Bản tin tổng hợp 16/06: "Cuộc chiến" vào cấp 3 công lập và sự mất cân bằng trong giáo dục

(PLVN) -  "Cuộc chiến" vào cấp 3 công lập và sự mất cân bằng trong giáo dục; Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024; Hai trận động đất liên tiếp ở huyện vùng núi tỉnh Kon Tum;.... và một số thông tin khác.

BẢN TIN TỔNG HỢP Radio Pháp Luật - Kỳ thi vào lớp 10: Kỳ vọng và áp lực

Phát sóng: ngày 16/06/2024

Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê

Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Báo PLVN.

Tôi là Tâm Anh

Còn tôi là Thục Khuê

Quý vị thân mến, bản tin hôm nay của chúng tôi sẽ thông tin cho quý vị những sự kiện nổi bật trong thời gian vừa qua. Không để quý vị chờ đợi lâu hơn nữa, phần đầu của bản tin sẽ gồm những nội dung sau:

Headlines:

  1. "Cuộc chiến" vào cấp 3 công lập và sự mất cân bằng trong giáo dục

  2. Kỳ thi vào lớp 10: Kỳ vọng và áp lực

  1. Cuộc chiến" vào cấp 3 công lập và sự mất cân bằng trong giáo dục

Tâm Anh: Thưa quý vị, vừa qua có thể nói là thời gian căng thẳng đối với các bạn học sinh bước vào kì thi THPT. Kết thúc kỳ thi vào lớp 10 tại nhiều tỉnh, thành phố, có những giọt nước mắt đã rơi ngay trên sân trường. Nhiều sĩ tử đã "gục ngã" trước áp lực khổng lồ của kỳ thi và đối diện nguy cơ lỡ hẹn với ngôi trường mình mong ước.

Chứng kiến giọt nước mắt cùng ánh mắt thất thần của những cô bé, cậu bé mới chạm ngưỡng cửa của tuổi 15, nhiều người không khỏi xót xa. Số lượng trường cấp 3 công lập không theo kịp sự phát triển của mật độ dân số, đặc biệt tại các đô thị lớn, đang khiến kỳ thi vào lớp 10 ngày một trở nên khốc liệt.

Trượt ngã tại một kỳ thi có thể mang tính bước ngoặt của cuộc đời sẽ là nỗi đau mà ở độ tuổi của các em khó có thể gồng gánh. Do đó, nhiều người tin rằng cần có những biện pháp cụ thể nhằm giảm tải gánh nặng lên các em cũng như tạo điều kiện để mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận với hệ thống giáo dục công lập.

Thục Khuê: Vâng thưa quý vị, có thể nói một trong những nguyên nhân dẫn tới sự khốc liệt của kỳ thi vào lớp 10 công lập chính là sự khan hiếm lựa chọn. Trong khi số lượng trường công lập không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt tại các đô thị lớn, thì đối với những cơ sở giáo dục tư thục, chi phí quá cao đang trở thành trở ngại với rất nhiều gia đình.

Từ thực trạng nêu trên, nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, việc gia tăng số lượng cơ sở giáo dục công lập là phương án được nhiều người nhắc tới.

Tâm Anh: Như vậy thì không chỉ có các em học sinh mà chính những bậc cha mẹ phụ huynh cũng lo lắng bội phần khi con cái bước vào kì thi quan trọng.

  1. Kỳ thi vào lớp 10: Kỳ vọng và áp lực

Tâm Anh: Vâng, thưa quý vị. Kì thi vào lớp 10 có thể được tóm tắt bằng 2 từ “kì vọng” và “áp lực”. Trong khi trường đại học có nhiều "cửa" để lựa chọn thì việc giành một suất vào lớp 10 trường công lập lại chỉ trông chờ vào một kỳ thi.

Với trên 77.000 chỉ tiêu, TP.HCM có trên 78% số học sinh dự tuyển có chỗ học ở trường công lập. Nhưng ở Hà Nội, tỉ lệ này chỉ đạt 61%. Ở một số khu vực tuyển sinh có dân số gia tăng, trường công lập ít, tỉ lệ học sinh có thể được vào học lớp 10 công lập tụt xuống dưới 60%.

Về lý thuyết, học sinh trượt kỳ thi vào lớp 10 công lập có thể học trường tư, học trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề.

Nhưng những "ngã rẽ" này đều đang dẫn những học sinh tuổi 15 - 16 vào con đường không hề bằng phẳng do chất lượng nhiều trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên không đảm bảo; việc dạy nghề với những đứa trẻ 15 - 16 chưa thực sự hấp dẫn và khiến phụ huynh yên tâm. Những trường tư có uy tín thì mức học phí cao, chỉ phù hợp cho những gia đình có đủ điều kiện kinh tế

Thục Khuê: Vâng và Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, thi để vào trường công trở thành lựa chọn gần như duy nhất để hàng chục, trăm ngàn học sinh nhìn thấy một "tương lai" rộng mở hơn.

Ngay trước kỳ thi ở Hà Nội, trong các nhóm phụ huynh, nhiều người chia sẻ bọn trẻ ôn thi bị trào ngược dạ dày hàng loạt do quá căng thẳng, hay stress làm một số học sinh bị nôn, rối loạn tiêu hóa, ngất xỉu trong giờ ôn tập...

Có những học sinh đã phải "tăng ca" gấp 2 - 3 lần ở thời điểm sát nút kỳ thi. Để tận dụng tối đa thời gian, có giáo viên mở lớp từ 6h sáng để kịp cho học sinh đến trường tiếp tục lớp ôn ở trường vào 7h30.

Cũng có nhiều học sinh kết thúc lớp ôn thi vào 11h đêm rồi tiếp tục học online và tự học đến 1h - 2h sáng.

Thiếu chỗ học trường công chỉ là một lý do làm tăng áp lực cho học sinh ở kỳ thi đặc biệt này. Còn có một lý do khác là kỳ vọng, là ứng xử của cha mẹ vô tình hay cố ý, trực tiếp hay gián tiếp gây sức ép khiến cho những đứa trẻ rơi vào sự căng thẳng.

Tâm Anh: Trong buổi thi toán của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM sáng 7-6, có học sinh đã òa khóc khi ra khỏi phòng thi vì đề khó, không làm được bài. Những giọt nước mắt tương tự như thế có thể thấy nhiều ở các điểm thi của Hà Nội trong các mùa thi gần đây. Mạng xã hội cũng là "nhân chứng" cho sự thiếu kiểm soát trong sự vui mừng của một bộ phận cha mẹ khi vội vã khoe kết quả thi tốt của con ngay từ buổi thi đầu tiên và tình cờ trở thành căn cớ gia tăng nỗi buồn và bực của những cha mẹ khác khi con làm bài thi kém hơn, cơ hội đỗ ít hơn.

Thục Khuê: Vâng và có lẽ mỗi chúng ta, những người trưởng thành, cũng nên có "kỳ thi" của riêng mình, những kỳ thi để hạ bớt kỳ vọng, để nhẫn nại và thương yêu đúng cách, biến áp lực thành động lực cho con và cuối cùng là trở thành điểm tựa tinh thần khi con gặp trắc trở, thất bại.

  1. Tâm Anh này, ngoài những thông tin vừa rồi thì có thể nói là thời gian qua còn rất nhiều thông tin nổi bật khác về đời sống xã hội đúng không?

  2. Đúng như Thục Khuê vừa nói thì thời gian vừa rồi còn rất nhiều tin tức nổi bật được dư luận quan tâm vậy nên xin mời quý thính giả tiếp tục lắng nghe bản tin tổng hợp ngày hôm nay

Headlines phụ:

  • Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024

  • Hai trận động đất liên tiếp ở huyện vùng núi tỉnh Kon Tum

  • Ảnh hưởng La Nina, khả năng xuất hiện bão, mưa lũ dồn dập vào cuối năm 2024

3. Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024

Tâm Anh: Thưa quý vị, mới đây ngày 13.6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo tờ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2022 - 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (xuống còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định.

Việc này đã góp phần kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế tại thời điểm ban hành chính sách, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Nay, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 (từ 1.7 đến 31.12).

Thục Khuê: Đối tượng hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế vẫn như những lần trước đây, chỉ trừ các nhóm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính phủ đánh giá, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ khiến thu ngân sách dự kiến giảm khoảng 24.000 tỉ đồng. Đổi lại, chính sách này sẽ kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Người dân được hưởng lợi thông qua việc giảm chi phí tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. Doanh nghiệp cũng giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, qua đó mở rộng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm…

4. Hai trận động đất liên tiếp ở huyện vùng núi tỉnh Kon Tum

Thục Khuê: Và chuyển sang thông tin tiếp theo thì mới đây, rạng sáng 13/6, 2 trận động đất có độ lớn lần lượt là 3,1 và 2,9 độ đã xảy ra tại huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa ghi nhận liên tiếp 2 trận động đất có độ lớn 3,1 độ và 2,9 tại huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum.

Vị trí xảy ra động đất giáp ranh với huyện Kon Plông, Kon Tum, nơi thường xuyên xảy ra động đất.

Tâm Anh: Cụ thể, trận động đất thứ nhất xảy ra tại huyện Tu Mơ Rông có độ lớn 3,1 độ vào lúc 3h22. Trận thứ 2 xảy ra vào lúc 4h18 với độ lớn 2,9 độ. Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.

Từ đầu năm đến nay, huyện Kon Plông, Kon Tum đã xảy ra hàng chục trận động đất có độ lớn từ 2 đến 4 độ. Khi xảy ra động đất, người dân ở vùng tâm chấn thường nghe tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất và gây rung lắc.

5. Ảnh hưởng La Nina, khả năng xuất hiện bão, mưa lũ dồn dập vào cuối năm 2024

Tâm Anh: Và thưa quý vị, thông tin kế tiếp cũng liên quan đến tình hình thời tiết đó là vừa qua vào Ngày 13/6, đề cập về nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra liên tiếp như dông sét, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương, trọng tâm là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, là do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ và đới gió Đông Nam của khối không khí biển lấn từ phía Đông vào.

Mặt khác, tháng 5 và tháng 6 là thời điểm chuyển mùa và bắt đầu mùa mưa ở Bắc Bộ với đặc trưng là các đợt mưa rào, dông vào chiều tối, đêm và sáng, trung bình lượng mưa tháng 5 và 6 đóng góp vào tổng lượng mưa năm ở Bắc Bộ khoảng 15-25%. Trong giai đoạn chuyển mùa, khí quyển thường có tính chất bất ổn định cao, cộng thêm hiện tượng El Nino đang chuyển sang pha trung tính cũng là yếu tố bất lợi có thể tạo ra các hiện tượng mưa dông mạnh kèm theo mưa đá, lốc, sét. Đây là hiện tượng bình thường, mang tính quy luật.

Nhận định về thời tiết trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, với việc El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina thì hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7-9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10-12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời kỳ cuối năm.

Thuc Khuê: Trước khả năng có thể xảy ra các hình thái thời tiết nêu trên, hiện hệ thống dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia có các bản tin dự báo xa và dự báo gần. Đối với các bản tin dự báo xa có bản tin dự báo năm (phát hành 2 lần/năm vào ngày 15/1 và ngày 15/7); bản tin dự báo mùa (dự báo xu thế thiên tai trong 6 tháng); bản tin dự báo xu thế thời tiết tháng. Đối với các bản tin dự báo gần có bản tin dự báo thời tiết hằng ngày, bản tin dự báo thời tiết 10 ngày. Ngoài ra, Trung tâm còn có các bản tin dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm.

Tâm Anh: Ngoài ra, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa lớn cục bộ với cường suất lớn sẽ suất hiện nhiều hơn có thể gây ra tình trạng ngập úng đô thị, các khu công nghiệp, vùng núi có khả năng xảy ra sạt lở đất và lũ quét. Vì vậy, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng cần thường xuyên ra soát các điểm nghẽn trên các sông, suối để cảnh báo kịp thời cho người dân và hệ thống thoát nước đô thị nhằm giảm tác động khi xảy ra thiên tai.

(Chào kết)

Tâm Anh: Và thông tin vừa rồi cũng là thông tin cuối cùng mà Tâm Anh và Thục Khuê mang đến cho quý thính giả trong số phát sóng lần này.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe.

Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại

Đọc thêm