BẢN TIN TỔNG HỢP Radio Pháp Luật - Hà Nội tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm
Phát sóng: ngày 05/12/2024
Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê
Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Báo PLVN.
Tôi là Tâm Anh
Còn tôi là Thục Khuê
Thưa quý vị, bản tin tổng hợp ngày hôm nay sẽ có những nội dung sau:
Headlines:
Hà Nội tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm
11 tháng, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 16,5 tỷ USD
Hà Nội tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm
Tâm Anh: Thưa quý vị, để kiểm soát CPI những tháng cuối năm, Hà Nội giám sát chặt chẽ giá cả, tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các chợ, siêu thị để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý hoặc găm hàng trục lợi.
Cục Thống kê thành phố Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 của Thủ đô giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 2,18% so với tháng 12/2023 và tăng 2,08% so với cùng kỳ năm trước.
CPI bình quân 11 tháng năm nay tăng 4,37% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Tính riêng trong tháng 11, có 4/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước: nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống; thịt gia cầm; các mặt hàng thủy hải sản; nhóm rau tươi, khô và chế biến; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch; nhóm giao thông đều giảm.
Thục Khuê: Vâng và Cũng trong tháng 11, có 6/11 nhóm hàng chỉ số tiêu dùng tăng so với tháng trước gồm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng. Các nhóm còn lại tăng nhẹ không tác động nhiều đến chỉ số tiêu dùng chung: đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; thiết bị và đồ dùng gia đình... Riêng nhóm giáo dục tương đương tháng trước.
Bình quân 11 tháng năm 2024, chỉ số tiêu dùng tăng 4,37% so với bình quân cùng kỳ năm trước; trong đó 10/11 nhóm hàng chỉ số tiêu dùng bình quân tăng gồm: nhóm giáo dục tăng 18,04% do 3 tháng đầu năm 2024 các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của Hội đồng Nhân dân thành phố 7, đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024.
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,07%, do giá nước sạch tăng 26,73%; giá điện tăng 7,71%; giá nhà thuê tăng 8,32%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,24%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,38% do giá lương thực tăng 10,63%; thực phẩm tăng 2,59%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,83%...; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,56% chủ yếu do giá vàng cao dẫn đến giá đồ trang sức tăng 32,22% và dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 24,9%.
Tâm Anh: Để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội trong những tháng cuối năm 2024, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chính quyền thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu như chuẩn bị các kịch bản dự phòng để ứng phó với biến động nguồn cung, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Thục Khuê: Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch cho biết, trung tâm đang được Ủy ban Nhân dân thành phố giao nhiều nhiệm vụ xúc tiến đầu tư thương mại nhằm tăng cường hợp tác đầu tư vào địa bàn, cũng như giúp đỡ kết nối giữa các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao giữa các tỉnh, thành phố, qua đó đảm bảo quyền lợi, giá cả, sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.
11 tháng, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 16,5 tỷ USD
Thục Khuê: Chuyển sang tin tức tiếp theo cũng là một thông tin về tình hình kinh tế thì mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tâm Anh: Vâng, Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, cán cân thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 13,05 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,88 tỷ USD, tăng 17,5% và nhóm nông sản thặng dư 4,72 tỷ USD, tăng 3,1 lần.
Thục Khuê: Xét theo mặt hàng, Việt Nam có 7 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 12,11 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; rau quả 4,56 tỷ USD, tăng 33,9%; cà phê 4,53 tỷ USD, tăng 30,5%; gạo 4,07 tỷ USD, tăng 14,6%; tôm 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; cá tra 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%; và hạt tiêu thặng dư 1,07 tỷ USD, tăng 43,5%.
Trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%; sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD, tăng 4,4%; thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%; lâm sản đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6%...
Đánh giá về thành tựu ngành đạt được trong xuất khẩu đến thời điểm này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, kết quả đó đến từ các mặt hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt tiêu…
Tâm Anh: Rất cảm ơn những thông tin vừa rồi đến từ Thục Khuê và Quý vị thân mến. ngoài những tin tức về tình hình kinh tế ở phần đầu của bản tin thì còn có rất nhiều tin tức nổi bật trong thời gian qua, vậy nên xin mời quý thính giả tiếp tục lắng nghe bản tin tổng hợp ngày hôm nay:
Headlines phụ:
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày
Miền Bắc chuẩn bị đón đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa
Cả nước ghi nhận trên 114.900 ca mắc sốt xuất huyết
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày
Tâm Anh: Thưa quý vị, Ngày 3/12, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có thông báo về việc công chức, người lao động nghỉ Tết Âm lịch 2025 từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ.
Thục Khuê: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội được nghỉ Tết Âm lịch năm 2025 từ thứ bảy 25/1 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết chủ nhật 2/2 (tức hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Đợt nghỉ kéo dài 9 ngày gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.
Với khu vực doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu người sử dụng lao động quyết định lựa chọn 1 trong 3 phương án nghỉ Tết.
Một là nghỉ 1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ. Hai là nghỉ 2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ. Ba là nghỉ 3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ.
Về dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng và Quốc tế lao động năm 2025, người dân cả nước được nghỉ 5 ngày liên tục, từ thứ tư 30/4 đến hết chủ nhật 4/5. Người lao động đi làm bù vào thứ bảy 26/4.
Dịp Quốc khánh 2/9 năm 2025, công chức, người lao động nghỉ từ thứ bảy 30/8, đến hết thứ ba 2/9. Đợt nghỉ này bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, 2 ngày nghỉ hằng tuần.
Dịp này, khối doanh nghiệp có thể cho nghỉ thứ ba 2/9 và lựa chọn 1 trong 2 ngày thứ hai 1/9 hoặc thứ tư 3/9.
Tâm Anh: Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025 lưu ý thực hiện bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý, để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ tổ chức, nhân dân.
Miền Bắc chuẩn bị đón đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa
Tâm Anh: Thưa quý vị, chuyển sang tin tức kế tiếp thì Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, dự báo từ ngày 6 - 7/12 sẽ có một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, khiến nền nhiệt miền Bắc và miền Trung giảm sâu, trời chuyển rét.
Thục Khuê: Cụ thể hoảng ngày 6 - 7/12 sẽ có một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Dự báo, cường độ của đợt không khí lạnh sắp tới sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung.
Thời điểm không khí lạnh bắt đầu về sẽ gây ra đợt mưa ở khu vực Bắc Bộ, nhưng không lớn. Dưới tác động của mưa cộng với gió Đông Bắc, từ đêm 6/12, các tỉnh miền Bắc trời sẽ chuyển rét.
Trong đợt rét này, nhiệt độ trung bình ở Bắc Bộ khả năng xuống dưới 20 độ C, trời chuyển rét từ đêm 6/12 sang ngày 7/12. Các tỉnh miền Trung trong khoảng ngày 6 - 7/12 có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng và nhiệt độ ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có khả năng giảm xuống dưới 23 độ C.
Từ ngày 7/12 trở đi, khu vực từ Thanh Hóa trở vào đến Thừa Thiên-Huế có khả năng trời chuyển rét. Trên biển, từ ngày 7/12 trở đi, gió đông bắc mạnh. Hầu khắp khu vực Bắc giữa và Nam Biển Đông, khu vực đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, gây ra tình trạng biển động mạnh, sóng cao từ 3 - 5 m.
Cũng theo dự báo, mùa đông năm nay từ tháng 12/2024 và quý I/2025, nền nhiệt trên cả nước xuống xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, trong tháng 12/2024, khả năng nền nhiệt ở mức thấp hơn ở khu vực Bắc Bộ. Dự báo, rét đậm, rét hại có khả năng xảy ra vào nửa cuối tháng 12/2024 và khả năng xảy ra tình trạng băng giá, sương muối ở vùng núi cao phía Bắc, ảnh hưởng tới việc sản xuất, chăm sóc vật nuôi của nông dân.
Cả nước ghi nhận trên 114.900 ca mắc sốt xuất huyết
Thục Khuê: Vâng thưa quý vị, thông tin cuối cùng mà chúng tôi mang đến cho quý vị ngày hôm nay đó là thông tin về tình hình dịch sốt xuất huyết.
Từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận trên 114.900 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca.
Chia sẻ về dịch tễ sốt xuất huyết trong giai đoạn hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, trước đây, chu kỳ từ 10 - 12 năm mới có một vụ dịch lớn, nhưng gần đây từ năm 2019 đến 2023, nước ta đã có hai vụ dịch lớn là năm 2019 với hơn 300.000 và năm 2022 là 370.000 ca mắc, 150 ca tử vong.
Dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay có thay đổi, trước đây chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như thành phố Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.
Tâm Anh: Theo Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 200.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn. “Cách đây 7 năm, Bộ Y tế đã có một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Theo đó, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế- xã hội rất lớn”, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức cho biết.
Cục trưởng Hoàng Minh Đức cũng đánh giá, hiện nay công tác phòng tránh sốt xuất huyết đang còn những khoảng trống. Trước khi có vaccine, chúng ta thực hiện các phương pháp truyền thống như tiêu diệt vector trung gian truyền bệnh. Tuy là phương pháp hiệu quả nhất, nhưng vẫn rất khó có thể tiêu duyệt hoàn toàn vector.
Thục Khuê: Và theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Sinh Nam nhận định: Vaccine là công cụ bổ trợ quý giá cho những nỗ lực phòng ngừa hiện có. Vaccine có thể giúp giảm số ca bệnh sốt xuất huyết nặng và tỷ lệ nhập viện, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em và người cao tuổi.
Tuy nhiên, vaccine không ngăn ngừa được hoàn toàn các ca sốt xuất huyết. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị kiểm soát vector một cách toàn diện vẫn là yếu tố quan trọng trong chiến lược phòng, chống sốt xuất huyết. Hơn nữa, các vector muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết còn mang những virus nguy hiểm khác, bao gồm virus sốt vàng, chikungunya và Zika. Thành công của việc kiểm soát và phòng, chống sốt xuất huyết phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành và sự hưởng ứng của người dân.
(Chào kết)
Tâm Anh: Rất cảm ơn Thục Khuê về tin tức vừa rồi và đó cũng là thông tin cuối cùng mà Tân Anh và Thục Khuê mang đến cho quý thính giả trong số phát sóng lần này.
Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại