới là 16.800 và khoảng 8.400 ca tử vong hàng năm.

Tâm Anh: Bên cạnh đó, cũng theo dữ liệu GLOBOCAN năm 2022, ung thư tuyến giáp đứng thứ 6 với 6.122 ca mắc mới, trong khi năm 2020 ung thư tuyến giáp đứng thứ 10 về số ca mắc mới tại Việt Nam. Dữ liệu này đã cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của bệnh lý ung thư tuyến giáp.

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết thêm, hiểu được bệnh ung thư, tâm lý của người bệnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dinh dưỡng, tâm lý và các phương pháp khác.

Theo PGS Bình, vấn đề đào tạo đóng vai trò rất quan trọng, bác sĩ trẻ chính là sức mạnh của bệnh viện trong tương lai, còn kiến thức kinh nghiệm của các thầy là bước đệm.

PGS Bình cũng nói rằng: "Số mắc mới ung thư, số tử vong ngày càng tăng. Trong thời gian qua chúng ta nỗ lực rất nhiều trong công tác phòng chống để con số này không tăng lên, nhưng thực tế lại ngược lại. Vì thế, chúng ta cần cố gắng hơn.

Đây là cuộc chạy đua, mỗi mắt xích liên quan phải cố gắng hết sức để sàng lọc, phát hiện sớm bệnh. Phát hiện sớm bệnh là chìa khóa để việc điều trị có hiệu quả, giá trị cao nhất cho bệnh nhân và thầy thuốc".

Thục Khuê: Vì thế mới thấy rằng căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi rất nhiều sinh mạng mỗi năm. Mong rằng khi bệnh viện K áp dụng dự án mới vào điều trị thì sẽ cải thiện được tình hình bệnh.

Chuyên gia nhận định các dịch bệnh tiêu chảy, bệnh da, sốt xuất huyết… nguy cơ bùng phát sau bão lũ

Thưa quý vị, Chỉ trong một thời gian ngắn, nước ta liên tiếp hứng chịu cơn bão số 3 và số 4 với những thiệt hại nặng nề về người và của. Cùng với đó là hàng loạt thiên tai như sạt lở đất và ngập lụt diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến "Ứng phó với dịch bệnh sau bão lũ" trên báo Dân trí ngày 27/9, Thạc sĩ - Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, với tình trạng ngập lụt, trước hết người dân có thể đối mặt nguy cơ tai nạn thương tích do sụp đổ các cấu trúc.

Tâm Anh: Vâng, Trong khi ngập lụt, người dân rất dễ bị nhiễm lạnh do ngâm mình trong nước lụt kéo dài, gây cảm lạnh và viêm phổi.

Sau đó, nước lụt lan tràn khắp mọi nơi mang theo chất ô nhiễm hóa chất từ các vật dụng, xe cộ, phân, và nước thải gây ô nhiễm diện rộng. Khi đó, những người có vết thương trên da phải lội vào những vùng như vậy dễ nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, có những bệnh lây qua nguồn nước, ăn uống như tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng. Khi bị ngập lụt, các vật nuôi chết, các mầm bệnh đó phát tán lây sang con người. Người bệnh có các triệu chứng chính như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Khi ngập lụt, việc xử lý phân của người bệnh khó khăn càng khiến dịch lan rộng.

Ngoài ra, sự gia tăng của muỗi côn trùng đốt người và truyền mầm bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét cũng là một nguy cơ. Tình trạng sốt và đau nhức cơ bắp là triệu chứng có thể liên quan đến sốt xuất huyết.

Thục Khuê: Và Trong đó, hai nhóm có sức đề kháng yếu là trẻ nhỏ và người lớn tuổi rất có nguy cơ bị dịch tác động. Trẻ nhỏ rất hiếu động, nghịch nước và có thói quen đưa tay lên miệng nên có nguy cơ nhiễm bệnh đường tiêu hóa nhiều hơn.

Với người lớn tuổi, khi ngập lụt cần hết sức chú ý bị nhiễm lạnh. Trong và sau ngập lụt sẽ gia tăng nấm mốc khắp mọi nơi. Bào tử nấm mốc sẽ ảnh hưởng đến hô hấp của những người lớn tuổi. Nên những người lớn tuổi nguy cơ bệnh hô hấp nặng hơn rất nhiều.

BS Cấp cũng lưu ý, khi chúng ta có vết thương mà phải đi qua vùng ngập nước thì cố gắng giữ vết thương không bị ngấm nước bằng cách băng vô khuẩn rồi băng tiếp bên ngoài bằng vật liệu chống nước như nilon. Tại chỗ vết thương có thể sát trùng bằng betadine.

Việc rửa sạch vết thương hàng ngày bằng nước muối sinh lý cũng giúp thải loại bớt mầm bệnh. Bên cạnh đó, cần đến cơ sở y tế để xác định mầm bệnh là gì để sử dụng kháng sinh đúng với mầm bệnh đó.

Người dân cần tránh tự sử dụng kháng sinh vì dễ sử dụng nhầm thuốc, sai liều và dẫn đến hậu quả lâu dài là kháng thuốc.

Việc tiêm phòng uốn ván cũng rất cần thiết. Lý do là nguy cơ bị uốn ván của người tiếp xúc với môi trường ô nhiễm sẽ cao hơn rất nhiều so với vết thương tiếp xúc với môi trường nước sạch.

Tâm Anh: Theo BS Cấp, chúng ta có rất nhiều loại vaccine giúp hạn chế bệnh, người dân nên tiến hành trước khi bão lũ xảy ra, một khi bão lũ xảy ra mới đi tiêm thì có thể chưa chắc đã kịp để có tác dụng phòng bệnh.

Một số vaccine bảo vệ chống vi khuẩn đường hô hấp là vaccine phế cầu, nếu trước bão lũ người dân đã tiêm rồi thì nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp do các căn nguyên này trong bão lũ sẽ hạn chế bớt.

Một số vaccine bảo vệ chống lại bệnh đường tiêu hóa như tả, rotavirus, các vaccine này có hiệu quả nếu trước đây người dân đã sử dụng, nhờ đó ngăn ngừa bớt nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy do các tác nhân này.

Thục Khuê: Ngoài ra, người dân cần đảm bảo dinh dưỡng cân đối các nhóm chất. Về cơ bản, một chế độ ăn phong phú đầy đủ những yếu tố như vậy.

Trong điều kiện bão lũ không đảm bảo điều kiện lý tưởng, nhưng ít nhất phải đảm bảo cung cấp năng lượng như: chất đường, mỡ hay protid là nguyên liệu để cơ thể tái sản xuất tế bào. Với vitamin, cơ thể có thể có đủ dự trữ để người bệnh duy trì tình trạng trong thời gian dài hơn nên có thể bổ sung sau.

Điều rất quan trọng là cố gắng đảm bảo các nguồn dinh dưỡng sạch, an toàn.

PGS Dũng cũng khuyến cáo: "Việc chuẩn bị tủ thuốc di động là rất cần thiết, nhưng chúng ta cũng cần lưu ý thuốc là con dao hai lưỡi. Để phát huy hiệu quả và hạn chế tối đa tác dụng phụ thì cần có sự tư vấn của các chuyên gia".

Tâm Anh: Quý vị cũng hãy chú ý để phòng tránh, đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình khỏi những dịch bệnh nguy hiểm sau bão lũ, và trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp này.

Vâng, thưa quý vị, ngoài những thông tin trên thì thời gian qua còn rất nhiều những tin tức mới được cập nhật. Vậy nên xin mời quý thính giả tiếp tục lắng nghe bản tin tổng hợp ngày hôm nay:

Headlines phụ:

  • Cháy nhà dân giữa trời mưa tại thành phố Huê

  • Thông tuyến quốc lộ 2 ở Hà Giang sau vụ sạt lở

  • Thời tiết ngày 3/10: Miền Bắc nắng ráo, Trung Bộ giảm mưa

Cháy nhà dân giữa trời mưa tại thành phố Huế

Thưa quý vị, Vụ hỏa hoạn xảy ra tại một nhà dân tại thành phố Huế (Thừa Thiên Huế), cũng là nơi kinh doanh trầm hương.

Đến 20h ngày 2/10, các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục công tác cứu hộ cứu nạn, dập tắt đám cháy xảy ra tại nhà số 225 đường Phan Bội Châu (phường Trường An, thành phố Huế).

Thục Khuê: Theo một số nhân chứng, khoảng 19h cùng ngày, họ nhìn thấy nhiều khói bốc lên từ phần nhà kho phía sau căn nhà nói trên, sau đó ngọn lửa bùng lên dữ dội.

Tại thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, không có người ở nhà. Cũng theo người dân, đây là nhà riêng và cũng là nơi chủ nhà kinh doanh trầm hương.

Ngay khi nhận được tin báo, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều động nhiều phương tiện chữa cháy cùng lực lượng chức năng đến hiện trường tham gia cứu hộ, cứu nạn, dập tắt đám cháy. Theo ghi nhận của phóng viên, trước và trong thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn nêu trên, tại địa bàn thành phố Huế có mưa.

Thông tuyến quốc lộ 2 ở Hà Giang sau vụ sạt lở

Thưa quý vị, chuyển sang tin tức tiếp theo, Cũng gần 4 ngày sau khi xảy ra sạt lở trên quốc lộ 2, đoạn qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tới chiều 2/10, lực lượng chức năng tỉnh đã thông xe trên tuyến đường này.

Chiều 2/10, Công an tỉnh Hà Giang cho biết, tới chiều cùng ngày, điểm sạt lở trên quốc lộ 2 đoạn qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, đã được thông suốt.

Các lực lượng chức năng đang rất khẩn trương giải tỏa đất đá vùng ven, đánh giá tình hình đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia lưu thông.

Tâm Anh: Trong quá trình thông xe, lực lượng CSGT và thanh tra giao thông tỉnh Hà Giang đã chủ động điều tiết khoảng cách phương tiện qua lại, tổ chức thông tuyến một chiều và thường xuyên giám sát chặt chẽ khu vực sạt lở, đảm bảo an toàn về tính mạng và phương tiện khi lưu thông qua đây.

Theo nhà chức trách, khối lượng đất, đá sạt lở taluy dương hơn 10.000m3 và kéo dài khoảng 300m dẫn đến ách tắc giao thông.

Tại khu vực sạt lở trên, lực lượng chức năng đã tìm thấy 5 nạn nhân tử vong gồm: Anh Nguyễn Viết T., anh Nguyễn Anh T. (SN 1992), bà Tạ Thị H. (SN 1971, ở thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh), cháu Mai Thị Thùy C. (SN 2014) và anh Tô Đình Đ. (ở huyện Bắc Quang).

Trước đó, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 8h30 ngày 29/9, làm đổ sập 3 ngôi nhà và vùi lấp nhiều phương tiện.

Chính quyền đã di dời khẩn cấp 13 hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao ven quốc lộ 2.

Ngoài ra, toàn địa bàn xã cũng sơ tán 45 hộ dân với 148 nhân khẩu khỏi vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Giang, trận mưa lớn kéo dài từ đêm 29/9 đến trưa 1/10 đã làm 15 người thương vong và mất tích; thiệt hại hàng trăm nhà ở và nhiều diện tích hoa màu, tài sản, đàn gia súc, gia cầm, thủy sản của nhân dân.

Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra hơn 36 tỷ đồng.

Thời tiết ngày 3/10: Miền Bắc nắng ráo, Trung Bộ giảm mưa

Thục Khuê: Thưa quý vị thính giả, thông tin cuối cùng trong btth ngày hôm nay là một thông tin về thời tiết. Vâng, Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 3/10, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đêm có mưa vài nơi, ngày nắng. Đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét. Ở Hà Nội, Có mây, đêm không mưa, ngày nắng, gió đông bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-30 độ C. Còn về Phía Tây Bắc Bộ, Nhiều mây, đêm có mưa vài nơi, sau không mưa, trưa chiều giảm mây trời nắng, gió nhẹ. Đêm và sáng sớm trời lạnh, có nơi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C. Còn về Phía Đông Bắc Bộ, Có mây, đêm không mưa, ngày nắng, gió đông bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 20-22 độ C; riêng vùng núi 18-20 độ C, có nơi dưới 17 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C.

Tâm Anh: Trong chiều tối và đêm 2/10, khu vực Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Đến ngày 3/10 mưa lớn giảm dần.

Ở Nam Bộ, thời tiết Có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng tối nay và chiều tối mai có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to, gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.

Về cơn bão số 5, cơ quan khí tượng cho biết, lúc 19h ngày 2/10, vị trí tâm bão vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 119,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17; di chuyển chậm theo hướng Bắc Đông Bắc, tốc độ khoảng 5km/h.

Theo dự báo hiện tại, bão không có khả năng ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền nước ta.

(Chào kết)

Tâm Anh: Thông tin vừa rồi cũng là thông tin cuối cùng mà Tâm Anh và Thục Khuê mang đến cho quý thính giả trong số phát sóng lần này.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe.

Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại

Đọc thêm