Bản tin tổng hợp 11/04: Khẩn trương di dời toàn bộ hộ dân trong phạm vi sự cố sạt lở sông Cầu

(PLVN) -  Đề phòng triều cường vùng ven biển phía Đông Nam Bộ; Hơn 50 người tham gia khống chế đám cháy rừng ở Bảo Lộc; Giải cứu 4 người bị sập bẫy ''việc nhẹ lương cao'';... và một số thông tin đáng chú ý khác.
Khẩn trương di dời toàn bộ hộ dân trong phạm vi sự cố sạt lở sông Cầu. Ảnh: Minh họa

BẢN TIN TỔNG HỢP 11/04

Thời gian: 15 phút

Ngày phát sóng: 11/04/2024

Người thực hiện: Vũ Diệp - Tâm Anh

Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang lắng nghe Bản tin tổng hợp trên Radio Pháp luật, báo PLVN. Tôi là Tâm Anh.

Vũ Diệp: Còn tôi là Vũ Diệp. Rất vui khi được đồng hành cùng quý vị thính giả trong bản tin tổng hợp ngày hôm nay. Không để quý vị chờ lâu, phần đầu bản tin sẽ bao gồm những nội dung chính như sau:

  • Khẩn trương di dời toàn bộ hộ dân trong phạm vi sự cố sạt lở sông Cầu

  • Đề phòng triều cường vùng ven biển phía Đông Nam Bộ

  • Hơn 50 người tham gia khống chế đám cháy rừng ở Bảo Lộc

Vũ Diệp: Thưa quý vị và các bạn, sự cố sạt lở bờ sông đoạn từ K49+750 đến K49+800 đê hữu Cầu ở Bắc Ninh xuất hiện từ đầu tháng Ba, và mới đây sự cố sạt lở mái đê đã khiến 6 ngôi nhà thuộc địa phận phường Vạn An, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, bị sạt xuống sông Cầu

Vụ việc không gây thiệt hại về người do đây là khu vực đã được lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo nguy hiểm, tổ chức di dời từ trước nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản. UBND phường Vạn An đã tiếp tục di dời thêm 5 hộ gia đình khác sau sự cố trên.

Và có thể nói, sự cố sạt lở này xuất phát từ rất nhiều nguyên do khác nhau phải không Tâm Anh?

Tâm Anh: Vâng, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh và Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh, quá trình kiểm tra cho thấy các công trình nhà ở liền kề với các công trình nhà đã sạt lở tiếp tục xuất hiện các vết nứt tường và nền nhà, gây nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như an toàn đê điều tại khu vực này.

Ngoài ra, trải qua hai lần công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai từ tháng 10/2023 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã đặt ra cảnh báo nghiêm trọng về hậu quả tiềm ẩn của việc xây dựng trái phép và lấn sông trong hành lang thoát lũ của tuyến đê sông Cầu.

Các công trình xây dựng lấn sông không chỉ vi phạm pháp luật về đê điều mà còn tạo ra nguy cơ sạt lở, đe dọa đến tính mạng và tài sản của cư dân trong khu vực. Những căn nhà lấn sông, mặc dù không có sổ đỏ và không được cấp phép xây dựng, vẫn ngang nhiên mọc lên. Điều đáng nói là, các công trình này không chỉ có hình thái kỳ lạ mà còn xâm phạm sâu vào hành lang thoát lũ, gây ra nguy cơ lớn về sạt lở. Do đó đòi hỏi phải có những biện pháp cụ thể trước mắt và lâu dài để hạn chế tình trạng nguy hiểm này

Vũ Diệp: Vâng, theo đó, tại buổi họp bàn giải pháp xử lý sự cố sạt lở, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương di dời toàn bộ hộ dân sinh sống trong phạm vi sự cố sạt lở và khu vực lân cận đến nơi tạm trú an toàn, thực hiện các biện pháp xử lý theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời khắc phục khi sự cố tiếp tục phát sinh, lan rộng hoặc lấn sâu vào thân đê.

Đồng thời tập trung chỉ đạo tháo dỡ các công trình đã bị sạt lở nhằm hạn chế tải trọng cho bãi sông tại khu vực này, giảm nguy cơ phát sinh hiện tượng sạt trượt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo về thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định công bố tình huống khẩn cấp và các giải pháp đảm bảo an toàn khu vực sự cố sạt trượt, thường xuyên, trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường sự cố để hướng dẫn về chuyên môn, đánh giá nguyên nhân và để xuất giải pháp xử lý các sự cố sạt lở.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các biện pháp xử lý sự cố. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hướng dẫn Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh lập phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân sinh sống trong khu vực sạt lở.

Tâm Anh: Vâng, bên cạnh đó thì các đơn vị cũng đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh tiến hành trục vớt công trình bị đổ sập xuống lòng sông để khơi thông dòng chảy và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Thưa quý vị và các bạn, tại vùng ven biển Đông Nam Bộ cũng đang được cảnh báo nguy cơ ngập do triều cường ở các khu vực trũng thấp và vùng ngoài đê bao các tỉnh, thành phố từ Vũng Tàu trở vào đến Cà Mau.

Theo cảnh báo, mực nước vùng ven biển phía Đông của Nam Bộ có xu hướng tăng; mực nước trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,5m. Triều cường trong khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều sẽ làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông ở khu vực phía Đông của Nam Bộ.

Có thể nói, đỉnh triều cường ngày càng cao, sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống và sinh hoạt của người dân nơi đây phải không Vũ Diệp?

Vũ Diệp: Vâng đúng như vậy, triều cường gây nên tình trạng ngập úng trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt và an toàn giao thông. Đặc biệt là triều cường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh Nam Bộ nói chung.

Tại các thành phố lớn, hiện tượng thiên tai này dẫn đến tình trạng ngập lụt nặng ở các tuyến đường gây ùn tắc cục bộ, các phương tiện chết máy do ngập nước, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Triều cường lên cao còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp. Nhiều diện tích sản xuất bị thiệt hại lớn khiến năng suất và chất lượng nông sản giảm mạnh, đời sống nông dân gặp khó khăn. Các hộ kinh doanh phải đóng cửa nhiều ngày vì tình trạng ngập lụt.

Mặt khác, triều cường sẽ làm chậm quá trình thoát nước, do đó thủy triều đi sâu vào sông khiến tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu sắc, nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân có thể tiếp tục xảy ra.

Tâm Anh: Vâng có thể thấy, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này đến từ biến đổi khí hậu toàn cầu, tuy nhiên bên cạnh đó còn do nền đất Nam Bộ nói chung và TP.HCM đang bị sụt lún do hệ quả của việc bê tông hóa và khai thác nước ngầm quá mức như các chuyên gia đã từng cảnh báo.

Chính vì thế, các địa phương cần xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai các cấp, phát huy hiệu quả trong công tác ứng phó tại chỗ ngay giờ đầu khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Các đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường để kịp thời triển khai các phương án, biện pháp và giải pháp chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Vũ Diệp: Quý vị và các bạn thính giả thân mến, theo TTDBKTTVQG, nắng nóng ở khu vực Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên quý giá này.

Và mới đây, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại Tiểu khu 484 (thuộc địa bàn xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) thuộc đối tượng rừng tự nhiên nghèo kiệt. Do thời tiết hanh khô, gió lớn nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát lan rộng. Sau gần 5 giờ đồng hồ, hơn 50 người thuộc các lực lượng tiếp tục chia thành nhiều tốp triển khai các biện pháp chữa cháy, khoanh vùng khống chế được 2 điểm không để cháy lan qua các khu vực khác. Tuy nhiên còn 1 điểm do địa hình hiểm trở nên ngọn lửa vẫn tiếp tục bùng phát.

Và chỉ tính riêng tháng 3/2024, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc xảy ra ít nhất 7 vụ cháy rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo kiệt và vườn cây của người dân địa phương.

Tâm Anh: Vâng, tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 500.000 ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng thông và các dạng rừng dễ cháy. Trước thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như hiện nay, địa phương cần tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng chống cháy.

Trước đó, vào t3/2024, UBND TP Bảo Lộc đã có văn bản chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra toàn diện về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2024 trên địa bàn sau các vụ cháy rừng, vườn cà phê liên tục xảy ra thời gian qua.

Đoàn liên ngành đã kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Lâm nghiệp, việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy chữa cháy rừng.

Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện hành vi vi phạm thì tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tham mưu UBND thành phố ra quyết định xử phạt hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Vũ Diệp: Vâng, ngoài ra mùa nắng nóng, khô hanh đang bắt đầu đến, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương và người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng cháy rừng, không đốt nương rẫy bừa bãi, khi phát hiện cháy cần báo ngay cho cơ quan, đơn vị gần nhất để tránh những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân, làm giảm hiệu quả trong công tác bảo vệ lá phổi xanh của trái đất.

Và Tâm Anh này, ngoài những thông tin mà chúng ta vừa đề cập ở phần đầu bản tin, thì còn có rất nhiều những tin tức mới về đời sống, xã hội đang được cập nhật đúng không?

Tâm Anh: Đúng vậy, ngoài những thông tin vừa rồi thì còn có rất nhiều những thông tin nóng hổi khác vẫn đang được cập nhật từng ngày, từng giờ. Vậy nên không để quý vị thính giả chờ lâu hơn nữa, xin mời quý vị tiếp tục lắng nghe những tin tức nổi bật sau:

  • Thêm nhiều học sinh nghi ngộ độc do ăn cơm bán rong trước trường ở Khánh Hòa

  • Khởi tố đối tượng “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”

  • Giải cứu 4 người bị sập bẫy ''việc nhẹ lương cao''

Tâm Anh: Thưa quý vị và các bạn, mới đây, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa đã có báo cáo ban đầu vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số trường học trên địa bàn Thị trấn Tô Hạp.

Theo đó, sáng ngày 9/4, chị L làm 114 suất cơm nắm và 28 suất cơm cuộn, để vào thùng xốp bán cho học sinh các trường mầm non, cấp I, cấp II trên địa bàn TT.Tô Hạp.

Khoảng 10 giờ - 10 giờ 30 phút, các cháu có triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần và được giáo viên cùng người nhà đưa đến Trung tâm Y tế H.Khánh Sơn xử lý ban đầu.

Tính đến 15 giờ, có 28 học sinh nhập viện. Trong đó, có 1 trường hợp tử vong. Theo báo cáo của các đơn vị, trước khi đến lớp, học sinh này cùng nhiều bạn khác đã ăn sáng ngoài cổng trường (ăn sushi, uống nước ngọt). Tuy nhiên chỉ sau khoảng 30 phút ăn uống xong, cháu có biểu hiện muốn nôn, sùi bọt mép và được nhà trường đưa đi cấp cứu. Về trường hợp này, cơ quan chức năng chưa công bố nguyên nhân, nhưng đại diện Sở Y tế khẳng định "không do ngộ độc". Các cháu còn lại đã được điều trị và ổn định.

Hiện nay, vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra và làm rõ.

Vũ Diệp: Hôm qua ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, quê Tiền Giang) để điều tra về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”

Theo thông tin ban đầu, căn hộ mà đối tượng này ở tại chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh) là do một người đàn ông nước ngoài thuê, đồng thời chuyển tiền để Vi tìm các bé gái nhằm mục đích quay clip khiêu dâm.

Trích xuất camera, cơ quan chức năng phát hiện, khoảng 23 giờ ngày 3/4, Vi dẫn hai bé về sảnh chung cư. Tình trạng hai bé bình thường, không có biểu hiện hoảng sợ. Các ngày sau đó, đối tượng này không ra ngoài, các nhu cầu sinh hoạt đều đặt hàng giao tới.

Làm việc với cơ quan chức năng, lúc đầu đối tượng này khai thấy hai bé tội nghiệp nên dẫn về ở chung nhưng sau đó công an phát hiện trong điện thoại của Vi có một số nội dung nghi vấn liên quan người đàn ông thuê căn hộ cần làm rõ.

Trước đó, vào chiều 6/4, Công an phường Bến Nghé, quận 1 tiếp nhận thông tin từ chị Nguyễn Thị Chi (27 tuổi, ngụ quận 7) trình báo việc bị thất lạc hai con ruột 7 tuổi và 3 tuổi tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ từ tối 3/4.

Ngay lập tức, các lực lượng chức năng Công an quận 1, Công an Thành phố và các địa phương phối hợp và tìm ra nơi ở của hai bé gái này sau 42 giờ nhận được tin báo. Thời điểm tìm thấy hai bé gái, các bé khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị bạo hành.

Tâm Anh: Mới đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng đã đưa 4 nạn nhân bị lừa ra nước ngoài về đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) an toàn.

4 công dân được giải cứu gồm 3 nam, 1 nữ, trong đó có 2 nạn nhân quê ở tỉnh Vĩnh Phúc; 1 nạn nhân quê ở tỉnh Thái Nguyên và 1 nữ nạn nhân tuổi vị thành niên, quê ở tỉnh Bến Tre.

Các nạn nhân này bị các đối tượng tội phạm có tổ chức mua bán dụ dỗ, lôi kéo làm việc văn phòng ở Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào) với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Khi các nạn nhân bị sập bẫy, chúng bắt ép phải làm việc với hình thức sử dụng các tài khoản ảo trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ yếu là các phụ nữ đơn thân người Việt Nam hoặc Trung Quốc đang có nhu cầu tìm việc làm.

Mỗi ngày, các nạn nhân phải làm việc từ 13 đến 15 tiếng, nếu không đủ chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, hành hạ, tra tấn và bị yêu cầu gọi về cho gia đình đòi tiền chuộc từ 200-300 triệu đồng mỗi trường hợp. Nhiều gia đình nạn nhân đã nộp tiền chuộc nhưng các đối tượng vẫn đưa các công nhân này bán cho công ty lừa đảo khác ở Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào) để lấy thêm tiền.

Từ cuối tháng 3 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã giải cứu thành công 2 vụ với 6 nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài bằng chiêu bài "việc nhẹ, lương cao".

—-----------------

Vũ Diệp: Qúy vị và các bạn thính giả thân mến, theo Trung tâm dự báo KTTVQG, tình trạng nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục xảy ra trên diện rộng tại khu vực Nam Bộ. Và nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Và trong thời gian gần đây, TP.HCM cũng đã ghi nhận gia tăng số người cao tuổi nhập viện cũng vì nguyên nhân này. Những bệnh nhân có tiền sử huyết áp, bệnh mạn tính chịu sự tác động của thời tiết đã khiến bệnh tình trở nặng. Chính vì thế, để phòng bệnh trong mùa nắng nóng, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng xấu này

Tâm Anh này, theo Tâm Anh trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, đối với người lớn tuổi thì cần phải lưu ý những điều gì?

Tâm Anh: Vâng, các bệnh lý hô hấp người cao tuổi dễ mắc phải trong mùa nắng nóng là viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi, viêm phế quản. Nhiệt độ nắng nóng của môi trường khi vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng có thể dẫn đến nhiều biến cố nguy hiểm, thậm chí là đột quỵ tử vong.

Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo, người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ, bổ sung nước, chất điện giải, vi chất để nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, không nên gây ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, khi nhiệt độ bên ngoài trời 36 - 37 độ, nhiệt độ phòng của người cao tuổi chỉ nên dao động ở mức 27 - 28 độ để tránh tình trạng sốc nhiệt khi từ trong phòng đi ra ngoài hoặc ngược lại.

Nên hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng, thường xuyên tắm bằng nước ấm, hạn chế tắm nước lạnh, nhất là vào buổi trưa, khi cơ thể đang nóng và ra nhiều mồ hôi

Đồng thời, nên ăn nhiều rau xanh, uống nước hoa quả và ngũ cốc; tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn vào lúc trời mát (buổi sáng hoặc chiều), giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là tay chân.

Vũ Diệp

: Vâng, bên cạnh đó, quý vị và các bạn nên mặc quần áo nhẹ, rộng, màu sáng, tránh mặc đồ bó khó chịu, đội mũ rộng vành và nên đeo kính bảo vệ mắt khi đi ra ngoài. Nếu không thật sự cần thiết, nên hủy bỏ các hoạt động ngoài trời, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm và chiều muộn, khi ngoài trời đã tương đối dịu mát.

Và hy vọng những chia sẻ trên đây của Tâm Anh và Vũ Diệp sẽ thật hữu ích cho quý vị và các bạn. Đến đây thì thời lượng dành cho bản tin tổng hợp ngày hôm nay cũng đã hết. Xin cảm ơn quý vị thính giả đã quan tâm lắng nghe. Chúc cho quý vị thính giả sẽ luôn mạnh khỏe, tràn đầy niềm vui và năng lượng để tiếp tục hoàn thành những mục tiêu trong tương lai.

Còn bây giờ, xin chào và hẹn gặp lại!

Đọc thêm