BẢN TIN TỔNG HỢP -
Nhiều vụ sạt lở tại Cần Thơ xảy ra liên tiếp ảnh hưởng nhà dân
Phát sóng: ngày 07/04/2024
Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê
Nhiều vụ sạt lở tại Cần Thơ xảy ra liên tiếp ảnh hưởng nhà dân
Tâm Anh: Thưa quý vị, mới đây chỉ trong ngày 3-4, đã liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở trên sông tại Cần Thơ, ảnh hưởng đến 10 căn nhà trong khu vực sông Trà Nóc và sông Cần Thơ Bé. Các vết nứt liên tục xuất hiện đe dọa khiến người dân thấp thỏm.
Khoảng 6h sáng 3-4, một đoạn bờ sông Trà Nóc qua khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ sạt lở với chiều dài 54m, ăn sâu vào bờ hơn 14m. Vụ sạt lở đã làm ảnh hưởng 7 căn nhà liền kề ven sông (trong đó có hai dãy nhà trọ, một căn nhà có kết cấu 1 trệt, 1 lầu). Hiện các vết nứt xuất hiện nhiều và có nguy cơ sạt lở thêm.
Theo chính quyền phường Trà An, quận Bình Thủy, trước đó UBND phường cùng các ban ngành đã đến kiểm tra ghi nhận hiện trạng các căn nhà trong khu vực đường Lê Thị Hồng Gấm có nguy cơ sạt lở nên đã vận động người dân không sinh sống ở đó, đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc.
Cũng trong sáng 3-4, tuyến kênh Cần Thơ Bé (thuộc phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) bị sạt lở một đoạn đường dài 35m, 3 căn nhà bị sụp xuống kênh, Hiện đang có nguy cơ sạt lở lan rộng thêm làm ảnh hưởng nhiều nhà gần đó.
Thục Khuê: Và thưa quý vị, trước đó vào ngày 2-4, trên tuyến Rạch Chanh (thuộc khu vực Long Thành, phường Long Hưng, quận Ô Môn) cũng xảy ra sạt lở một đoạn dài khoảng 25m. Vụ sạt lở làm ảnh hưởng tuyến đường, khiến lộ bê tông nông thôn có nguy cơ đổ sụp.
Và có thể thấy rằng việc liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở như trên gây ảnh hưởng không ít tới cuộc sống sinh hoạt cũng như việc đi lại di chuyển của người dân đúng không Tâm Anh?
Tâm Anh: Quả đúng là như vậy. Và Theo Ban chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ, các vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, tuy nhiên cũng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Như vậy, do tình hình thời tiết thay đổi phức tạp nên ở một số địa phương, tình trạng sạt lở đã và đang có nguy cơ diễn ra nhiều hơn đúng không Thục Khuê?
Nhiều đoạn đường có vách núi cao tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trên đèo Prenn
Thục Khuê: Đúng vậy và cũng mới đây, theo thông tin Thục Khuê được biết thì Tỉnh Lâm Đồng cũng đang bước vào mùa mưa, nên nhiều đoạn đường trên tuyến đường đèo Prenn (TP Đà Lạt) tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Dù mới nâng cấp mở rộng nhưng trên đoạn đường đèo vẫn có nhiều vách núi cao không có taluy, gây nguy hiểm.
Thưa quý vị, vào chiều ngày 1.4, một trận mưa lớn tại TP Đà Lạt đã khiến dọc taluy dương dài khoảng 200m trên tuyến đường đèo Prenn sạt trượt đất đá rơi xuống lòng đường. Ngay sau đó vào ngày 2.4, cơ quan chức năng cưa hạ một số cây thông nằm bên vách núi của đèo Prenn, đề phòng ngã đổ gây nguy hiểm đến người dân cũng như an toàn giao thông trên đèo. Vào chiều cùng ngày, đã hoàn tất việc cưa hạ, di dời cây thông và các phương tiện về cơ bản đã di chuyển trở lại.
Tâm Anh: Đèo Prenn là cửa ngõ, tuyến giao thông huyết mạch của TP Đà Lạt, nối với cao tốc Liên Khương - Đà Lạt và Quốc lộ 20 đi TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hiện Đà Lạt đang có mưa lớn đầu mùa, UBND phường 3 đã gắn biển báo những điểm có nguy cơ đá rơi, sạt lở ở các ta luy dương trên đèo Prenn. Mới chỉ là trận mưa thứ 2 của mùa mưa 2024 nhưng đèo Prenn đã xảy ra sạt lở khiến nhiều người rất lo lắng. Nhiều đoạn trên đèo có độ dốc giữa mặt đường và sườn núi sát đường khá cao nhưng chưa được gia cố taluy.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng như UBND TP Đà Lạt mới đây đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phủ xanh, trồng cỏ, các loại cây, hoa, dây leo phù hợp, mang tính đặc trưng của Đà Lạt để tạo cảnh quan, điểm nhấn cho tuyến đèo quan trọng này.
Vâng và có thể nói là tình hình sạt lở đất ở một số địa phương vẫn sẽ có ít nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Như vậy thì Tâm Anh thấy rằng cần phải có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giải quyết vấn đề này. Thục Khuê có nghĩ như vậy không?
Thục Khuê: Thục Khuê thấy rằng chính quyền địa phương cũng đã có những biện pháp trước mắt để giải quyết tình hình này nhưng thời tiết thì đang diễn biến khá phức tạp nên chắc chắn là thời gian sắp tới thì cần tạm thời ứng phó để có thể có những biện pháp lâu dài hơn.
Sơn La: Xây đập Sabo đầu tiên ở Việt Nam nhằm giảm rủi ro lũ quét, sạt lở đất
Thục Khuê: Và thưa quý vị, mới đây thì Sơn La đã cho xây đập Sabo đầu tiên ở Việt Nam nhằm giảm rủi ro lũ quét, sạt lở đất. Đập Sabo là một trong những giải pháp công trình giảm thiểu rủi ro gây ra bởi sạt lở, lũ quét hiệu quả nhất, thường được xây dựng tại thượng lưu những sông có độ dốc lớn và tốc độ dòng chảy cao.
Ngày 4/4, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) - Văn phòng tại Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công xây dựng thí điểm đập Sabo đầu tiên ở Việt Nam nhằm giảm rủi ro do sạt lở, lũ quét.
Tâm Anh: Và Theo Văn phòng JICA tại Việt Nam, xây dựng đập Sabo thí điểm là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Dự án “Hợp tác Kỹ thuật về Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc” được triển khai từ năm 2022 dưới sự hợp tác của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và JICA tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam.
Việc xây dựng thí điểm đập Sabo tại tỉnh Sơn La được kỳ vọng là cơ sở để Chính phủ Việt Nam tham khảo, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế công trình đập Sabo trước khi triển khai xây dựng các đập Sabo khác tại các khu vực có rủi ro cao, hướng tới hiện thực hóa Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và Thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thục Khuê: Vâng và thực tế cho thấy những năm gần đây cho thấy lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn diễn ra thường xuyên và gây ra thiệt hại nặng nề tại vùng núi phía Bắc Việt Nam. Trong đó, tháng 8/2017, lũ quét, sạt lở đất đã làm 15 người chết và mất tích, 15 người khác bị thương, và gây ra tổng thiệt hại kinh tế lên tới 705 tỷ đồng tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Gần đây, mưa lớn liên tiếp vào đầu tháng 8/2023 cũng dẫn đến lũ quét và sạt lở đất tại huyện Mường La, đã gây thiệt hại cho 134 nhà ở trong khu vực. Chính vì vậy nên Thục Khuê mong rằng, sau khi được chính thức đưa vào hoạt động thì Đập Sapo có thể phát huy được tác dụng một cách tốt nhất. Và qua đây thì Thục Khuê và Tâm Anh cũng hi vọng tình trạng sạt lở đất sẽ sớm kết thúc để cuộc sống sinh hoạt cũng như đi lại của người dân quay trở lại bình thường.
Tâm Anh này, có thể thấy rằng thời gian vừa qua có rất nhiều tin tức mới được cập nhật đúng không?
Đúng vậy, và ngoài những thông tin vừa rồi có rất nhiều những thông tin nóng hổi khác vẫn đang được cập nhật từng ngày, từng giờ, vậy nên xin mời quý vị tiếp tục lắng nghe những tin tức nổi bật trong thời gian vừa qua:
Headlines phụ:
Người lao động có thể được nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 - 1/5
Dịch tay chân miệng lây nhiễm trong trường học ở Hà Nội
4. Người lao động có thể được nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 - 1/5
Tâm Anh: Thưa quý vị, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi các cơ quan liên quan lấy ý kiến về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày 30/4 và Quốc tế lao động 1/5 năm 2024.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2024, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có ngày 29/4 (thứ hai) nằm giữa ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ hằng tuần.
Do đó, có ý kiến đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4) và làm bù sang ngày khác để dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Thục Khuê: Và Bộ LĐ-TB&XH lý giải, việc hoán đổi này giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; việc hoán đổi cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hoán đổi thời gian làm việc nêu trên.
5. Dịch tay chân miệng lây nhiễm trong trường học ở Hà Nội
Thục Khuê: Và chuyển sang một thông tin tiếp theo thì Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội đã ghi nhận số ca tay chân miệng tăng trong hai tuần qua, phát hiện 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non.
Hiện CDC ghi nhận 60-70 ca tay chân miệng mỗi tuần, nâng tổng số ca trong ba tháng đầu năm lên 300, tăng 75 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố xuất hiện 5 ổ dịch, trong đó chỉ riêng hai tuần qua ghi nhận 3 điểm trường học đang lây nhiễm bệnh.
Không chỉ tại Hà Nội, số ca tay chân miệng trên cả nước cũng đang tăng. Theo Bộ Y tế, trong quý I, cả nước có hơn 6.000 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Và thưa quý vị, thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà... tăng, theo CDC Hà Nội. Dự báo thành phố có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch, đòi hỏi phải giám sát phát hiện sớm, đặc biệt tại các trạm y tế, trường mầm non, tiểu học... để xử lý, chặn lây nhiễm rộng hơn trong cộng đồng.
Tâm Anh: Rất cảm ơn thông tin vừa rồi tới từ Thục Khuê. Và trong thời gian sắp tới quý thính giả hãy chú ý chăm sóc sức khoẻ, ăn uống đầy đủ, tăng cường tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cũng như phòng tránh được các căn bệnh nguy hiểm tới sức khoẻ.
(Chào kết)
Tâm Anh: Quý thính giả thân mến, tới đây thì thời lượng của Bản tin cũng đã kết thúc. Chúc quý vị sẽ có một tuần làm việc hiệu quả, thêm vào đó là những khoảng thời gian hạnh phúc bên người thân và gia đình.
Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe.
Tôi là Tâm Anh
Còn tôi là Thục Khuê
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại