Bản tin tổng hợp 14/04: Nan giải vấn đề xử lý thực phẩm bẩn

(PLVN) - Quảng Ngãi kiểm soát chặt thực phẩm khu vực trường học, phòng ngộ độc; Khánh Hòa tổng kiểm tra 100% cơ sở mua bán thực phẩm, truy nguồn bẩn; Gia tăng ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội;... và một số thông tin đáng chú ý khác.

BẢN TIN TỔNG HỢP - Nan giải vấn đề xử lý thực phẩm bẩn

Phát sóng: ngày 14/4/2024

Người thực hiện: Tâm Anh, Gia Linh

  • Quảng Ngãi kiểm soát chặt thực phẩm khu vực trường học, phòng ngộ độc

  • Khánh Hòa tổng kiểm tra 100% cơ sở mua bán thực phẩm, truy nguồn bẩn

  • Xử lý thực phẩm bẩn để người dân không bất an

  • Gia tăng ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội

  • Cả nước ghi nhận hơn 14.000 ca sốt xuất huyết, 10.000 ca tay chân miệng

Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Radio PL - Báo PLVN.

Tôi là Tâm Anh

Còn tôi là Gia Linh

Quý vị thân mến, bản tin hôm nay của chúng tôi sẽ thông tin cho quý vị những sự kiện nổi bật trong thời gian vừa qua. Không để quý vị chờ đợi lâu hơn nữa, phần đầu của bản tin sẽ gồm những nội dung sau:

Headlines:

  • Quảng Ngãi kiểm soát chặt thực phẩm khu vực trường học, phòng ngộ độc

  • Khánh Hòa tổng kiểm tra 100% cơ sở mua bán thực phẩm, truy nguồn bẩn

  • Xử lý thực phẩm bẩn để người dân không bất an

  1. Quảng Ngãi kiểm soát chặt thực phẩm khu vực trường học, phòng ngộ độc

Tâm Anh: Thưa quý vị, thời gian qua tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tục xảy ra tình trạng học sinh ngộ độc tập thể phải đưa đến bệnh viện điều trị. Trong số đó, đa phần các em học sinh mua bánh, kẹo được bày bán trước cổng trường. Có thể thấy, những vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra chính là hồi chuông báo động cho vấn đề an toàn thực phẩm phải không Gia Linh?

Gia Linh: Vâng, đúng là như vậy. Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn mới đây đã ký công văn gửi các cơ quan liên quan yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là ở khu vực các trường học để bảo vệ học sinh.

Cũng bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở GD&ĐT, Y tế, TT&TT, Cục Quản lý thị trường,... khẩn trương hướng dẫn, tuyên truyền, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm buôn bán thực phẩm gần khu vực cổng trường học nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Như vậy thì có thể thấy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vốn là một vấn đề cũ nhưng lại luôn tồn tại và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tâm Anh có nghĩ như vậy không?

Tâm Anh: Thực ra thì tôi thấy rằng đã có rất nhiều những biện pháp, chính sách được đưa ra. Nhưng tuy nhiên thì người dân mới là điều tiên quyết để có thể giảm thiểu tình trạng này. Vì vẫn còn rất nhiều người “thấy cái lợi trước mắt” mà quên đi những yếu tố quan trọng hơn như sức khỏe của người thân, gia đình và mọi người nên nhà nước cũng đã cố gắng kiểm tra nghiêm ngặt hết cỡ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

  1. Khánh Hòa tổng kiểm tra 100% cơ sở mua bán thực phẩm, truy nguồn bẩn

Tâm Anh: Mới đây Tỉnh Khánh Hòa cũng đã có động thái nhằm kịp thời đối phó với việc địa bàn TP Nha Trang xảy ra liên tục các vụ ngộ độc thực phẩm; đã tác động tiêu cực đến sức khỏe, tâm trạng nhân dân; ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh.

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo; UBND các huyện, thị xã thành phố rà soát điều chỉnh kế hoạch bảo đảm ATTP năm 2024; trong đó, tháng hành động vệ sinh ATTP là một trong những nội dung của kế hoạch năm 2024.

Trong đó, ưu tiên trong tháng hành động ATVSTP kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến; các cơ sở thực phẩm quy mô lớn; các cơ sở chế biến suất ăn; bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học; các cơ sở có nguy cơ cao. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP an toàn thực phẩm. Và đồng thời, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

  1. Xử lý thực phẩm bẩn để người dân không bất an

Tâm Anh: Vâng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối. Hàng loạt vụ ngộ độc tập thể xảy ra trong thời gian qua đang trở thành tâm điểm của dư luận khiến người dân lo lắng, bất an. Với suy nghĩ "ai bệnh mặc ai" mà nhiều đối tượng đã bất chấp nhập những lô hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bốc mùi và buôn bán những sản phẩm không chất lượng. Gia Linh có nghĩ như vậy không?

Gia Linh: Theo tôi thì cũng cần phải thật sự thẳng thắn nhìn nhận, mỗi người đều cần có trách nhiệm và hành động trong vấn đề này. Những người sản xuất cần chú ý tới quá trình chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh để giữ gìn sức khỏe cho chính mình và mọi người xung quanh. Những người đứng đầu cần xử lý mạnh tay và truy cứu trách nhiệm trước pháp luật đối với các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục trong mỗi nhà sản xuất, mỗi hộ kinh doanh. Đứng trước tháng Hành động vì chất lượng ATTP đang cận kề, chúng ta cần mạnh tay hơn nữa về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với chính mình và những người xung quanh.

  1. Và Tâm Anh này, tôi thấy rằng trong thời gian qua thì không chỉ có những tin tức xoay quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà những thông tin liên quan đến đời sống xã hội cũng được rất nhiều người quan tâm và theo dõi đúng không?

  2. Đúng như Gia Linh Nói, thì trong tuần vừa rồi có rất nhiều những tin tức xoay quanh các vấn đề nóng hổi được dư luận quan tâm. Vậy nên xin mời quý vị tiếp tục lắng nghe những tin tức nổi bật có trong thời gian vừa qua:

Headlines phụ:

  • Gia tăng ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội

  • Cả nước ghi nhận hơn 14.000 ca sốt xuất huyết, 10.000 ca tay chân miệng

  • Nhiều người dân ở Thanh Hóa bị ngứa ngoài da do ký sinh trùng

4. Gia tăng ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội

Tâm Anh: Thưa quý vị, mới đây số liệu từ các trạm quan trắc cho thấy bụi mịn PM 2.5 ở Hà Nội năm sau cao hơn năm trước, các chất gây hại cho đường hô hấp có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ.

Về nguồn gây ô nhiễm, các chuyên gia môi trường cho rằng có 5 nguồn chính gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Ngoài ra, ô nhiễm còn đến từ nguồn bên ngoài Hà Nội. Trong đó, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM 2.5 lớn nhất, chiếm 50-70%, tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp. Các nguồn sản xuất sản xuất nông nghiệp và dân sinh gây ô nhiễm ít.

Gia Linh: Và cho đến nay, Hà Nội chưa kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, theo báo cáo hiện trạng môi trường thì thành phố phải đối mặt vấn đề ô nhiễm không khí, chủ yếu do bụi PM 2.5, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và thiệt hại về kinh tế. Trung bình mỗi năm Hà Nội có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện.

Trong hội thảo ngày 11/4 vừa qua, Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2030 bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm.

5. Cả nước ghi nhận hơn 14.000 ca sốt xuất huyết, 10.000 ca tay chân miệng

Gia Linh: Thưa quý vị, chuyển sang một tin tức tiếp theo thì thông tin được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều ngày 10/4: Cả nước đã ghi nhận hơn 14.000 ca sốt xuất huyết, 10.000 ca tay chân miệng.

Cũng trong hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Hiện nay, trên thế giới một số bệnh truyền nhiễm như ho gà, sởi, sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng.

Tại Việt Nam, công tác phòng chống các dịch bệnh ở Việt Nam đã triển khai hoạt động với quan điểm phòng chống dịch từ xa. Một số bệnh truyền nhiễm đang lưu hành vẫn được kiểm soát, nhưng thời gian gần đây vẫn ghi nhận một số bệnh tăng cao như tay chân miệng tăng cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt sau thời gian dài đã ghi nhận ca tử vong do cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa. Hiện nay, với sự diễn biến phức tạp của khí hậu, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, công tác phòng chống dịch bệnh cần được tăng cường hơn nữa của các địa phương, các ban ngành.

Tâm Anh: Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 10.196 ca mắc tay chân miệng trong đó miền Nam trên 7.500 ca (chiếm 74,1%); miền Bắc trên 1.300 ca (chiếm 13,3%); miền Trung trên 1.000 ca (chiếm 9,8%); Tây Nguyên trên 200 ca (chiếm 2,8%). Số mắc chủ yếu ghi nhận trong cơ sở giáo dục mầm non, có trên 90% số trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh, nữ cao hơn nam.

Về bệnh sốt xuất huyết, tích lũy từ đầu năm đến nay, ghi nhận 14.542 ca mắc, trong đó miền Nam trên 8.100 ca (chiếm 56,1%); miền Trung trên 4.700 ca (chiếm 32,9%); miền Bắc trên 800 ca (chiếm 6%); Tây Nguyên trên 700 ca (chiếm 5%). Type virus D2 chiếm 70,7% số ca mắc.

Về bệnh cúm A (H9N2), đã ghi nhận 1 ca tại tỉnh Tiền Giang, hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Cục Y tế dự phòng đánh giá cúm A(H9N2) trên gia cầm ít gây bệnh, hơn nữa gia cầm mắc bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên việc giám sát bên ngành thú y khó khăn. Đây là chủng độc lực thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Khả năng lây nhiễm sang người vẫn còn hạn chế, những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh nặng là người có sức đề kháng yếu và chưa có bằng chứng về việc lây nhiễm từ người sang người.

Và có thể nói là tình hình thời tiết có những diễn biến, thay đổi phức tạp nên nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm lại càng gia tăng cao hơn đúng không Gia Linh?

6. Nhiều người dân ở Thanh Hóa bị ngứa ngoài da do ký sinh trùng

Gia Linh: Vâng, đúng là như vậy. Và mới đây thì thông tin về việc Nhiều người dân ở Thanh Hóa bị ngứa ngoài da do ký sinh trùng cũng đang rất được quan tâm.

Theo đó, vào ngày 11-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết đã tiếp nhận thông tin hàng chục người dân ở thôn Quang Biểu, xã Vĩnh Hòa bị ngứa ngoài da.

Những ngày qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa điều tra nguyên nhân, khám điều trị, cấp thuốc cho người dân nơi đây.

Đến nay, có 43 người dân mắc bệnh ngoài da với tổn thương ở nhiều mức độ như nốt đỏ, sẩn, ngứa, dày da ở vùng eo, bụng, lưng, cạp quần, chân, tay, bẹn.

Một số bệnh nhân đã đi khám, điều trị tại cơ sở y tế nhưng chưa khỏi bệnh. Hiện nay, một số người đã thuyên giảm triệu chứng ngứa và tổn thương trên da; chưa có dấu hiệu lan rộng bệnh ngứa ra khu vực xung quanh.

Tâm Anh: Căn cứ kết quả điều tra dịch tễ và khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho rằng đây là chùm ca bệnh có cùng thời gian, địa điểm, tổn thương trên da tương đồng ở nhiều mức độ.

Chưa ghi nhận yếu tố bất thường về côn trùng, chưa ghi nhận nguyên nhân nhiễm độc do nguồn nước, môi trường khu vực bệnh nhân sinh sống.

Do vậy, ban đầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa xác định đây là chùm ca bệnh mắc bệnh ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei var hominis gây ra tại thôn Quang Biểu.

Gia Linh: Như vậy thì trong thời gian sắp tới, cùng với diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết thì Gia Linh và Tâm Anh hi vọng quý thính giả sẽ ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ cũng như là luyện tập thể dục thể thao để có thể giữ cho cơ thể luôn trong tình trạng tốt nhất đảm bảo cho công việc và cuộc sống hàng ngày.

(Chào kết)

Tâm Anh: Quý thính giả thân mến, tới đây thì thời lượng của Bản tin cũng đã kết thúc. Chúc quý vị sẽ có một tuần làm việc hiệu quả, thêm vào đó là những khoảng thời gian hạnh phúc bên người thân và gia đình.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe.

Đọc thêm